Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Vĩnh biệt nhà thơ của những xuyến xao ký ức

Thứ Tư 09/01/2019 | 09:28 GMT+7

VHO- Hà Nội đang trong tiết mưa phùn. Bầu trời ủ ê, mưa bàng bạc thấm sự buốt giá vào lòng những người thơ, bạn thơ trước sự ra đi của nhà thơ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo. Đã nhiều người nói về anh quanh những vần thơ xao xuyến. Tôi lại muốn kể một góc chân tình.

 

 Nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Thời sinh viên, tôi thuộc nhiều thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Thích nhất bài “Không đề” bởi âm hưởng của tác phẩm; câu chuyện trong thơ và nỗi lòng của nhân vật chan chứa tâm sự của những kẻ trót một lần dính líu nỗi đau của mối tình đầu đổ vỡ. Bài thơ ấy bám riết tôi, bất cứ khi nào những câu chữ như hờn giận, trách móc chính mình cũng văng vẳng: “Anh trót để tình yêu tuột mất/ Xin em đừng tha thứ hay giận hờn/ Hoa ly vàng cọ chân anh như nhắc/ Một chiều buồn sóng trắng biển Quy Nhơn”. Ngày ấy, những năm sau đó, đọc bài thơ này, nước mắt vẫn tự rơi.

Vì yêu thích thơ anh, khi xuất bản cuốn thơ thứ 2 - “Khăn gió ấm”, tôi mong ước được anh viết lời giới thiệu. Lo lắng bị từ chối, nên bất ngờ khi được anh nhận lời. Anh bảo: “Lâu nay chỉ biết cô viết văn, viết kịch bản, tự nhiên thấy thơ trên facebook, anh cũng đọc kha khá rồi, nhưng vẫn muốn đọc kỹ để xem sự thể thế nào”.

Một tuần sau, anh gọi điện: “Anh gửi mail rồi đấy. Đọc, rồi cho ý kiến”. Tôi check mail, ngẩn người vài giây với tít bài: “Giận hờn với giấc mơ”. Những dòng đầu tiên anh viết: “Chỉ giầu nữ tính mới viết được những câu thơ ấy. Và trẻ nữa. Những tâm hồn trẻ trung thường lắm giận hờn. Trong tình yêu, giận hờn đôi khi đồng nghĩa với “đòi yêu” và hơn thế nữa, thấy cuộc đời lãng mạn hơn, phong phú hơn, mới mẻ hơn: “Trách anh xa cách quá/ Rồi giận hờn với cả giấc mơ”.

Chưa đọc hết bài viết, anh đã gọi điện lại: “Có ổn không?”. Tôi nghẹn cả lời. Anh viết như đọc vị tôi. Những nỗi niềm, khát khao và cả niềm đau chôn giấu như bị anh bóc trần trên trang giấy. Tôi đọc mãi cái kết của bài viết: “Vâng, đó là cuộc ngợi ca tình yêu bất tử vang lên như không bao giờ dứt trong tâm hồn người phụ nữ đã khiến cho thơ chị lan toả những vòng sóng xao xuyến hồn người. Để rồi ngỡ ngàng nhận ra tận cùng bản chất khổ đau trong tình yêu vô vọng”.

Lúc đó, trong tôi lại văng vẳng vần thơ trách cứ chính mình của anh: “Anh trót để em ra đi vô cớ/ Đến một ngày không thể hiểu vì đâu/ Em hút bóng dừa xanh vai khép gió/ Không bao giờ quay lại mối tình đầu”.

Tôi nói thích bài viết của anh. Anh cười hiền lành:“ Nếu hài lòng rồi thì in xong tặng anh tập thơ làm kỷ niệm”. Không màu mè, sáo ngữ, sự chân tình của anh khiến tôi càng thấy cái bóng của anh thật lớn, một khoảng cách thật xa với thế hệ những người làm thơ mới bây giờ.

