Đắk Nông có gần 1.000 nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống

VHO- Thông tin trên được bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết tại buổi họp báo giới thiệu Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại Đắk Nông và Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh này vào chiều 17.12, tại TP. HCM.

Đắk Nông có gần 1.000 nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống - ảnh 1

Họp báo giới thiệu Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam chiều 17.12 tại TP. HCM

Đây là lễ hội cấp quốc gia nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Theo đó, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 5-7.1.2019 với sự tham gia của 16 tỉnh trên cả nước và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. 

Ngoài chương trình khai mạc và bế mạc, lễ hội còn diễn ra các hoạt động triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam, không gian thực nghiệm dệt thổ cẩm các dân tộc, không gian văn hóa ẩm thực và không gian phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng các dân tộc thiểu số. Biểu diễn nghệ thuật truyền thống các dân tộc, triển lãm Công viên địa chất Việt Nam, hội thảo văn hóa thổ cẩm, lễ hội đường phố, trình diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng… Qua đó, giới thiệu tiềm năng phát triển của ngành nghề thổ cẩm truyền thống và ngành công nghiệp thời trang, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, tinh kế… nhằm kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh xây dựng các thương hiệu phục vụ phát triển nông nghiệp, du lịch, văn hóa… của tỉnh nhà.

Đắk Nông có gần 1.000 nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống - ảnh 2

Đắk Nông có gần 1.000 nghệ nhân thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Báo Đắk Nông

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, nghề thổ cẩm truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung rất đa dạng và phong phú về màu sắc, đường nét, giàu biểu tượng, biểu đạt các giá trị nhân văn và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, di sản văn hóa thổ cẩm nước nhà dần bị mai một, có nguy cơ thất truyền.  Vì thế, hội thảo về văn hóa thổ cẩm Việt Nam trong khuôn khổ lễ hội sẽ tập trung bàn giải pháp gìn giữ, phát triển sản phẩm thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch, tìm kiếm đầu ra cho thị trường thổ cẩm. Đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ các làng nghề, các nghệ nhân… góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc