Hơn 4,3 tỉ đồng khai quật Di sản thế giới Thành nhà Hồ

VH- Ngày 22.6.2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 2374/QĐ-UBND, phê duyệt dự toán kinh phí khai quật khảo cổ nghiên cứu cấu trúc và kỹ thuật xây dựng tường thành Di sản thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ được giao làm chủ đầu tư. Tổng dự toán cho việc khai quật lần này là 4.389.734.000 đồng.

Hơn 4,3 tỉ đồng khai quật Di sản thế giới Thành nhà Hồ - Anh 1

Theo đó, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện khai quật khu vực tường thành phía đông Bắc cổng thành phía Bắc thuộc Di sản thế giới Thành nhà Hồ. Cụ thể: Diện tích khai quật là 400m2. Quy trình khai quật, bảo quản cấp thiết sau khai quật, bao gồm các bước:  Bước 1: Khai quật, khảo cổ tại các hố theo đúng quy trình khai quật, khảo cổ học: Đào các lớp có di tích, theo từng lớp của khảo cổ. Khi gặp di tích, di vật tiến hành làm xuất lộ di tích, di vật theo yêu cầu của khảo cổ để đo, vẽ, chụp ảnh. Dừng khai quật khi gặp cốt nền của di tích, mở hố thám sát nhỏ để kiểm tra kết cấu địa tầng có di tích. Bước 2: Tư liệu hóa kết quả khai quật tìm thấy trong các hố khai quật qua bản vẽ, bản ảnh tại công trường khảo cổ học. Bước 3: Chỉnh lý kết quả khai quật, lập hồ sơ khoa học các hố khai quật. Bước 4: Viết báo cáo khoa học. 

Hơn 4,3 tỉ đồng khai quật Di sản thế giới Thành nhà Hồ - Anh 2

Thành nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Trong hồ sơ di sản thế giới, Thành nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV.

 ​ "Ngày 27.6.2011, di sản quý giá này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tin vui đó càng khẳng định giá trị đích thực của Thành nhà Hồ trong danh mục các di sản văn hóa của nhân loại và càng nâng cao trọng trách tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ của Thanh Hóa mà của cả nước trong trách nhiệm trước thế giới theo Công ước Di sản Thế giới của UNESCO”
(Trích bài viết của GS. NGND. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đăng trong Tạp chí Khảo cổ học số 2, 2012)


Nguyễn Linh

 

Ý kiến bạn đọc