Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn Nghệ

28 Tháng Ba 2024

Cánh diều vẫn còn đó những băn khoăn

Thứ Hai 16/04/2018 | 10:58 GMT+7

VH- Lễ trao giải Cánh diều 2017 do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức đã diễn ra tối qua 15.4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đến dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, đông đảo giới nghệ sĩ và nhà sản xuất. Những Cánh diều vàng, Cánh diều bạc đã lần lượt gọi tên các tác phẩm tốt nhất ở từng hạng mục. Tuy nhiên, đọng lại sau ánh đèn tôn vinh lấp lánh vẫn còn không ít băn khoăn.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã trao giải Cánh diều vàng cho đại diện ê kíp làm phim “Cô Ba Sài Gòn”

Quá ít phim để chọn

Năm nay Cánh diều sẽ chọn giải vàng theo tiêu chí gì khi có quá ít phim để lựa chọn? Cánh diều có còn hấp dẫn với công chúng? Có còn sức thu hút với giới làm nghề?... là những câu hỏi tò mò trước thềm giải thưởng. 13 tác phẩm tham gia tranh giải ở hạng mục phim truyện trong tổng số 39 phim được sản xuất trong năm, rõ ràng là con số khiến giới nghề không thể bình thản. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam thừa nhận, đây là một tỉ lệ thấp. Tuy nhiên cũng có lý do khiến nhiều nhà sản xuất không lựa chọn Cánh diều như một thước đo để đo đếm chất lượng tác phẩm.

Cũng theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, giới nghề và công chúng cũng nên “quen dần” với thực tế sẽ ngày càng ít phim dự giải đi. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, làm phim để có doanh thu được xem là mục đích hàng đầu của nhiều nhà làm phim. “Chúng tôi cũng mỏi miệng mời chào rồi đấy. Nhưng nhiều nhà sản xuất trả lời thẳng thừng là họ chỉ mong hồi vốn, có doanh thu, phim tham dự mà không được giải thì còn ai xem nữa. Nên cũng phải thông cảm…”, vẫn bà Ngát chia sẻ. Đây cũng là thực tế được chính các nhà làm phim thừa nhận. Đơn cử, đạo diễn Đức Thịnh cho biết lý do không gửi Siêu sao siêu ngố dự thi là vì xác định đây là phim thương mại, không phù hợp với tiêu chí của giải. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng dù được mời nhiệt tình nhưng cũng không đưa phim Khi con là nhà đi dự giải.

NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, nhìn nhận sòng phẳng thì trong bối cảnh phim thị trường lên ngôi, các nhà sản xuất tư nhân ngoài yếu tố nghệ thuật cũng phải hướng đến mục tiêu doanh thu, cho nên họ phải cân nhắc kỹ có đưa tác phẩm dự thi hay không là đương nhiên. “Phim mới ra rạp thì đúng là chẳng ai mạo hiểm gửi đi dự giải. Bởi nếu không có giải thưởng mang về cũng xem như đã tự “kết liễu” mình. Cho dù có thể trong thâm tâm thì bất cứ nhà chuyên môn nào cũng luôn thường trực mong muốn được ghi nhận, đánh giá bằng các giải thưởng có giá trị chuyên môn như Cánh diều…”, NSND Đào Bá Sơn khẳng định.

Trước những lo ngại về sức hấp dẫn của Cánh diều đang đi xuống, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại khẳng định: “Sức hấp dẫn này không nằm ở số lượng phim tham dự. Lấy tiêu chí nghề nghiệp làm tối thượng nên việc các tác giả gửi phim dự thi cũng là một cách tự đánh giá bản thân mình. Không nên nhìn vào số lượng mà cần căn cứ vào chất lượng các tác phẩm gửi đến”.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào chất lượng thì ở hạng mục được quan tâm nhất là phim truyện, theo đánh giá của các nhà cầm cân nảy mực, cũng có ít phim chất lượng. Theo đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, Trưởng BGK phim truyện điện ảnh, Cánh diều 2018 có rất ít phim hoàn chỉnh, đa số rơi vào tình trạng được cái này thì mất cái kia. Phần nhiều phim chỉ chăm chăm phản ánh cuộc sống giàu sang, trong khi phim về cuộc sống bình dân lại thiếu vắng. “Vì chỉ có 13/39 phim tham gia nên không thể có đánh giá toàn vẹn về chất lượng phim truyện điện ảnh năm nay qua giải Cánh diều…”, đạo diễn Vũ Xuân Hưng nhận định.

Dẫu vậy, BGK Cánh diều 2018 vẫn đánh giá cao các phim đi sâu khai thác những giá trị bản sắc văn hóa Việt. Khác với những năm trước, phim tư nhân luôn được nhận xét khắt khe thì năm nay, các nhà chuyên môn đều thừa nhận nhiều nhà sản xuất tư nhân đã nỗ lực lớn nhằm nâng cao chất lượng nội dung lẫn kĩ thuật thể hiện. Những phim như Dạ cổ hoài lang, Cô Ba Sài Gòn, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Đảo của dân ngụ cư... được đánh giá tốt ở khâu chọn đề tài, với những câu chuyện về số phận con người, số phận cộng đồng, thay vì đề tài giải trí thông thường.

