Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Chuyện lạ” dùng bia cứu sống người ngộ độc rượu ở Quảng Trị: Đừng ngộ nhận việc “lấy độc trị độc”

Thứ Sáu 11/01/2019 | 10:28 GMT+7

VHO- Để cứu sống một bệnh nhân đang nguy kịch do ngộ độc rượu, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng 15 lon bia (tương đương 5 lít bia) để truyền vào cơ thể người bệnh này.

 Bệnh nhân Nhật khi đang nằm điều trị tại bệnh viện

Ngày 10.1, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã xác nhận với chúng tôi, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (xã Triệu Độ, Triệu Phong) bị ngộ độc rượu nặng hiện đã hồi phục, xuất viện sau khi nằm điều trị tại bệnh viện. Để cứu bệnh nhân Nhật, các y, bác sĩ của bệnh viện đã dùng đến 15 lon bia truyền vào cơ thể bệnh nhân để… giải độc.

Lấy bia “trị” rượu?

Trao đổi về vụ việc, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị), người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân Nhật, cho biết: Ngày 25.12.2018, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nhật trong tình trạng ngộ độc rượu nặng, hôn mê và hết sức nguy kịch. Đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đã làm các xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu. Sau khi hội chuẩn, các bác sĩ của khoa đã quyết định dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Tiếp đó, cứ 1 giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, đến sáng 26.12 (sau 24 giờ) bệnh nhân Nhật tỉnh, nay đã xuất viện, sức khỏe ổn định.

Lý giải về việc sử dụng bia để truyền vào cơ thể bệnh nhân đang ngộ độc rượu, bác sĩ Lâm cho biết, rượu gồm hai loại là Etylic và Metylic. Khi vào cơ thể, gan ưu tiên chuyển hóa Etylic và tạo ra sản phẩm không gây độc. Trong khi Metylic được chuyển hóa sau nhưng tạo thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao. Chất Andehit Formic trong máu chính là nguyên nhân khiến ông Nhật hôn mê. Lúc này, cơ thể bệnh nhân hết Etylic. Vì vậy, nhằm hạn chế chuyển hóa Metylic, các bác sĩ truyền bia cho bệnh nhân. Lúc này, cơ thể được bổ sung Etylic khiến gan ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic. Nhờ đó, các bác sĩ có thêm thời gian để lọc máu, giải độc cho bệnh nhân. Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể. Đây là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.

Theo bác sĩ Lâm, đây là một phương pháp chữa trị có cơ sở khoa học, không gây hại cho bệnh nhân và trên thực tế đã cứu sống được bệnh nhân. “Trước khi quyết định sử dụng phương pháp trên, chúng tôi chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là với người nhà bệnh nhân Nhật. Tuy nhiên, vì vợ của bệnh nhân cũng làm trong ngành y, trong hoàn cảnh bệnh nhân đang nguy kịch nên khi chúng tôi đưa ra phương pháp điều trị như thế, người nhà bệnh nhân lúc đầu có chút hoài nghi nhưng sau cũng được thuyết phục, chấp nhận”, bác sĩ Lâm chia sẻ.

Để tránh mất mạng khi sử dụng rượu bia

Liên quan đến vụ việc, trước đó vào chiều ngày 23.12.2018, tại nhà thờ Đồng Giám (xã Triệu Độ) diễn ra tiệc mừng Giáng sinh với 50 khách mời. Đến sáng 25.12.2018, 4 người đã bị ngộ độc rượu. Trong đó, ông Nguyễn Văn Nhật, Lê Văn Tửu (cùng trú huyện Triệu Phong, Quảng Trị) được đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. 2 người còn lại cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 28.12.2018 bệnh nhân Lê Văn Xược đã tử vong.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để phân tích, kết quả cho thấy hàm lượng Methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Mẫu rượu 4 người này uống tại bữa tiệc có hàm lượng Methanol vượt quá 1.100 lần ngưỡng cho phép. Các mẫu rượu này do người dân tự chế biến.

Theo ông Hồ Sĩ Biên, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị, nhằm ngăn chặn những trường hợp ngộ độc rượu có thể xảy ra, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương trên toàn tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát những cơ sở sản xuất rượu, đồng thời khuyến cáo người dân không được sử dụng các loại sản phẩm có cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Tuy nhiên, theo số báo cáo từ các địa phương, hiện toàn tỉnh hiện có khoảng 5.000 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh rượu nhưng chỉ có 149 đơn vị có giấy phép hoạt động. Và cũng chỉ có 15 cơ sở có đăng ký công bố chất lượng sản phẩm. Đây là một vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh Tết Nguyên đán sắp đến gần, số người sử dụng rượu bia sẽ tăng cao trong dịp này. Do đó bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm, chúng tôi đề nghị người dân phải hết sức cẩn thận khi sử dụng rượu bia, cần kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ khi sử dụng các thức uống có cồn để tự bảo vệ bản thân”, ông Biên khuyến cáo. 

 Người dân không uống bia để giải độc rượu

Liên quan đến thông tin dùng bia để giải độc rượu, bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngộ độc rượu có hai loại ngộ độc ethanol (một loại rượu được sử dụng làm thực phẩm) và ngộ độc methanol (một loại rượu có chứa cồn công nghiệp cực độc). Trong trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ vừa cứu sống, người bệnh bị ngộ độc methanol chứ không phải ethanol. Hai loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau, nói một cách dễ hiểu là bơm ethanol vào dạ dày để tranh chấp chỗ mà methanol đã gắn vào vị trí gây ngộ độc.

Vấn đề sử dụng ethanol để giải độc methanol đã được đề cập nhưng chúng tôi không đặt vấn đề đây là một giải pháp mà chỉ là một biện pháp để “câu giờ” trong quá trình lọc máu, can thiệp có hiệu quả, tích cực hơn. Phải khẳng định rằng, trường hợp bệnh nhân tại Quảng Trị được cứu sống là do lọc máu chứ không phải do được bơm, truyền bia. “Nếu thông tin không chính xác, người dân sẽ hiểu nhầm là sau khi uống rượu, sẽ uống bia để giải độc. Nếu ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol (bia chẳng hạn) thì người bệnh càng trở nên trầm trọng. Điều trị ngộ độc rượu vẫn là phát hiện sớm và lọc máu là giải pháp duy nhất để cứu người bệnh nhất là bệnh nhân nặng”, bác sĩ Lương Quốc Chính nhấn mạnh.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), việc “truyền” bia để giải độc rượu có thể xem như một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, chỉ được áp dụng phương pháp này tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu. QUỲNH HOA

 

KIÊN ĐỒNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top