Nói về sự chân tình, nhiều người có chung nhận định về anh. Với bạn bè anh sống hết lòng, thuỷ chung sau trước. Sự chân tình ấy khiến anh trở thành sợi dây kết nối giới văn chương. Cuộc sống thời hiện đại có không ít những hiểu lầm, những suy nghĩ mà đâu đó gọi là cực đoan, anh tự nhận vào mình công việc “vác tù và hàng tổng” giúp mọi người hiểu rõ đâu là bản chất của sự việc, hiện tượng mà nếu chỉ nhìn ở bề nổi, sẽ có người bị đánh giá bằng ánh mắt định kiến.

Hết lòng với bạn bè, nên khi được ai nhờ giúp đỡ việc gì, anh đều làm rất trách nhiệm. Số báo Tết năm ngoái, Báo Văn Hoá nhờ anh chọn giúp trang thơ lục bát. Dù đang bệnh, anh vẫn bỏ thời gian, công sức chọn thơ và thuyết phục Ban Biên tập vì sao lại chọn 8 bài thơ ấy. Báo Tết năm nay, anh gửi bài Đợi khi đang chống chọi với bạo bệnh. “Ngày dài đợi tháng đợi năm/ bông hoa đợi quả, mảnh trăng đợi tròn/ đất cày thì đợi xanh non/ rét đang đợi ấm, nắng còn đợi mưa....”. Khắc khoải, khao khát thế nhưng anh lại chẳng đợi được số báo Tết Kỷ Hợi của chúng tôi ra mắt để độc giả được diện kiến những vần thơ dung dị mà chất chứa ân tình của anh. Vẫn biết sự sống là hữu hạn và chỉ mới chục ngày trước, khi điện thoại cho nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, anh bảo: “Anh đang cùng Thuỵ Kha thăm Nguyễn Trọng Tạo. Cậu ấy đang khóc”, vậy mà đã ngàn trùng cách xa.

Nhà thơ của những vần thơ làm xao xuyến lòng người đã trở về với đất. “Hôm nay trên cỏ ta ngồi/ Ngày mai dưới cỏ là nơi ta nằm” - những vần thơ anh viết cho chính mình như một sự ký thác biết trước để giã từ.

An nghỉ anh nhé, khi những vần thơ của anh vẫn còn ở lại: “Chia cho em một đời say/ một cây si/ với một cây bồ đề/tôi còn đâu nữa đam mê/ trời chang chang nắng tôi về héo khô”!. 

 

 Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25.8.1947 tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia quân đội từ năm 1969, làm Trưởng đoàn Văn công xung kích Đoàn 22B và Sư đoàn 314B (Quân khu 4).

Sau năm 1975, ông chuyển về Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Năm 1988, ông chuyển về làm việc tại Hội VHNT Bình Trị Thiên, sau đó là Hội VHNT Thừa Thiên Huế, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội. Từ năm 1997, ông làm Thư ký tòa soạn tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là Ủy viên Hội đồng Thơ kiêm Trưởng ban biên tập báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI.

Ông từng được các giải thưởng thơ của Nghệ An năm 1969 và giải thơ của các báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhân dân (1978), hai lần được Giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô (Huế), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về thơ và văn xuôi.

Một số tập thơ và trường ca nổi tiếng của ông như: Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao, Biển mặn. Một số ca khúc gắn với tên tuổi Nguyễn Trọng Tạo như Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi...

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có tiền sử bệnh tai biến. Hồi cuối năm 2017 đầu năm 2018, ông đã phải nhập viện vì tai biến nặng khi đang trên đường về thăm quê nhà ở xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Sau khi được điều trị kịp thời, nhà thơ đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên bị liệt nửa người.

Tháng 4.2018, ông phát hiện thêm bệnh ung thư phổi. Từ sau Tết dương lịch, nhà thơ bị hôn mê sâu, phải nhờ máy móc hỗ trợ ở Bệnh viện Bạch Mai.

 

 CHU THU HẰNG

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top