Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Con đường phương Đông của một họa sĩ

Thứ Hai 10/12/2018 | 10:02 GMT+7

VHO- Triển lãm “Nguyễn Thụ - Hiện thực và Trữ tình” được Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của họa sĩ Nguyễn Thụ (12.12.1930 – 12.12.2018). Gần 60 tác phẩm hội họa của ông tại triển lãm này nằm trong bộ sưu tập gần 300 bức tranh của họa sĩ đang được Tập đoàn lưu giữ, bảo quản. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng về họa sĩ tài hoa Nguyễn Thụ.

 Phong cảnh Tây Bắc của họa sĩ Nguyễn Thụ trong bộ sưu tập của Tập đoàn Thái Bình Dương

 1.Sự nghiệp của một văn nhân nghệ sĩ có thể là rất ngắn nhưng vẻ vang, lại có thể là rất dài nhưng mãi chưa đánh giá được. Có người mang tính cách nhập cuộc ngay từ đầu, mỗi tác phẩm là một vấn đề xã hội suy nghĩ và tìm cách lý giải. Có người suốt cả đời đứng ngoài cuộc, chiến tranh, đói kém, bất ổn về chính trị xã hội đối với họ cũng như nhau, bức tranh với họ là vẻ đẹp không thay đổi, và thời buổi nào cũng cần nó. Có người xu thời chạy theo các ý tưởng xã hội nhất thời, hoặc chạy theo các phong cách thời thượng. Có người luôn phản kháng, phủ nhận, mỗi tác phẩm đều là gươm đao, một cuộc tranh đấu… Và cũng có có nhiều cách lý giải về thái độ xã hội của nghệ sĩ và nghệ thuật hơn nữa. Nhưng theo một nhận thức rộng rãi thì các thái độ nghệ thuật là cách thức lý giải, ngôn ngữ nghệ thuật mà người nghệ sĩ đem đến cuộc sống.

Có thể nói sự nghiệp hội họa của Nguyễn Thụ nếu xét theo những góc độ trên thì ông có vẻ là người đứng ngoài cuộc. Đối với ông, vẻ đẹp, đời sống thơ mộng mới là giá trị. Nếu cuộc sống không được như vậy thì người họa sĩ nên vẽ ra những bức tranh đẹp đẽ chứ không cần gay cấn gì cả. Và cứ thế, ông giữ thái độ sáng tác của mình từ suốt những năm 1955 khi bước chân vào trường Mỹ thuật cho đến nay. Thực ra, nếu chỉ xem ít tranh lụa của ông người ta dễ dàng nhận xét như vậy. Nhưng nếu xem sáng tác và nghiên cứu của ông nhiều hơn nữa thì ý kiến có thể thay đổi. Họa sĩ không quá đơn giản, ông từng trải qua rất nhiều năm tháng trong chiến tranh, trong thời bao cấp đói kém, trong sự suy nghĩ cái gì hơn thiệt để đi đến một quan niệm sáng tác của mình.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, năm 1946, Nguyễn Thụ tham gia đội Tuyên truyền Thiếu sinh quân, thuộc Quân khu 10. Đến năm 1947, mặc dù chưa bao giờ học vẽ, nhưng ông đã vẽ bức tranh tường và chân dung Hồ Chủ tịch trên một bức tường ở thị xã Lào Cai. Sau đó, ông dự một lớp học ngắn về mỹ thuật do Tô Ngọc Vân hướng dẫn cho bộ đội kháng chiến.

Đến năm 1955, Nguyễn Thụ mới bước chân vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Học chuyên khoa lụa và khắc gỗ, Nguyễn Thụ có nhiều sáng tác in khắc gỗ trong khoảng 20 năm (từ 1960- 1980), còn trước và sau đó tranh in khắc gỗ được thấy ít hơn. Ông cũng tham gia làm một số tranh cổ động cùng với vài họa sĩ khác. Nguyễn Thụ hiểu ngôn ngữ của tranh in khắc gỗ nằm ở sự biểu cảm của chất gỗ lên bề mặt tờ giấy, ở kỹ thuật khắc và in, ông làm những phác thảo chỉ dành riêng cho tranh in khắc gỗ và mỗi tranh in khắc gỗ của ông đều rõ tính chất riêng biệt của kỹ thuật. So với những tranh sáng tác khác, thái độ chính trị xã hội của Nguyễn Thụ bộc lộ rất rõ ở tranh in khắc gỗ. Loạt tranh về dân quân Quảng Bình cho thấy sự hướng về công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và nỗi niềm của con người khi hai miền chia cắt. Loạt tranh về Lạng Sơn lồng ký ức về cuộc kháng chiến chống Pháp vào khung cảnh rừng núi đương thời. Lối vẽ đơn giản của họa sĩ tỏ ra phù hợp với in khắc gỗ đen trắng.

Từ năm 1957- 1966, Nguyễn Thụ dành nhiều thời gian đi lại quê hương vợ. Tại đây, ông vẽ ở các huyện Chi Lăng, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Tràng Định và thị xã Lạng Sơn, Đồng Đăng. Sự gắn bó của ông với người Tày và quê hương vợ sâu sắc đến mức dường như ông sinh ra là họa sĩ của người Tày. Ông thể hiện họ chính xác, sinh động về mặt nhân học, những cảnh vật nhà sàn Lạng Sơn được ông ghi chép gần như thuộc lòng. Đó là một tình cảm rất đặc biệt.

