Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Lại biểu hiện "bệnh" thành tích trong giáo dục: Thi dạy giỏi, dự giờ theo kiểu đóng kịch, “phím" trước

Thứ Hai 14/01/2019 | 09:32 GMT+7

VHO- Việc Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) bị phụ huynh học sinh “tố” chỉ chọn những học sinh có học lực giỏi tham gia lớp học, còn những học sinh yếu, kém phải nghỉ học để “trình diễn” tại Hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp tiểu học mới đây lại dấy lên những lo ngại về “bệnh” thành tích trong ngành giáo dục.

 Trường tiểu học Lê Hồng Phong và tin nhắn cho phụ huynh học sinh Ảnh: BÍCH HÀ

 Không chỉ là thi giáo viên giỏi

Thực ra việc “bài binh bố trận” những lớp học, những hội thi chỉ toàn học sinh khá giỏi không chỉ diễn ra ở Hải Phòng, cũng không phải chỉ diễn ra trong các hội thi giáo viên giỏi mà còn ở nhiều dịp khác.

Tại một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai - Hà Nội (xin không nêu tên), nhiều phụ huynh và học sinh lớp 5 rất bất ngờ và phẫn nộ khi giáo viên chủ nhiệm yêu cầu một số học sinh ở nhà khi lớp có một số tiết có giáo viên dự giờ. Một số học sinh trong diện được dự tiết học có giáo viên dự giờ cũng bức xúc phản ảnh, giáo viên đã đặt sẵn những câu hỏi và trả lời liên quan tới nội dung bài giảng, yêu cầu học sinh học thuộc lòng và tất cả đều giơ tay, nhưng cô giáo chỉ gọi những bạn đứng dậy trả lời mà cô đã "phím" từ hôm trước. Nhiều học sinh vừa bức xúc, vừa băn khoăn khi bị buộc phải "đóng kịch" theo kịch bản chế sẵn của cô giáo.

Còn tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và trường tiểu học Chu Văn An, quận Ngô Quyền (Hải Phòng), một số phụ huynh được cho là đã nhận được thông báo của nhà trường yêu cầu cho con em có học lực yếu kém nghỉ ở nhà khi trường diễn ra Hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp tiểu học. Trong khi đó nhiều em khác cùng lớp vẫn đi học bình thường.

Được biết, cứ đến dịp 20.11 hằng năm, cuộc thi giáo viên giỏi để lập thành tích chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức ở nhiều cấp độ như trường, quận, thành phố, tỉnh để chọn giáo viên giỏi với thời hạn 4 năm. Số lượng giáo viên giỏi từ nhiều năm nay được đánh giá là uy tín, thương hiệu của từng trường, từng địa phương nên các cuộc thi khá được chú trọng. Các cuộc thi này không chỉ tạo áp lực cho giáo viên mà học sinh cũng phải “chịu trận”. Dưới áp lực của trường, giáo viên không muốn thi vẫn phải đi thi. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến xét thi đua vào cuối năm học. Và những cuộc thi như thế đã bị biến tướng sai cả mục đích, tôn chỉ khi chỉ chọn lớp có học sinh khá giỏi để cho giáo viên thi. Nhiều người cho rằng, những cuộc thi như vậy là biểu hiện rõ nhất của bệnh thành tích trong giáo dục

Bộ đã sửa sai như thế nào?

Chiều 12.1, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có thông báo gửi các đơn vị liên quan và báo chí về vụ việc tại Hải Phòng. Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và tình hình thực tế tại các địa phương để làm căn cứ cho việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định đã cũ, không còn phù hợp.

Về sự việc một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng Nhạ đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư về hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, hiện nay Bộ đang trong quá trình rà soát, sửa đổi quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi theo hướng thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có chất lượng; khắc phục triệt để việc áp dụng các quy định một cách máy móc, hình thức, gây lãng phí và tạo áp lực cho giáo viên. Dự kiến trong thời gian tới, dự thảo Thông tư mới sửa đổi sẽ được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ cũng sẽ có những điều chỉnh về tiêu chí thi đua trong năm 2019 để bảo đảm thực chất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục. Trước đó, trong chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái vào cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: “Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên. Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả”.

Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2019, người đứng đầu ngành Giáo dục tiếp tục khẳng định sẽ trả lại cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc rà soát cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, hội thi thiếu thiết thực và hiệu quả. 

 Khi nào thầy cô mới hết... diễn?

Còn nhớ, vào trung tuần tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lên Yên Bái để đối thoại với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tại đây Bộ trưởng Nhạ đã bày tỏ sự thẳng thắn một vấn đề, đó là việc đánh giá giáo viên giỏi, công chức, viên chức đạt Chiến sĩ thi đua đang sa vào hình thức, bệnh thành tích.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng chỉ rõ: “Việc thi giáo viên giỏi hiện nay chỉ là diễn thôi, tôi không đồng ý. Việc đó chỉ gây áp lực cho giáo viên...”. Vụ việc xảy ra ở một số trường tại Hải Phòng mới đây tiếp tục minh chứng cho cái sự diễn của giáo viên, và đã tác động tiêu cực đến học sinh. Vậy đến khi nào thì thầy cô mới hết diễn đây, trong khi đó là vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm qua mà ai ai cũng biết?

NG.H

 

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top