Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Xử lý nạn viết, vẽ, khắc nham nhở lên di tích: Người ta xử nặng, còn mình nhẹ tênh!

Thứ Sáu 09/11/2018 | 09:44 GMT+7

VHO- Tình trạng viết, vẽ, khắc nhằng nhịt lên di tích ở nước ta đã được giới chuyên gia và dư luận báo chí từng lên án rất gay gắt, nhưng sau đó không hiểu sao mọi chuyện cứ đâu lại vào đấy. “Biết rồi nói mãi” và cũng cho qua vì chẳng ai chịu trách nhiệm phải truy tìm tận cùng để đưa ra xử lý, còn xót xa di tích thì mãi mãi ở lại.

 Sau khi hoàn thành chưa lâu, tượng Thánh Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) bị khắc chữ… Ảnh: Tr HUẤN

Câu chuyện mới đây ở xứ người đã khiến cho những ai quan tâm đến vấn đề này phải giật mình, rằng với những hành vi như thế thì họ sẽ xử lý rất nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, còn ở ta thì thấy nó cứ nhẹ tềnh tênh...

1.Cuối tháng trước, giới chức thành phố Yonago (tỉnh Tottori, Nhật Bản) đã vào cuộc ráo riết truy tìm kẻ đã khắc chữ lên tường, bệ đá cổ thuộc khu di tích Yonago khiến mọi người bức xúc. Tờ Asahi đưa tin, chiều 26.10 vừa qua, nhân viên của di tích thành cổ Yonago phát hiện nhiều ký tự tiếng Latinh trên các phiến đá còn sót lại của khu di tích này. Cụ thể, trên một phiến đá có chiều dài 70 cm, rộng 40cm là dòng chữ “A. Hào” cùng hình vẽ ngôi sao và trái tim. Ngay lập tức, nhiều báo đài lớn của Nhật Bản nhanh chóng đưa tin ầm ĩ về sự việc bởi đây là lần đầu tiên khu thành cổ bị xâm phạm và vẽ bậy.

Trả lời báo chí, ông Toshio Kosaka, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới núi Phú Sĩ cho biết, theo quy định Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng.

 Viết bậy trên tấm bia ở Núi Bài Thơ (Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh)

 Viết, vẽ bậy trên mai rùa (Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội)

2.Cách đây mấy năm, tại một cuộc hội thảo khoa học bảo tồn môi trường cảnh quan di tích, có nhà nghiên cứu lịch sử cầm trong tay một xấp ảnh mà ông vừa chụp được sau chuyến điền dã dài ngày bước lên bục phát biểu. Vừa nói ông vừa xòe ra các bức ảnh mà ở trên đó nhằng nhịt các dòng chữ, hình vẽ, nét khắc nham nhở lên di tích: “Nếu chúng ta ngồi đây và xem những hình này rồi đi đến nhận xét, đấy là trò nghịch dại của trẻ con thì quả thật tôi không còn gì để nói. Còn các vị cho rằng, hành vi này cần phải lên án, cần phải xử lý thì tôi xin hỏi ai xử lý, ai chịu trách nhiệm”.

Cuộc hội thảo quan trọng này sau đó cũng nhanh chóng kết thúc, và rồi câu chuyện của những bức ảnh trên lặng lẽ, chìm khuất bởi không thấy ai “xới lại” thêm một lần nữa. Chắc có lẽ đây là vấn đề nhỏ, chưa đáng phải quan tâm ngay tức thì? Tâm sự với chúng tôi vào thời điểm ấy, ông cho biết báo chí đã từng lên tiếng chỉ trích, giới bảo tồn di tích dường như ai cũng cảm thấy xót xa, xấu hổ nhưng những biện pháp ngăn chặn thì chẳng thấy đâu, trong khi luật quy định là nghiêm cấm hành vi gây ảnh hưởng xấu đến di tích. “Tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức là đúng nhưng chưa bao giờ là đủ. Cần phải vào cuộc điều tra và xử lý thật nghiêm hành vi xâm phạm nghiêm trọng di sản thì may ra mới phần nào ngăn chặn được”, ông nói.

 Vô tư viết trên Tháp Bút

 Viết bậy trên chuông ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội

3. Chiều qua 8.11, trao đổi với chúng tôi về tình trạng này và cần phải làm gì để di tích không bị bôi bẩn, lãnh đạo Thanh tra Sở VHTT ở một địa phương cho biết, lực lượng thì mỏng, di tích lại dày đặc nên rất khó kiểm soát. Truy tìm đối tượng viết, vẽ, khắc lên di tích không khác gì “mò kim đáy bể” bởi hiện đang còn thiếu phương tiện thiết bị giám sát. Khi được hỏi, từ trước đến nay đơn vị đã “bắt quả tang” hay “phạt nguội” được đối tượng nào chưa thì “cái đó cần phải kiểm tra lại”.

Trong khi đó Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa đã quy định, “nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa”. Nghị định số 98/2010/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa đã quy định: Những hành vi làm sai lệch di tích là “Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích”.

Mặc dù quy định nghiêm cấm như vậy thế nhưng mức xử phạt đối với hành vi này chưa thực sự đủ sức răn đe, góp phần thay đổi nhận thức. Theo đó, Khoản 1, Điều 23 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Quảng cáo: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Hình thức xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này. 

 Khoản 1, Điều 23 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Quảng cáo: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Hình thức xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

 LÂM SƠN

 

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top