Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Sức sống mới ở vùng lũ Sơn Lương

Thứ Hai 31/12/2018 | 09:35 GMT+7

VHO- Trở lại vùng lũ Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi ghi nhận sự thay da đổi thịt ở nơi từng được coi là vùng “tử thần” của những cơn lũ khủng khiếp đi qua. Dấu tích của trận lũ vào trung tuần tháng 7 còn đó nhưng đã phai mờ theo thời gian.

 Anh Sa Văn Minh đang quét lớp sơn bên ngôi nhà mới của gia đình

Những ngôi nhà mới đã được xây dựng lên từ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự sẻ chia của cộng đồng, người dân dần trở lại cuộc sống bình thường và nhịp sống mới đã hồi sinh trên vùng đất lũ.

Đường vào khu tái định cư Noong Mi thuộc Bản Tủ, xã Sơn Lương đã được khai thông và khang trang hơn so với trước. Trưởng thôn Bản Tủ Hà Văn Hiên cho biết: “Noong Mi có 27 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp trong cơn lũ tháng 7 vừa qua, đến nay đã có 25 hộ xây được nhà mới. Điều đặc biệt ở đây, nhà nào cũng có đủ “ba cứng”: cứng mái, cứng nền, cứng tường; có đủ 3 công trình hợp vệ sinh: nhà tắm, nhà tiêu, hố xử lý rác thải”. Chúng tôi cùng trưởng thôn đến thăm ngôi nhà của gia đình anh Sa Văn Minh còn thơm mùi sơn mới. Anh Minh phấn khởi cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp, ủng hộ của anh em trong dòng họ và bà con thôn bản, vợ chồng tôi đã mạnh dạn làm nhà cấp 4 chắc chắn, rộng hơn 100m2, trị giá 200 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi được đón Tết trong ngôi nhà mới, không còn nơm nớp nỗi lo mỗi khi mùa mưa lũ đến”.

Vợ anh Minh, chị Đặng Ngọc Anh cẩn thận kê lại chiếc tủ, đặt bộ bếp ga mới để phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Chị cũng không quên sắm thêm vài bộ đồ để chuẩn bị đón thành viên mới vào dịp Tết năm nay. Chia tay anh Minh, chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới của bà Hà Thị Dừn, một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Rót chén trà nóng mời khách, bà Dừn phấn khởi khoe: Ngôi nhà cấp 4 rộng 100 mét vuông, trị giá 180 triệu đồng được xây nên từ số tiền hỗ trợ của Nhà nước, của anh em trong dòng họ và các tổ chức từ thiện. Trong đó, Nhóm kết nối nữ doanh nhân Sen Vàng Việt Nam tài trợ vật liệu xây dựng ngôi nhà trị giá trên 50 triệu đồng. “Ở trong ngôi nhà mới, chúng tôi yên tâm lắm! Tập trung lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cảm ơn Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương và bà con đã quan tâm, giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn, hoạn nạn”, bà Dừn nói.

 Khu tái định cư Noong Mi (Bản Tủ), xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn

Chủ tịch UBND xã Hà Văn Hưng cho biết: “Các hộ đến ở tại khu tái định cư Noong Mi đều rất phấn khởi khi năm nay được đón Tết trong ngôi nhà mới. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức tuyên truyền vận động, giúp đỡ người dân vùng lũ thì không biết đến bao giờ

 Sơn Lương có 39 hộ phải di rời khẩn cấp, xã đã bố trí được đất cho 25 hộ tại khu tái định cư tập trung Noong Mi, 14 hộ bố trí theo hình thức tái định cư xen ghép. Qua rà soát, xã có 73 hộ nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động 51 hộ gia đình di chuyển đến nơi an toàn theo hình thức bố trí tái định cư xen ghép, 22 hộ còn lại xã đề nghị huyện tiếp tục có phương án bố trí tái định cư, ổn định các hộ dân trước mùa mưa bão tới.

“An cư lạc nghiệp”, niềm vui, niềm phấn khởi ngời lên trong ánh mắt của những người nông dân vùng lũ khi những cánh đồng trơ sỏi đá ngày nào giờ đã xanh mướt một màu ngô. Để có những “bờ xôi, ruộng mật” như thế, công sức của người dân bỏ ra không ít. Nhiều thửa phải đưa máy xúc vào mới cải tạo, khôi phục được. Đến thời điểm này, nhân dân trong xã đã khôi phục được 30 ha đất sản xuất tại các thôn Bản Tủ, Bản Mười, Tành Hanh, Đông Hẻo, Bản Lằm... Hơn 20 ha còn lại xã đang tiếp tục vận động người dân cải tạo để có đất chuẩn bị cho sản xuất vụ tới. Chị Hà Thị Liên, thôn Bản Lằm vừa thoăn thoắt bê những hòn đá to, nhỏ xếp gọn vào góc ruộng, lau những giọt mồ hôi trên trán chị phấn khởi cho biết: Để có đất sản xuất kịp thời vụ, gia đình tôi phải thuê máy múc để cải tạo 2.000m2 mất 2 ngày. Trước mắt mình sẽ trồng ngô và lạc để có thu nhập và nguồn thức ăn phát triển chăn nuôi gia súc”. Chỉ tay về cánh đồng rộng phía trước vừa mới cải tạo xong, anh Hưng phấn khởi khoe: “Chỉ nay mai thôi, màu xanh của ngô, của lạc sẽ trải dài khắp cánh đồng. Noong Mi, Bản Tủ, Tành Hanh, Bản Lằm... lại bắt đầu cuộc sống mới. Trong tương lai, đường vào khu tái định cư Noong Mi sẽ được bê tông hóa, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng được xây dựng để Noong Mi sẽ là khu tái định cư văn hóa mới”.

Khói lam chiều lan tỏa, những ngôi nhà mới ở vùng lũ Sơn Lương lại rộn rã tiếng vui đùa của trẻ nhỏ, tiếng người lớn sum vầy bên mâm cỗ mừng nhà mới. Nơi ấy, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng tinh thần đoàn kết, sẻ chia luôn hiện hữu - một cuộc sống mới đã bắt đầu! 

QUYẾT THẮNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top