Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chờ gì ở 5G?

Thứ Tư 02/01/2019 | 09:25 GMT+7

VHO- Tại Nghị quyết 150 phiên họp Chính phủ thường kỳ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT cùng với nhiệm vụ triển khai quy hoạch băng tần cho 5G. Liên quan đến kế hoạch triển khai công nghệ mạng 5G tại Việt Nam, đại diện Bộ TT&TT cho biết, Bộ chủ trương cấp tần số để triển khai thử nghiệm công nghệ 5G trong năm 2019 và thương mại trong năm 2020.

Thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai công nghệ 5G

Bứt phá để không tụt hậu

Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, thị trường viễn thông Việt Nam đang rất cần những nhân tố cạnh tranh mới để thúc đẩy phát triển, để có những đột phá mới về phát triển thuê bao băng rộng với mục tiêu đến 2020 đạt mật độ thuê bao di động băng rộng 100%. Với dự báo các dịch vụ gia tăng trên nền băng rộng sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường viễn thông trong tương lai gần, dịch vụ thoại và nhắn tin được dự báo sớm chỉ còn chiếm dưới 30% tổng doanh thu của các nhà mạng, đẩy họ vào thế phải bứt phá về công nghệ để có thể đạt chỉ số tiêu dùng dữ liệu trên đầu người của Việt Nam vào Top 30-50 trên thế giới. Trong tình hình đó, công nghệ 5G đang tới gần và sẽ là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng về viễn thông trên thế giới. Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ này đang trình Chính phủ xây dựng các chính sách ưu tiên để đáp ứng và tạo đà cho sự chuyển đổi của các ngành kinh tế, công nghiệp và dịch vụ với một số trọng tâm như khuyến khích phát triển hạ tầng băng rộng và hạ tầng cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu cụ thể là việc hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G nhằm đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật (IoT) trong thời gian sớm nhất.

Được biết, Bộ TT&TT sẽ cấp tần số thử nghiệm 5G cho các nhà mạng vào năm 2019 và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel đang ráo riết hoàn thiện công việc chuẩn bị hạ tầng, nhân lực với tham vọng trở thành nhà mạng đầu tiên của Việt Nam triển khai thử nghiệm công nghệ 5G. Với một số kết quả tích cực trong việc chuẩn bị triển khai 5G, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thành trạm phát sóng 5G phiên bản 1, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sẵn sàng thương mại sản phẩm vào năm 2021. Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho biết: “Viettel đã sẵn sàng tham gia cuộc thử nghiệm 5G năm 2019. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp, nhằm đáp ứng tần số mà Bộ TT&TT dự kiến sử dụng cho 5G”.

Liệu khách hàng có sớm được sử dụng 5G?

Để có thể bùng nổ số lượng người sử dụng, các dịch vụ trên nền công nghệ mới ngoài những ưu việt về tốc độ, độ phủ sóng, còn phải đạt tiêu chí chất lượng dịch vụ tốt nhất ở mức giá thấp nhất. Tuy nhiên, điều này khó đạt được trên thực tế vì đầu tư cho công nghệ mới rất cao, dịch vụ tốt thường đi kèm mức giá cước cao, qua đó nhà mạng mới có thể thu hồi vốn và tái đầu tư. Có chuyên gia phân tích, năm 1990, thế giới xuất hiện công nghệ 2G, 3 năm sau Việt Nam mới khai trương mạng điện thoại di động công nghệ số 2G đầu tiên. Vào năm 2000, thế giới xuất hiện công nghệ 3G thì phải 10 năm sau, 3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam mới khai trương mạng điện thoại di động 3G. Và đến khi 4G xuất hiện thì tình trạng cũng gần tương tự. Sở dĩ một số doanh nghiệp viễn thông có tốc độ phát triển 2G và 3G như vũ bão, thu hồi vốn rất nhanh và đem lại lợi nhuận khổng lồ một phần vì thời điểm triển khai tại Việt Nam hơi chậm, giá thiết bị hạ tầng đã giảm đi rất nhiều, ở một số trường hợp nhà mạng còn đàm phán thành công với đối tác nước ngoài để mua được thiết bị giá rẻ kèm theo nhiều điều kiện có lợi nhất.

Về 4G, ngay ở thời điểm hiện tại Việt Nam cũng chưa đạt tốc độ 4G thực tế vì băng tần còn hạn chế. Khảo sát cho thấy, tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G tại Việt Nam mới đạt khoảng đạt 35-37 Mbps, cao gấp 3,5 đến 4,5 lần tốc độ mạng 3G trong khi trước đó, các nhà mạng công bố tốc độ mạng 4G có thể cao hơn 3G cả chục lần. Nguyên nhân chính được Cục Tần số Vô tuyến điện của Bộ TT&TT chỉ rõ, hiện tại, các nhà mạng Việt Nam đang cung cấp dịch vụ 4G ở duy nhất băng tần 1800 MHz, chưa được cấp các băng tần cao hơn là 2300 MHz và 2600 MHz. Với băng tần 1800 MHz đã cấp cho 4 nhà mạng thì không đủ để cung cấp dịch vụ 4G có chất lượng đúng tiêu chuẩn. Việc cung cấp dịch vụ 4G đúng nghĩa 4G sẽ chỉ được thực hiện khi cấp phép cho nhà mạng băng tần 2.6 GHz. Băng tần cao mới mang lại lưu lượng lớn hơn so với các băng tần thấp và là những băng tần được tối ưu dùng cho các khu vực đô thị. Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT, việc đấu giá băng tần 2.6 GHz đang gặp khó khăn bởi phải tuân thủ theo Luật Đấu giá mới nên phải tạm dừng.

Ngoài những khó khăn khi triển khai 4G, nếu 5G được thử nghiệm tại Việt Nam vào năm 2019 sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản khác. Theo đó, mạng 5G ban đầu sẽ có vùng phủ sóng trên một khu vực hạn chế, đồng thời khách hàng phải có thiết bị đầu cuối tương thích với mức giá không hề rẻ. Việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật khi chế tạo thiết bị đầu cuối cho 5G cũng cần có thời gian... Với những khó khăn như vậy, chắc chắn khách hàng Việt Nam khó có thể được sử dụng 5G trong tương lai gần, ít ra là trong năm 2019.

Tuy vậy, không ai nghi ngờ rằng 5G sẽ là một bước tiến lớn cho công nghệ kết nối di động và sự bùng nổ các dịch vụ tiện ích chất lượng cao trên nền công nghệ mới. 

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top