Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Liên Triều đưa đấu vật ssireum thành di sản chung

Thứ Tư 28/11/2018 | 09:49 GMT+7

VHO-Lần đầu tiên trong lịch sử, Hàn Quốc và Triều Tiên đã hợp tác cùng nộp hồ sơ đề xuất đăng ký bộ môn đấu vật ssireum trở thành Di sản văn hóa phi vật thể, di sản chung đầu tiên của hai nước.

 Trẻ em Hàn Quốc tham gia cuộc thi đấu vật ssireum trong lễ hội Chuseok

Cụ thể, hai quốc gia đã kết hợp hồ sơ đăng ký của mình để trình lên Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO), liệt kê ssireum như một loại di sản chung của hai nước.

Chung một bản sắc

Ssireum là một trong những bộ môn thể thao tồn tại lâu đời nhất tại Hàn Quốc, minh chứng bằng những bức tranh tường được phổ biến rộng rãi từ thế kỷ IV, triều đại Goguryeo mô tả hình thức thi đấu của bộ môn thể thao này. Đấu vật ssireum có một số điểm khá tương đồng với bộ môn sumo của Nhật Bản, tuy nhiên ssireum bắt đầu với việc hai đấu sĩ quỳ gối trên một mặt sân cát, trong vòng tròn. Môn thể thao này vốn là một phần của các lễ hội làng tại Hàn Quốc thời kỳ chưa bị chia cắt trong nhiều thế kỷ. Cho đến nay, những cuộc thi đấu vật ssireum vẫn được tổ chức đều đặn mỗi dịp lễ Chuseok – lễ hội thu hoạch (tương tự với Tết Trung thu ở Việt Nam) tại cả hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn của Global Time, Giáo sư Kim Dong Sun, Giáo sư ngành Khoa học thể thao tại Đại học Kyonggi, Hàn Quốc cho biết: “Đây được coi như một dòng chảy tạo ra sự đồng nhất, một bản sắc chung giữa hai miền Nam và Bắc thời kỳ chưa bị chia cắt”.

Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc chi tới 1 triệu USD mỗi năm cho việc bảo tồn và phát triển bộ môn thể thao này, dù đấu vật ssireum không còn ở thời kỳ hoàng kim. Tuy nhiên, dù không còn giữ được vị thế vốn có, các trận đấu trên truyền hình của bộ môn thể thao này vẫn chiếm hơn một nửa số khán giả theo dõi. Các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên, đã giải thích về bộ môn thể thao này bằng một số thuật ngữ cơ bản trong bản danh sách gửi tới UNESCO. Một nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc cũng cho hay, ông cảm nhận được tình cảm của cả hai nước khi họ cùng nói về bộ môn thể thao này.

Cái bắt tay về văn hóa

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã làm việc với cả hai miền Triều Tiên để thúc đẩy sự hợp tác trong việc đưa đấu vật ssireum trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Bà cũng mô tả động thái này đến từ hai nước như một “kết quả chưa từng có”. Trả lời phỏng vấn của The Guardian, bà Azoulay cho biết: “Điều này nhắc nhở chúng ta về vai trò trung tâm của di sản văn hóa trong việc thắt chặt các mối quan hệ, hoặc như một cầu nối tình cảm giữa các dân tộc”.

Thực tế, Hàn Quốc và Triều Tiên từ lâu đã đối mặt với nhiều tranh cãi về các biểu tượng chung của hai nước trong những lần công nhận di sản tại UNESCO. Tuy nhiên, việc có thể chia sẻ một danh hiệu văn hóa được coi là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hòa giải hiện nay. Hai miền Triều Tiên vốn cùng chia sẻ một ngôn ngữ, nền văn hóa và truyền thống có niên đại tới hàng ngàn năm, điều này vô tình dẫn đến một sự cạnh tranh trong vấn đề văn hóa đối với các biểu tượng được công nhận bởi UNESCO trong những năm trở lại đây. Vào năm 2013, Hàn Quốc đã ghi tên món ăn biểu tượng của mình là kim chi vào danh sách những Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Đến năm 2015, Triều Tiên cũng thành công trong việc giành danh hiệu này cho phiên bản kim chi của riêng mình. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với bài hát dân gian Hàn Quốc “Arirang”. Bài hát được công nhận như một Di sản phi vật thể cho Hàn Quốc vào năm 2012 và cho Triều Tiên một năm sau đó.

Cơ quan Di sản Văn hóa Hàn Quốc giải thích: “Triều Tiên và Hàn Quốc hiện vẫn được đăng ký như hai quốc gia riêng biệt tại UNESCO, chính vì vậy chúng tôi cũng xét duyệt và làm việc độc lập với hai bên”. Bởi vậy, nếu đấu vật ssireum được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành cái bắt tay về văn hóa đầu tiên trong lịch sử của Hàn Quốc và Triều Tiên tại UNESCO. Trong một cuộc họp có sự tham gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng giám đốc UNESCO tại Paris vào tháng trước, các đề xuất yêu cầu kết hợp đã được thông qua. Trong một tuyên bố với AFP, Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc cũng cho biết, điều này sẽ tạo cơ hội mới cho sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều tiên về mặt văn hóa.

Sắp tới, Ủy ban UNESCO sẽ bỏ phiếu cho đơn xin sáp nhập di sản văn hóa của hai nước trong cuộc họp tại Mauritius. 

 HẢI CHI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top