Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Lại thêm tuyến phố kiểu mẫu thứ hai của Hà Nội: 200 cột sắt "đồng phục" sẽ tạo nên không gian đáng sống?

Thứ Tư 14/11/2018 | 09:23 GMT+7

VHO- Sau con phố kiểu mẫu đầu tiên trên đường Lê Trọng Tấn bị thất bại thì nay tuyến đường Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại đang tiếp tục khiến dư luận bức xúc bởi kiểu “đồng phục” lạ lùng đến nực cười. Hàng cột sắt kích thước bằng nhau được sơn màu đỏ, gắn biển hiệu, có nhánh để treo cờ và đèn lồng. 

  

 Đồng phục cột đỏ phố Đình Thôn 

Thế nhưng, trong khi cư dân và người đi đường phản ứng thì UBND phường Mỹ Đình 1 cho rằng, tuyến phố đầu tiên có hàng cột sắt “đồng phục” này nằm trong Đề án “Thí điểm tuyến đường Đình Thôn là tuyến đường văn minh đô thị” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030”, với mục đích xây dựng nên một không gian... đáng sống. 
“Cưỡng ép” thị giác 
Hoạ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) từng đưa ra nhận định, nhiều không gian công cộng ở ta đang diễn ra tình trạng tuỳ tiện, thiết kế không gian theo kiểu “cưỡng ép” thị giác công chúng. Áp nhận định này vào tình trạng hiện thời trên tuyến phố Đình Thôn thì đúng là nơi đây đang bị “cưỡng ép” một cách tuỳ tiện. Đường Đình Thôn không dài, nối từ đường Phạm Hùng đến đường Vũ Quỳnh; mặt đường chỉ rộng khoảng 5,5m, vỉa hè khá hẹp. Tuy nhiên, chính quyền lại hứa hẹn sẽ là tuyến phố kiểu mẫu thứ 2 của thành phố Hà Nội. 
Nhằm tạo sự đồng bộ trên tuyến phố, phường Mỹ Đình 1 đã cắm 200 cột thép có kích thước bằng nhau lên vỉa hè và có quy định kích thước biển hiệu. Đề án được chia làm 3 giai đoạn. Hiện UBND phường Mỹ Đình 1 đã triển khai giai đoạn đầu tiên là cắm cột và đồng bộ hóa biển quảng cáo. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện trong năm 2019, triển khai thực hiện thanh thải, xử lý dây điện, dây viễn thông. Giai đoạn 3 sẽ tiến hành cải tạo mặt đường, vỉa hè. 
Toàn bộ biển quảng cáo, biển hiệu của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp dọc tuyến đường này được lắp đặt theo đúng quy định với chiều cao của bảng biển là 1,2 mét; nội dung của biển theo mục đích kinh doanh của các hộ, không quy định về màu sắc. 100% từ nguồn xã hội hóa, người dân tự lựa chọn chất liệu, hình thức, tự chi trả kinh phí. 

 Mong muốn trở thành “không gian đáng sống” của chính quyền địa phương, nên phải... “đồng phục” đóng cột... 

