Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam 2018”: Cơ hội chiêm ngưỡng tinh hoa Việt

Thứ Tư 21/11/2018 | 11:48 GMT+7

VHO- Đến hẹn lại lên, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, Bộ VHTTDL chỉ đạo Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp cùng các tỉnh, thành phố tổ chức triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam 2018”.

 Không gian trưng bày áo dài

 Đây là sự kiện văn hóa, du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá và tôn vinh giá trị các di sản văn hoá đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt là những di sản văn hóa Việt Nam đã được UNES­CO công nhận.

Điểm nhấn không gian Áo dài Việt

Diễn ra từ 23 - 25.11 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam 2018” có sự tham gia của các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Tháp.

Điểm nhấn ấn tượng là một không gian độc đáo giới thiệu về Áo dài Việt Nam do Bảo tàng Áo dài thực hiện, bao gồm nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật về áo dài Việt. Tôn vinh một biểu tượng văn hóa gắn với vẻ đẹp thanh lịch của phụ nữ Việt qua các thời kỳ, khách tham quan sẽ hiểu thêm về lịch sử áo dài Việt Nam, tiền thân của chiếc áo dài gắn với đặc điểm từng giai đoạn lịch sử qua các chi tiết, phụ kiện đi kèm, cùng với hình ảnh những chiếc áo dài của hiện tại như: áo dài tứ thân, áo dài năm thân, áo dài vương triều, áo dài Lemur, áo dài cổ cao, áo dài cổ thuyền, áo dài tay Raglang, áo dài Hippi, Midi, áo dài vẽ, áo dài thổ cẩm... BTC tiết lộ, khu trưng bày đặc sắc này cũng dành riêng không gian giới thiệu áo dài của những nhân vật nổi tiếng như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCNVN, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam…

Phần trưng bày áo dài đương đại của các nhà thiết kế nổi tiếng như thiết kế áo dài của NTK Sĩ Hoàng, NTK Thuỷ Nguyễn, NTK Adrian Anh Tuấn, NTK Tùng Vũ, NTK Magonn, NTK Hữu La La… cũng hứa hẹn mang đến không khí tôn vinh sống động những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt. Ngoài ra, tại khu trưng bày cũng sẽ diễn ra hoạt động hướng dẫn vẽ các mẫu áo dài trên giấy của họa sĩ và nghệ nhân áo dài.

Hành trình di sản văn hóa Việt Nam

Theo ông Nguyễn Đăng Chương (Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Trưởng BTC triển lãm), bên cạnh ý nghĩa là sự kiện nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản văn hoá đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, triển lãm cũng là hoạt động tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, quảng bá tiềm năng văn hóa, thương mại và du lịch, liên kết phát triển du lịch di sản bền vững giữa các vùng miền; tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Mang tính bao quát là khu vực triển lãm chung “Hành trình di sản văn hóa Việt Nam”, khắc họa bức tranh tổng quát về lịch sử văn hóa, di sản, vẻ đẹp đất nước, cuộc sống, con người Việt Nam. Đó là một hành trình gắn kết, kiến tạo nên đời sống văn hóa, tinh thần, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đã luôn được gìn giữ và phát huy. Nhiều hình ảnh khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nét đẹp văn hóa, lễ hội, danh lam thắng cảnh, sinh hoạt đời sống con người hằng ngày, tạo nên một tổng thể đa dạng mà gần gũi, hấp dẫn du khách.

Tại Triển lãm, Hội Di sản văn hóa Việt Nam giới thiệu 100 bức ảnh xuất sắc về các di sản Việt Nam của 89 tác giả, được lựa chọn từ 4.753 tác phẩm dự thi Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2018 do Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức. Những câu chuyện bằng hình ảnh về thiên nhiên, đời sống, văn hóa, di sản... cũng đã góp phần thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng trong và ngoài nước, khám phá và chia sẻ những giá trị di sản văn hóa, du lịch của Việt Nam.

Khu vực trưng bày của các tỉnh, thành phố với chủ đề “Di sản văn hóa các vùng, miền” sẽ tổng hòa để làm nổi bật giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh... riêng có của từng vùng miền, đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản văn hóa của địa phương thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, ấn phẩm, trang phục, trình diễn nghệ thuật và thao tác tay nghề tại khu trưng bày... Nổi bật là những điểm đến, di sản đặc sắc như Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan - Phú Thọ; Cao nguyên đá Hà Giang; Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình; Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Hải Phòng; Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); lễ hội Cầu ngư, lễ hội Yến sào Khánh Hòa; Hò Ví, giặm Nghệ An; Cồng chiêng Tây Nguyên...

Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, lễ hội cũng là mảng không gian sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa các vùng miền, với những nét đặc trưng di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO tôn vinh như: Hát xoan, Quan họ, diễn xướng Nhã nhạc cung đình, Đờn ca tài tử, Hò Ví, giặm, hát Then cổ, diễn xướng dân gian và các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng... Ngoài ra, chương trình “Sắc màu Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ được trình diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm để tạo thêm sức lan tỏa cho sự kiện.

Ngày hội vẽ tranh thiếu nhi với di sản văn hóa Việt Nam với sự tham gia học sinh từ 6 - 10 tuổi đến từ các trường tiểu học, CLB trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ thể hiện những góc nhìn về di sản bằng con mắt riêng của lứa tuổi học sinh, với 100 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn, trưng bày. Chương trình giao lưu và thi tìm chủ đề “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa” sẽ là hoạt động tăng cường hiểu biết cho thế hệ trẻ về di sản văn hóa Việt Nam, qua đó, nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy di sản của dân tộc.

Nhiều nội dung hấp dẫn khác sẽ diễn ra trong không gian di sản văn hóa Việt Nam như Đêm tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam, với các loại hình dân ca, dân vũ độc đáo; Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch di sản, văn hóa; các mặt hàng nông sản đặc sắc; trưng bày “Vinh danh nghệ nhân các lĩnh vực nghề” thêu Quất Động, lụa Vạn Phúc, dệt Phùng Xá, mây tre đan Phú Vinh, hoa lụa Mai Hạnh… và hội thảo “Công nghiệp hóa với việc bảo tồn và phát huy di sản làng nghề truyền thống Thăng Long - Hà Nội” ...

MAI PHƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top