 Đạo diễn Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh nhận giải Cánh diều vàng cho phim truyện truyền hình “Thương nhớ ở ai”

“Tủi thân” tài liệu, hoạt hình…

Hạng mục phim truyền hình cũng nhận được nhiều sự quan tâm bởi tính phổ biến của tác phẩm. Trưởng BGK phim truyện truyền hình, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ, trong số các phim truyền hình dự thi thấy nổi lên một hiện tượng đặc biệt là bên cạnh những phim được làm từ kịch bản trong nước thì các phim Việt hóa cũng lừng lững xuất hiện với sức hút không hề nhỏ. Hai bộ phim Việt hóa Sống chung với mẹ chồng Người phán xử ở thời điểm lên sóng đã sốt xình xịch với tỉ lệ người xem liên tục tăng cao. Tuy nhiên, hai phim này vẫn bị “chê” là Việt hóa chưa hoàn hảo, cái kết thiếu nhân văn. Nhiều phim truyền hình khác được đánh giá có sự đầu tư chỉn chu về nội dung lẫn công nghệ sản xuất. Theo BGK, trong số các phim truyền hình dự thi có Thương nhớ ở ai đã bộc lộ cái nhìn sâu sắc về số phận người Việt trong một quá khứ nhiều buồn đau bởi chiến tranh và những sai lầm thiển cận; phim Tử thi lên tiếng được đánh giá là tiêu biểu cho phim đạt chuẩn ở đề tài hình sự.

Xếp sau phim truyện điện ảnh và phim truyền hình, các hạng mục phim tài liệu, khoa học, hoạt hình, phim ngắn… có vẻ “tủi thân” hơn bởi ít nhận được sự chú ý của công chúng. Theo đạo diễn Lương Đức, Trưởng BGK phim tài liệu và phim khoa học, trong số 34 phim tài liệu và 9 phim khoa học tham dự giải Cánh diều, nhiều tác phẩm đã đề cập đến những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Cái được là hầu hết các phim đã khắc phục tình trạng đa ngôn, áp đặt, tác giả nói thay nhân vật như trước đây. Cách diễn đạt trình bày cũng đang tiệm cận với xu hướng và trào lưu làm phim tài liệu trên thế giới. Tuy nhiên, cái chưa được thì cũng còn nhiều điều đáng nói. “Mặt bằng phim năm nay có chất lượng sụt giảm, đề tài không mới, chưa khai thác sâu các vấn đề, nhiều phim chàng màng. Có thể nhận định năm qua là thời gian tạm dừng của phim tài liệu và phim khoa học”, theo đạo diễn Lương Đức.

Trong khi đó, hạng mục phim hoạt hình tiếp tục tái diễn tình cảnh ở LHP khi vẫn là sân chơi độc diễn của Hãng phim Hoạt hình VN, với 12 trong tổng số 13 phim dự thi. Đạo diễn Phương Hoa, Trưởng BGK Phim hoạt hình nhận định, phim hoạt hình năm nay không có đột phá trong đề tài cũng như cách thể hiện. “Không có tác phẩm xuất sắc. Đề tài được khai thác cũng cũ kỹ như từ mấy chục năm trước. Một số phim có sự tìm tòi nhưng vẫn chưa tới, kể cả về nội dung và ý tưởng nghệ thuật, cách thể hiện còn ngô nghê…”, đạo diễn Phương Hoa nhận xét.

Ở hạng mục phim ngắn, NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân lưu ý, đang có cách nhìn cuộc sống và thể hiện vào phim theo một chiều. “Nhiều phim ngắn khai thác các vấn đề, khơi gợi xúc cảm trước cuộc sống lại chủ yếu thiên về đề tài tệ nạn xã hội hay những thân phận nghèo. Thực tế cuộc sống đâu chỉ như vậy, còn rất nhiều vấn đề khác cần quan tâm như gia đình, học đường…, nhưng lại bị bỏ trống trong nhiều năm”, theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Cô Ba Sài Gòn “ẵm” Cánh diều vàng

Giải thưởng Cánh diều vàng hạng mục phim truyện điện ảnh năm 2017 tối qua đã gọi tên bộ phim Cô Ba Sài Gòn, đạo diễn Lộc Trần- Kay Nguyễn, Công ty TNHH MTV Cung cấp Tài năng Việt (VAA)- Công ty TNHH Thời trang Thủy Nguyễn. Cánh diều bạc hạng mục phim truyện điện ảnh được trao cho phim Em chưa 18 Cô gái đến từ hôm qua. Bằng khen phim truyện điện ảnh được trao cho các phim: Dạ cổ hoài lang, Mẹ chồng Đảo của dân ngụ cư.

Cũng ở hạng mục này, giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc được trao cho nữ diễn viên Nhã Phương (phim Yêu đi đừng sợ), giải Nam diễn viên chính xuất sắc trao cho diễn viên Kiều Minh Tuấn (phim Em chưa 18). Giải Nam diễn viên phụ xuất sắc được trao cho diễn viên Nhan Phúc Vinh (phim Đảo của dân ngụ cư), Nữ diễn viên phụ xuất sắc trao cho diễn viên Midu (phim Mẹ chồng). Giải Diễn viên triển vọng được trao cho diễn viên Hà Mi (phim Cô gái đến từ hôm qua). Cánh diều vàng cho phim truyện truyền hình Thương nhớ ở ai, đạo diễn: NSƯT Lưu Trọng Ninh- Bùi Thọ Thịnh, Trung tâm sản xuất Phim truyền hình VFC –Đài THVN…

 

 PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Góc ảnh

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top