Theo lãnh đạo UBND phường Mỹ Đình 1, việc xây dựng những tuyến phố văn minh đô thị sẽ tạo nên sức hút lớn với các nhà đầu tư dài hạn. Một môi trường văn minh, xanh sạch đẹp góp phần tạo dựng hình ảnh phường Mỹ Đình 1 nói chung, khu dân cư Đình Thôn nói riêng thành một nơi đáng sống, đáng làm việc. Phải chăng mong muốn đưa tuyến phố trở thành không gian đáng sống đã được chính quyền địa phương khởi động hiện thực hoá bằng 200 cột sắt màu đỏ được dựng lên dọc phố Đình Thôn? Chứng kiến kiểu “đồng phục” lạ đời này, nhiều chuyên gia trong giới kiến trúc và mỹ thuật đã phải thốt lên đầy kinh ngạc. Không hiểu lý do gì mà chính quyền địa phương lại có thể cho rằng cách làm này sẽ tạo nên sự đồng bộ, văn minh. Nhiều chuyên gia cho rằng, với đặc thù của tuyến phố thì góc nhìn quy hoạch và thiết kế không gian như vậy rất có vấn đề. Lấy bài học từ sự thất bại thảm hại của việc xây dựng tuyến phố kiểu mẫu theo cách “đồng phục hóa” đã từng được áp dụng ở phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) cách đây 2 năm, các nhà kiến trúc cảnh báo, cứ với tư duy “nhân bản vô tính” như thế này thì không biết diện mạo không gian đô thị ở Việt Nam sẽ trở nên như thế nào. 
Gây khó cho người đi bộ 
Mặc cho thuyết minh về mục đích, ý tưởng tốt đẹp của chính quyền địa phương nhưng trên thực tế, cảm nhận của người đi đường và nhân dân sống trên tuyến phố trong những ngày này dường như theo chiều ngược lại. Nhiều người than thở, không biết có đẹp không nhưng điều bất cập đang bộc lộ rõ là những khó khăn, phiền toái đối với người đi bộ, bởi vỉa hè ở đây vốn đã quá chật hẹp. “Cắm hàng cột sắt đã chiếm nhiều diện tích nên khiến cho người đi bộ bị ảnh hưởng”, nhiều người dân lên tiếng bức xúc. Tình trạng hiện tại là nhiều hàng rong vẫn bán tràn trên vỉa hè và dưới lòng đường, thêm vào đó lại là các cột đỏ khiến người đi bộ phải xuống lòng đường. 

 ...trên những vỉa hè chật chội 

Vốn là một đường làng lột xác thành phố trong quá trình đô thị hóa của khu vực Mỹ Đình, phố Đình Thôn hầu như không có vỉa hè, nhà cửa được xây sát tới mép đường, hàng quán tận dụng những không gian be bé thừa ra để kinh doanh. Chỗ còn lại chỉ còn đủ để cắm cột điện và bây giờ lại có thêm những cây cột đồng phục này. 
Đặc thù giao thông của khu vực này cũng luôn đông đúc với lượng người qua lại và quá nhiều dịch vụ, hoạt động kinh doanh phục vụ đời sống và sinh hoạt cho người dân. “Trong tình trạng lộn xộn, nhếch nhác đó, kèm theo cảnh tắc đường xảy ra khá thường xuyên thì sự chen vào của 200 cột sắt đỏ trên khoảng một cây số càng khiến con phố thêm chật chội. Trước đây cứ tranh thủ còn khoảng trống nào thì đi, giờ lại phải len lỏi giữa những cây cột sắt như thế này, bất tiện lắm!”, ông Hùng, một người dân sống trong khu phố chia sẻ. 
Thêm một điểm đáng chú ý là cách “cắm cột” dù nhằm tạo sự đồng bộ nhưng lại có mật độ không đồng đều, chưa kể vì đặc thù chật hẹp mà các biển hiệu bị cắm thò ra thụt vào. Nhiều cửa hàng dù đã có biển hiệu “kiểu mẫu” vẫn đặt thêm những biển quảng cáo ngổn ngang. Không ít người dân còn bức xúc và phản ứng trước sự xuất hiện của những cây cột đồng phục đỏ bởi không chỉ vướng víu mà còn ảnh hưởng một cách nham nhở đến thẩm mỹ của khu phố mới. 
Nhận định về những kiểu đồng phục như thế này, nhiều chuyên gia kiến trúc cho rằng phải có thiết kế thật tốt mới phát huy hiệu quả. Cách làm tuỳ tiện và thiếu tầm nhìn đương nhiên sẽ tạo nên hệ luỵ tiêu cực. KTS Ngô Doãn Đức (Hội KTS Việt Nam) trước đây với tuyến phố “đồng phục” Lê Trọng Tấn cũng đã từng cảnh báo: “Cùng kích cỡ, màu sắc, độ cao, cùng phía... thì ôi thôi, quả là nhân bản vô tính rồi. Đường đã chật thì nên ít quảng cáo, biểu ngữ thôi”. Đối chiếu với Đình Thôn thì nhận định này cũng vẫn còn nguyên tính thời sự. 

 Chứng kiến kiểu “đồng phục” lạ đời này, nhiều chuyên gia trong giới kiến trúc và mỹ thuật đã phải thốt lên đầy kinh ngạc. Không hiểu lý do gì mà chính quyền địa phương lại có thể cho rằng cách làm này sẽ tạo nên sự đồng bộ, văn minh. 

BẢO NGÂN 

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top