Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn Nghệ

19 Tháng Ba 2024

Công khai, minh bạch trong thu- chi tiền tác quyền: Quyền lợi cho cả ba bên

Thứ Sáu 27/04/2018 | 10:09 GMT+7

VH- Trong việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam hiện nay, phương thức thực hiện thông qua các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả đang ngày càng trở thành sự lựa chọn của các tác giả và các chủ sở hữu quyền tác giả.

  Hội nghị tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan do Cục Bản quyền tác giả tổ chức mới đây

Bởi Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.

 Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là cầu nối trong giao dịch giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với bên sử dụng tác phẩm. Việc đại diện này đem tới sự thuận lợi trong việc khai thác, quảng bá tác phẩm tới công chúng. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng quyền lợi hợp lý từ chính sản phẩm sáng tạo của mình, qua đó thúc đẩy sự sáng tạo mới của các tác giả và toàn xã hội sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ mối quan hệ tương tác này.

Ngay sau khi Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, quyền và trách nhiệm của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã được quy định rất rõ ràng. Theo đó, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải công khai, minh bạch, có bộ cơ sở dữ liệu thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan như: Hợp đồng ủy quyền của hội viên, danh sách tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể được khai thác, sử dụng; biểu mức tiền nhuận bút, thù lao và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao theo ủy quyền.

Cũng theo quy định tại Nghị định này, mối quan hệ giữa tác giả và tổ chức đại diện tác quyền là mối quan hệ dân sự, được xác lập trên nguyên tắc quan trọng là tự nguyện.

Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy, những năm vừa qua, có không ít chuyện lùm xùm xung quanh mối quan hệ giữa tác giả, chủ sở hữu quyền và tổ chức đại diện tác quyền, mà vấn đề chính là sự thiếu tin tưởng vào tính công khai, minh bạch giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác. Nhiều tác giả là hội viên của tổ chức đại diện quyền tác giả không khỏi băn khoăn là tiền tác quyền của mình thu được bao nhiêu? Chi phí cho hoạt động của Hội là bao nhiêu? Điều này đòi hỏi, để tăng niềm tin của tác giả, người sử dụng, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả ở Việt Nam phải tăng cường tính minh bạch trong công tác thu và phân chia nhuận bút cùng các khoản thù lao khác ; tăng cường đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp; tăng cường trang thiết bị kĩ thuật phần mềm quản lý.

Hoạt động quan trọng nhất của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả là thu phí sử dụng và phân phối lại cho tác giả. Vì vậy các nội dung liên quan đến các hợp đồng, biểu giá, tổng kết doanh thu, thời hạn thanh toán, hình thức thanh toán, các khoản chi cho hoạt động văn hóa và quản lý chung… cần công khai minh bạch. Mặc dù nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các tổ chức đại diện quyền tác giả là do chính các tác giả tổ chức và lãnh đạo, tuy nhiên, để bảo đảm tính công khai minh bạch trong hoạt động của tổ chức đại diện quyền, các cơ quan nhà nước nên tăng cường công tác giám sát tài chính tại các tổ chức này, nghiêm khắc xử lý các trường hợp tổ chức hoặc người sử dụng lạm dụng vị trí lãnh đạo, vị trí độc quyền mà ảnh hưởng đến quyền tài sản và quyền định đoạt của tác giả.

Không giống như các tài sản khác, các tác phẩm có thể có mặt ở nhiều nơi trong cùng một thời điểm, do đó việc quản lý của bản thân các tác giả là không dễ dàng. Bên cạnh đó, người sử dụng tác phẩm - đối tác của tác giả thường là các nhà xuất bản, các hãng sản xuất băng đĩa, đài phát thanh truyền hình – những pháp nhân với tiềm lực kinh tế và quan hệ rộng. Điều này khiến cho tác giả có vị trí yếu hơn trong giao kết hợp đồng. Trong đó, có những tổ chức, cá nhân sử dụng một khối lượng lớn tác phẩm, thậm chí sử dụng nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau (các trang web âm nhạc, các đài phát thanh truyền hình, các phòng trà, karaoke…). Điều này khiến cho việc đi xin phép từng tác giả đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Chính vì vậy, việc tham gia vào các tổ chức đại diện quyền sẽ giúp tác giả bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình.

Các tổ chức đại diện quyền tác giả đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch trong việc thu tiền tác quyền và thanh toán cho tác giả, sẽ thu hút được sự tham gia của chính các tác giả. Ngược lại, ủy thác cho các tổ chức đại diện hoạt động một cách chuyên nghiệp, tác giả sẽ chuyên tâm sáng tác, người sử dụng yên tâm thưởng thức hay kinh doanh bằng việc sử dụng các tác phẩm một cách hợp pháp.

Công khai, minh bạch trong thu – chi tiền tác quyền sẽ mang lại quyền lợi cho cả ba bên. 

HOÀNG HƯƠNG

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Góc ảnh

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top