Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Không ngộ nhận việc dùng bia để giải độc rượu

Thứ Sáu 11/01/2019 | 21:41 GMT+7

VHO- Việc sử dụng bia hay ethanol để giải ngộ độc rượu methanol chỉ là cung cấp thêm sự hiểu biết cho người dân về công tác chữa bệnh của bác sĩ. Khi sử dụng phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ tại cơ sở y tế, có phác độ điều trị, người dân tuyệt đối không được áp dụng tại nhà.

Đây là khuyến cáo của Ths Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tại buổi họp báo của Bộ Y tế diễn ra chiều ngày 11.1. Tại đây, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Theo hướng dẫn xử trí ngộ độc methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải methanol ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với methanol có trong máu. Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa methanol thành các độc chất (axit formic và format) gây hại cho người bệnh và phải được thực hiện, theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ.

Phụ trách Trung tâm Chống độc Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ tại buổi họp báo

Ths Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, có hai loại ngộ độc rượu là ngộ độc rượu ethanol là sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ và ngộ độc rượu methanol – chất giả cồn dùng trong công nghiệp không dùng trg thực phẩm. Khi ngộ độc ethanol là do uống quá nhiều, người dân tuyệt đối không được uống thêm rượu, bia nhằm mục đích giải độc. 

“Còn ngộ độc methanol có số lượng bệnh nhân ít so với tổng thể số bệnh nhân chung nhưng khi xảy ra thì đa phần trong tình trạng nặng, nguy cơ tử vong cao. Trường hợp ngộ độc methanol, bác sĩ có nhiều biện pháp để cứu chữa như: cấp cứu hồi sức, dùng thuốc giải độc, lọc máu để thải độc. Cả ba giải pháp đều quan trọng, trên thế giới dùng thuốc giải độc tốt nhất là fomepizole có giá khoảng 3.000 – 4.000 USD/liều, mức độ an toàn cao, nhưng chúng ta chưa có điều kiện sử dụng. Thứ hai là truyền tĩnh mạch ethanol, chúng ta cũng chưa thực hiện. Còn việc dùng ethanol dạng uống thì phải tính toán liều lượng, an toàn, được theo dõi bởi những bác sĩ, hoặc người có chuyên môn. Người dân tuyệt đối không bắt chước, áp dụng tại nhà bởi vì nhân viên y tế khi thực hiện còn thấy rất khó khăn”, Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Nguyên, dùng ethanol chỉ có tính chất tạm thời, còn biện pháp lọc máu vẫn là giải pháp quyết định, với chi phí khoảng 70 USD. Còn việc dùng fomepizole đắt tiền, trên thế giới có thể không cần lọc máu, nhưng với người dân Việt Nam bị ngộ độc vẫn phải áp dụng lọc máu vì thông thường nồng độ ngộ độc rất cao.

Bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không được dùng bia nhằm mục đích giải độc rượu 

Tại buổi họp báo, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay rất khó phân biệt ngộ độc rượu ethanol và methanol, các biểu hiện của ngộ độc methanol ban đầu có biểu hiện giống với ethanol như người say xỉn, sau đó, tỉnh lại. Người ngộ độ ethanol có thể trở lại bình thường,  nhưng ngộ độc methanol sẽ bắt đầu biểu hiện sau mệt mỏi, thở nhanh, nôn ọe, lúc này vào viện là quá muộn. “Thông thường ngộ độc methanol có biểu sau 1- 2 ngày, khi đó đã là mức độ nặng. Do đó, khi người dân uống rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc khi có biểu hiện ngộ độc phải đến cơ sở y tế ngay”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Liên quan đến tác hại của rượu bia, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, chỉ ngộ độc methanol mới dùng ethanol để trì hoãn quá trình chuyển hoá chất độc. Có ý kiến cho rằng, uống uống rồi uống bia để cầm chừng sau đó uống tiếp là hoàn toàn sai lầm.  “Về mặt nguyên lý sử dụng rượu bia có chứa cồn, gan có thải độc trong vòng 1h khoảng 1 đơn vị cồn tức là tương đương 10 gam cồn nguyên chất trong một dung dịch uống, tương đương 15ml rượu hoặc 2/3 lon bia 330ml. Nhưng thực tế, theo thói quen trong 1h người Việt có thể uống đến vài lon bia, thậm chí cả chục lon khiến lượng cồn được đưa vào cơ thể nhiều,  gan không chuyển hóa kịp nên ethanol sẽ chuyển hóa thành chất độc”, bà Trang nhấn mạnh.

Trước đó, trong hai ngày ngày 24 – 25.12.2018, Bệnh viện đa khoa Quảng Trị lần lượt tiếp nhận ba bệnh nhân là Lê Văn X, 64 tuổi; Nguyễn Văn N, 47 tuổi và Lê Văn T, 24 tuổi đều thường trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. 
Qua khai khác cả 3 bệnh nhân này cùng dự liên hoan vào chiều ngày 23.12.2018 và cùng uống chung một loại rượu. Triệu chứng ban đầu là đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sau đó vật vã kích thích, hôn mê, rối loạn hô hấp, suy hô hấp, thở yếu, suy tuần hoàn, nhìn mờ. Bệnh nhân Lê Văn X được chẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộ độc methanol, chuyển bệnh viện Trung ương Huế điều trị vào lúc 05 giờ 30 phút ngày 25.12.2018 do bệnh tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân Nguyễn Văn N và Lê Văn T được chẩn đoán theo dõi ngộ độc Methanol. 
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn N có hàm lượng methanol trong máu là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Bệnh viện đã tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế, kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc Methanol. Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có ethanol) vào dạ dày qua ống thông. Sau 09 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 2.1.2019.
Bộ Y tế ghi nhận ca thành công và sự vất vả của các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Quảng Trị, khi cấp cứu cho bệnh nhân, thì phải dùng mọi cách có thể. Tuy vậy, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) khuyến cáo:
1. Sử dụng rượu, bia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia. 
2. Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia (có ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng. Ethanol có thể gây hôn mê, suy hô hấp và tử vong nếu uống rượu, bia nhiều.
3. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa methanol. 

QUỲNH HOA

Print
Tags: Y tế

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top