Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Triển khai tiêm vắcxin 5 trong 1 Combe Five: Theo dõi chặt chẽ phản ứng của trẻ sau tiêm

Thứ Hai 31/12/2018 | 10:01 GMT+7

VHO- Sau hai tháng thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố, bắt đầu từ tháng 12, vắcxin 5 trong 1 Combe Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng được thay thế cho vắcxin Quinvaxem trước đó triển khai trên toàn quốc.

 Chia sẻ trên mạng xã hội của một bà mẹ sau khi cho con đi tiêm vắcxin Combe Five

 Tuy nhiên, đến nay, các tỉnh, thành đã ghi nhận một số trẻ có phản ứng quấy khóc sau tiêm, trong đó có 2 trẻ tử vong tại Nam Định.

Chưa có cơ sở kết luận nguyên nhân tử vong của hai bé

Ngày 28.12, Bộ Y tế đã lên tiếng chính thức về hai trường hợp tử vong sau khi tiêm phòng vắcxin 5 trong 1 Combe Five tại tỉnh Nam Định. Theo đó, hai trường hợp trẻ tử vong tại nhà sau khi tiêm từ 36 đến 48 tiếng. Trước khi tiêm, hai trẻ đều được khám sàng lọc và tiêm vắcxin Combe Five, uống vắcxin bại liệt tại trạm y tế, sau tiêm được theo dõi 30 phút tại trạm đúng quy định và không có biểu hiện bất thường.

Khi về nhà, trong vòng một đến hai ngày trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt mà không đưa đến cơ sở y tế. Sang ngày hôm sau, gia đình thấy trẻ tím tái, khó thở nên đưa cháu đến bệnh viện huyện. Tuy nhiên, khi tới bệnh viện hai cháu đã tử vong. Sở Y tế Nam Định đã tiến hành điều tra nguyên nhân và họp Hội đồng Tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân. Hội đồng đã có kết luận hai trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng không nghĩ đến phản ứng phản vệ nặng sau tiêm vắcxin, không liên quan đến thực hành tiêm chủng và Hội đồng tư vấn chuyên môn xác định trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân.

Cũng vào thời gian này, trên mạng xã hội xuất hiện những chia sẻ về những phản ứng sau tiêm vắcxin Combe Five của các gia đình có con đi tiêm chủng, và được lan truyền chóng mặt gây ra làn sóng lo ngại trong các gia đình có con đang ở tuổi tiêm chủng. Các bà mẹ cho biết, sau khi tiêm, các bé xuất hiện tình trạng sốt cao (39, 40 độ C), quấy khóc liên tục, bỏ ăn, bỏ bú, li bì, có trường hợp trẻ tím tái, một số trẻ phải nhập viện. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đang tổng hợp báo cáo, giám sát về các trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng đối với vắcxin Combe Five dựa trên kết quả báo cáo của từng địa phương.

Theo dõi phản ứng và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời

Vắcxin Combe Five do Ấn Độ sản xuất được sử dụng thay thế cho vắcxin Quinva­xem (do hãng cung cấp ngừng sản xuất). Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tháng 10 và tháng 11.2018 với tổng số trẻ được tiêm là 17.356 trẻ. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai trên quy mô toàn quốc từ tháng 12.2018. Đến ngày 27.12.2018, đã có 12 tỉnh triển khai tiêm vắcxin Combe Five đã được triển khai gồm: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An với tổng số trẻ được tiêm là 69.929 trẻ. Các địa phương còn lại sẽ triển khai vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong tháng 1 năm 2019.

Theo báo cáo của các địa phương, ngoài phản ứng thông thường như (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum với tỷ lệ khoảng 0,05% - 5,5%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị. Để đảm bảo sức khỏe cho các bé và an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện tiêm vắcxin Combe Five theo kế hoạch, thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi 30 phút tại trạm sau tiêm, tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Khi trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt cao trên 39oC, quấy khóc kéo dài, tím tái, phát ban, li bì… các bà mẹ phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Theo ông Trần Như Dương, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tất cả các vắcxin đều có khả năng gây sốc phản vệ kể cả do các nước Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ... sản xuất đều có tỷ lệ sốc phản vệ nhất định. “Vắcxin là một chất lạ khi đưa vào cơ thể có phản ứng thì mới diễn ra kháng thể, trẻ có thể có phản ứng sốt, quấy khóc, da đỏ và đau... trong vòng 24h-48h tự khỏi. Vắcxin gì dù tốt đến đâu cũng có rủi ro nhất định, với những trường hợp cơ thể gặp những phản ứng quá sẽ gây ra sốc phản vệ nếu cấp cứu kịp thời sẽ qua khỏi, còn không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng”, ông Trần Như Dương nói. Cũng theo ông Dương, vừa qua Bộ Y tế cũng đã triển khai thêm những hoạt động chống sốc cho các cơ sở y tế, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cha mẹ vẫn phải cùng bác sĩ theo dõi phản ứng của trẻ để thấy dấu hiệu bất thường có thể cấp cứu kịp thời. Đối với vắcxin 5 trong 1 Combe Five trong tiêm chủng mở rộng, thành phần của vắcxin là toàn tế bào sẽ mang nhiều kháng nguyên khiến tạo ra nhiều tính miễn dịch hơn, nhưng một số kháng nguyên vẫn còn trong đó vẫn chưa được tinh lọc khiến một số phản ứng có thể nhiều hơn. Còn vắcxin 6 trong 1 được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ có thành phần ho gà là vô bào (tinh lọc chỉ có kháng nguyên cần thiết) thì những phản ứng sốt, sưng nóng đỏ đau sẽ ít hơn. Nhưng về cơ bản các phản ứng phản vệ thì cơ bản là giống nhau. 

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, trong đó có vắcxin Combe Five: Sốt từ 38- 39°C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%.

QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top