Cuối năm 1970 đầu 1971, ông được cử đại diện cho giới đem triển lãm Mỹ thuật Việt Nam đi trưng bày tại một số nước XHCN Đông Âu. Triển lãm giới thiệu cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam qua nghệ thuật với các quốc gia Liên Xô cũ, Hungari, Bungari và Albania. Cùng đi với ông có họa sĩ Quang Thọ. Nguyễn Thụ có sáng tác vài bức tranh lụa về Moscow, trong đó có bức tranh phong cảnh Bảo tàng Cách mạng ở Moscow.

Từ năm 1979- 1984, Nguyễn Thụ làm Hiệu phó Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1985- 1991, ông trở thành Hiệu trưởng trường này, kế tục các họa sĩ Victor Tardieu, Esvariste Jonchere, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn và Trần Đình Thọ. Đó là vinh dự lớn cho một họa sĩ trưởng thành từ nông dân và chiến tranh, mới học hết tiểu học.

Mẹ con của hoạ sĩ Nguyễn Thụ trong bộ sưu tập của Tập đoàn Thái Bình Dương

2. Nguyễn Thụ đã tìm được con đường đi của mình sau năm 1957, và cứ thế phát triển. Ông nhận thấy lối tạo hình phương Đông phù hợp với mình, nhất là thể hiện tranh bằng chất liệu lụa và in khắc gỗ . Nhưng thế nào là lối tạo hình phương Đông mà Nguyễn Thụ đã vận dụng?

Khác với phương pháp tạo hình phương Tây, người phương Đông hầu như không có quan niệm về hiện thực, khi vẽ cũng không đặt mẫu, không tả chất, khối và ánh sáng trong tranh. Không gian ba chiều Phục hưng không có nhiều ý nghĩa đối với hội họa phương Đông, thay vì là lối không gian thấu thị tẩu mã (nhìn sự vật dàn trải như cưỡi ngựa xem phong cảnh trải dài phía sau) và thấu thị phi điểu (nhìn sự vật như mắt con chim từ trên trời cao nhìn xuống). Nguyễn Thụ cảm nhận được những điều này, có lẽ bằng thực tế hơn bằng lý luận.

Các ký họa và nghiên cứu ngay trong những năm 1960, Nguyễn Thụ đã vẽ màu nước và mực Nho theo lối loang nhòe và để mảng trống gợi tả trên tranh giấy. Là người được học một cách cơ bản, những tám năm liền trong trường mỹ thuật, tất nhiên họa sĩ là người nắm vững lối vẽ phương Tây trong diễn tả hiện thực, nhưng cũng như nhiều họa sĩ tiền bối, ông cảm thấy lối vẽ đó quá lý trí, không hẳn phù hợp với thẩm mỹ của người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng. Những họa sĩ vẽ tranh lụa và tranh in khắc gỗ cũng như nhiều họa sĩ vẽ sơn mài thời kỳ trường Mỹ thuật Đông Dương đã đi tiên phong về mặt này, để kết hợp những đặc điểm của phương pháp tạo hình phương Tây với thẩm mỹ phương Đông, điển hình là Nguyễn Gia Trí trong tranh sơn mài, Nguyễn Phan Chánh trong tranh lụa. Tuy nhiên thiên hẳn về lối vẽ bút lông theo bút pháp thủy mặc cổ xưa có lẽ là Nguyễn Thụ.

Quá trình đi đến lối vẽ thủy mặc trên lụa của Nguyễn Thụ cũng là quá trình đơn giản hóa sự vật khi nắm bắt chúng trong hiện thực. Các chi tiết khuôn mặt, bàn tay, bàn chân trong tranh Nguyễn Thụ dường như chỉ nắm bắt sao cho gần cấu trúc thực tế, còn hầu như không có những chi tiết vẽ sâu, không có sự chồng đè nét. Ông sử dụng hiệu quả tương phản đen trắng rất mạnh, rõ ràng và tinh tế. Tranh của ông mang hơi thở trực tiếp của sự vẽ, dường như không băn khoăn, lựa chọn, vẽ đi vẽ lại mà là vẽ trực tiếp một hơi không nghỉ. Lối vẽ đó đòi hỏi họa sĩ chính xác khi đặt bút.Với nửa thế kỷ theo đuổi hội họa, tranh lụa Nguyễn Thụ đã có vị thế riêng trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, một phong cách phương Đông trong dòng chảy mới và hướng về chủ nghĩa hiện đại phương Tây (Modern Art) mà hầu hết các họa sĩ theo đuổi.

3.Đời sống của hai sắc tộc Tày và Thái có ảnh hưởng sâu sắc đến cách sống và nghệ thuật của Nguyễn Thụ. Đó là hai sắc tộc lấy sự hòa hợp với tự nhiên, với con người làm trọng, dù trong bất kỳ biến động chính trị nào, tình yêu nam nữ và đời sống gia đình mới là đáng kể với con người. Họa sĩ đã dành cả sự nghiệp vẽ về cảnh vật và con người hai sắc tộc đó, đến mức tâm hồn của ông hoàn toàn thuộc về họ. Cho nên về thực chất, nghệ thuật của ông không hề đơn giản và dễ hiểu, điều đó chỉ là bề mặt, nó là cách ông lựa chọn trong đời sống. Nói như Albert Camus (1913- 1960)- triết gia và nhà văn hiện sinh: Không thể chọn được xã hội. Mà chỉ có thể chọn mình trong xã hội. Điều đó không xa với quan điểm của các lão nhân phương Đông là: Biết người, biết mình và nên lười biếng một cách khôn ngoan.

  Họa sĩ Nguyễn Thụ là một trong 15 học viên khóa 1 (1957-1962) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên của trường và giữ cương vị Hiệu trưởng từ năm 1985- 1991.

Nhà nghiên cứu, họa sĩ PHAN CẨM THƯỢNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top