Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Gia Lai: Nỗ lực đưa điện về phát triển kinh tế vùng biên

Thứ Hai 07/01/2019 | 07:19 GMT+7

VHO - Gia Lai hiện có 90km đường biên giáp nước bạn Campuchia, với hơn 43 ngàn dân thuộc 11 dân tộc anh em đang chung sống trên địa bàn thuộc 3 huyện biên giới. Những năm qua, với sự nỗ lực Công ty Điện lực Gia Lai, 100% thôn, buôn đã có điện lưới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân nơi đây.

                                     

                                                                                  Nỗ lực đưa điện về vùng sâu, vùng xa

Khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai hiện có 7 xã, thuộc 3 huyện Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông, với tổng dân số khoảng 43 ngàn người thuộc 11 dân tộc anh em sinh sống. Đây có thể nói là một trong những địa bàn có điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội phức tạp, đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội còn gặp nhiều khó khăn.  Làm sao đưa điện lưới quốc gia, khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, không để vùng biên tụt hậu  là nỗi trăn trở lớn của chính quyền nơi đây.

Từ đó, với sự nổ lực từ các cấp, ngành, cuộc sống nơi đây dần khởi sắc, toàn bộ các thôn buôn đã tiếp cận với ánh sáng điện, đây cũng là nguồn năng lượng phục vụ đắc lực các hoạt động sản xuất, kinh doanh, là động lực cho các doanh nghiệp, công ty tìm đến đầu tư, phát triển kinh tế.

Huyện Đức Cơ có 2 xã giáp biên với chiều dài đường biên giới 35km, trong đó xã Ia Pnôn nằm khu vực khó khăn, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt về lưới điện quốc gia. Thấu hiểu những khó khăn của người dân nơi đây, thực hiện chương trình “Thắp sáng vùng biên”, Công ty Điện lực Gia Lai đã tập trung đầu tư đồng bộ và hoàn tất các hạng mục lưới điện nông thôn vào năm 2009, giúp nhân dân tại Ia Pnôn có điện sinh hoạt, sản xuất.

Ông Rơ Châm Blê, làng Ba, xã Ia Pnôn chia sẻ, trước đây khi làng mình chưa có điện, cuộc sống trong làng rất khó khăn, tối tăm lắm. Người dân sử dụng đèn dầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp hoàn toàn bằng các phương pháp thủ công, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Từ khi có điện, người dân trong làng ai cũng phấn khởi, nhà nào cũng có tivi xem thời sự, nhiều nhà còn sắm được cả tủ lạnh, nhiều gia đình biết sử dụng máy bơm nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống thoát nghèo rồi.

Cùng chung tuyến biên giới, xã Ia Púch và Ia Mơr là 2 xã biên giới của huyện Chư Prông với chiều dài đường biên 42km, địa hình nhiều nơi hiểm trở nên điện lưới về đây khá muộn. Theo phía Công ty Điện lực Gia Lai, hiện nay công ty đã triển khai và hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp đường điện, hệ thống lưới điện nông thôn giai đoạn 2 trên địa bàn huyện, mang đến niềm vui cho các hộ dân trên địa bàn huyện và thay đổi diện mạo vùng biên.

Chị Rơ mah Bé, làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông phấn khởi nói: từ khi có điện về làng, đời sống của nhân dân thay đổi nhiều lắm. Người dân đã dùng điện cho nông nghiệp, các em học sinh cũng có điều kiện để học tập tốt hơn, gia đình có thêm thông tin qua điện thoại, tivi, an ninh tại các xóm làng ổn định.

               

                                           Đời sống nhân dân đã có nhiều thay đổi từ khi có điện

Từ một xã vùng biên nghèo khó, với sự hỗ trợ lớn từ nguồn điện lưới mà ngành điện lực Gia Lai mang đến, ngày nay cả Ia Mơ và Ia Púch đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm hơn 4% trong năm 2018.

Phấn khởi về diện mạo nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa của huyện, ông Nguyễn Anh Dũng- Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, trước đây, không có điện nên việc người dân tiếp cận các thông tin về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn hạn chế. Từ khi có điện đến nay, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện có những đổi thay, người dân đã được tiếp cận thông tin qua hệ thống đài phát thanh, tivi. Cùng với đó, người dân đã từng bước chuyển đổi nhận thức, đưa hệ thống máy móc sử dụng điện như máy bơm, máy tuốt lúa… vào sản xuất nên đời sống vật chất, sinh hoạt cũng có những thay đổi rõ rệt.

Ông Lê Quang Trường- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết: hiện toàn hệ thống lưới điện tại tỉnh Gia Lai với hơn 4.500km đường dây trung áp, 4.400km đường dây hạ áp và 4.200 trạm biến áp, cấp điện cho 222/222 xã, phường, thị trấn; 100% thôn, buôn được cấp điện, với hơn 330.000 khách hàng, đạt 98% về số hộ có điện. Công suất của Công ty Điện lực Gia Lai hiện nay khoảng 250MW, sản lượng điện thương phẩm khoảng hơn 1 tỷ kW/h… Tuy nhiên, tại các xã biên giới, điều kiện đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, cùng với tình trạng tách làng tách hộ, dân cư thưa thớt nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh kém; địa hình khó khăn nên việc đưa điện về nông thôn không thuận lợi. Trong năm 2019, ngành điện Gia Lai sẽ khắc phục và sớm cấp điện đầy đủ cho nhân dân trong vùng biên.

             

                                                              Đưa điện về phát triển kinh tế vùng biên

Theo đó, kế hoạch trong năm 2019, Công ty Điện lực Gia Lai sẽ triển khai trạm biến áp 110kV Ia Grai và đưa vào hoạt động, dự kiến đến 2020 mỗi huyện sẽ có 1 trạm biến áp 110kV. Cùng với đó, ngành điện Gia Lai sẽ triển khai dự án KfW 3.1 có tổng số vốn 170 tỉ đồng với 200km đường dây trung áp, 200km đường dây hạ áp và khoảng 86 trạm biến áp, đưa điện đến những vùng thôn buôn cuối cùng của tỉnh Gia Lai, đặc biệt tại các thôn, làng ở các xã vùng biên - ông Trường nhấn mạnh.

Cùng với hoạt động trên, thực hiện Hiệp định Năng lượng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia, từ tháng 5.2011, đơn vị đã chính thức cấp điện cho tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia. Đến năm 2015, đã xây dựng xong trạm biến áp 110kV và cấp điện cho tỉnh nước bạn trên đường dây 35kV, với sản lượng trung bình hàng năm là 40 triệu kWh, góp phần gắn chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Với sự nỗ lực đưa điện lưới về nông thôn của ngành điện Gia Lai đã góp phần làm thay đổi cuộc sống vùng biên, diện mạo thôn làng vùng sâu thêm nhiều khởi sắc. Qua đó, góp phàn ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.

NGUYỄN GIÁC

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top