Di sản văn hóa Hà Nội: Cần sớm lập quy hoạch tổng thể bảo tồn Đình Chèm

VH-UBND quận Bắc Từ Liêm Hà Nội vừa long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm và tổ chức lễ hội truyền thống Đình Chèm năm 2018. Mang nhiều giá trị đặc sắc cả về di sản vật thể và phi vật thể, để bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm cần sớm triển khai lập quy hoạch tổng thể cũng như cắm mốc giới bảo vệ di tích Đình Chèm.

Di sản văn hóa Hà Nội: Cần sớm lập quy hoạch tổng thể bảo tồn Đình Chèm - Anh 1

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm

 Đình Chèm tiêu biểu cả về quy mô nghệ thuật điêu khắc và trang trí

Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm, xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Đình Chèm là một thiết chế tôn giáo tín ngưỡng, một di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, nơi đúc kết và mang tính đại diện cho cả hệ thống di tích ở vùng đất cổ Từ Liêm. Với bố cục độc đáo, các đơn nguyên kiến trúc có mặt bằng đa dạng, niên đại khá sớm và có giá trị nghệ thuật cao, có thể khẳng định, kiến trúc đình Chèm là một sáng tạo với nhiều đặc trưng nghệ thuật không gặp ở các đình, đền khác”.

Đình Chèm là một trong những ngôi đình thuộc loại cổ xưa nhất ở VN hiện nay với lịch sử tồn tại khoảng 1.200 năm. Đình thờ Thượng đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng, người đã có công lớn với hai triều đại Hùng Duệ Vương và An Dương Vương. Là một nhân vật huyền thoại, những câu chuyện kể về ngài Lý Ông Trọng hay còn gọi là Lý Thân, Đức Thánh Chèm… vẫn còn lưu trong những cuốn sách cổ xưa nhất của VN như Lĩnh nam chích quái, Việt Điện u linh, Đại Việt sử ký toàn thư… Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Đình Chèm ngày nay vẫn hiện hữu đầy uy nghiêm bên bờ sông Hồng, là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm thuộc xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ông Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận Bắc Từ Liêm hiện có 62 di tích đã được xếp hạng các cấp, 22 di tích cách mạng kháng chiến và 29 lễ hội truyền thống… Trong tổng số 135 di tích đã được kiểm kê trên địa bàn quận thì Đình Chèm vẫn là di tích có kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc độc đáo nhất.

Di sản văn hóa Hà Nội: Cần sớm lập quy hoạch tổng thể bảo tồn Đình Chèm - Anh 2

 Lễ rước bằng hoàn cung yên vị

Không chỉ tiêu biểu về quy mô, Đình Chèm hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về nghệ thuật điêu khắc và trang trí. Kỹ thuật chạm nổi, kỹ thuật chạm thủng kết hợp nhuần nhuyễn với kỹ thuật chạm bong kênh khiến cho các hình chạm vô cùng sống động, uyển chuyển. Với một khối lượng hiện vật hết sức phong phú và đa dạng, nhiều chủng loại, Đình Chèm từ lâu đã là nguồn tư liệu quý, góp phần tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất cổ phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long nói riêng, nghệ thuật trang trí, kiến trúc cổ truyền vùng châu thổ Bắc Bộ nói chung. Hiện Đình Chèm còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao như: 16 cuốn sách chữ Hán, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn, 4 tấm bia đá, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi, 15 câu đối, 2 chuông đồng cùng nhiều đồ khí tự có giá trị... Ngoài ra, di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo này còn lưu giữ chiếc lư hương ngàn năm tuổi cùng hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng từ thời vua Lê Hiển Tông…

Với những giá trị độc đáo đó, ngày 25.12.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Chèm quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội là Di tích Quốc gia đặc biệt. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đình Chèm một cách lâu dài, bền vững, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Đề nghị sớm triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài. Ban Quản lý di tích cần triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ di tích, kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ kiến trúc và các hiện vật của đình tuyệt đối an toàn; tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích; tiếp tục xây dựng kế hoạch hằng năm tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích đang xuống cấp, sử dụng hiệu quả mọi nguồn thu từ di tích vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, định hướng việc công đức đối những tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo đúng với nội dung, tính chất tín ngưỡng của di tích”.

Di sản văn hóa Hà Nội: Cần sớm lập quy hoạch tổng thể bảo tồn Đình Chèm - Anh 3

Lễ hội Đình Chèm có nhiều nghi thức, nghi lễ độc đáo

Lễ hội Đình Chèm phải do cộng đồng đảm nhận và thực hành

Bên cạnh những giá trị vật thể, Đình Chèm còn chứa đựng trong đó một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đó là Lễ hội Đình Chèm. Với nhiều nghi lễ đặc trưng và là một trong những tín ngưỡng cổ xưa nhất của thủ đô, lễ hội Đình Chèm cũng đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hội thường được tổ chức vào ngày 14.5 Âm lịch tại đình Chèm, là tổng hòa của nhiều tập quán xã hội dược tổ chức gắn liền với truyền thuyết lưu truyền trong dân gian và trong sử sách về nhân vật Lý Ông Trọng có từ xa xưa và vẫn truyền tụng cho đến ngày nay... Bên cạnh việc phản ánh niềm tin, tín ngưỡng của người Việt về Đức Thành hoàng làng được nhân dân thờ phụng, trong Hội Đình Chèm còn có sự tích hợp của nhiều tín ngưỡng khác. Cụ thể là sự giao thoa của Đạo giáo và Phật giáo, thể hiện ở việc trong dịp mở hội, nơi đây có treo cờ Phật và xuất hiện nghi thức cúng Phát tấu, cúng Phan, cúng Khai quang, cúng Quá độ; các vị sư tăng làm lễ cúng Phật, lễ Thả chim...

Không chỉ là lễ hội lớn của cả vùng, được nhận định là hội tụ đủ cả hai yếu tố văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng, Lễ hội Đình Chèm từ lâu đã được dân gian truyền tụng: “Thứ nhất là hội Cổ Loa/ Thứ hai hội Gióng, thứ ba hội Chèm”. Về lễ hội, bên cạnh việc duy trì các nghi thức, nghi lễ ở các điểm di tích diễn ra lễ hội truyền thống, hiện nhiều giá trị của hội Đình Chèm cần sớm được số hóa hay bảo tồn bằng công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Tại buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm và tổ chức lễ hội truyền thống Đình Chèm năm 2018, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Lễ hội Đình Chèm phải do cộng đồng đảm nhận và thực hành, chính quyền địa phương đảm bảo công tác an ninh trật tự”. Muốn vậy, không gian văn hóa liên quan đến lễ hội Đình Chèm phải được bảo vệ, có biện pháp giữ gìn, tôn tạo cảnh quan các di tích để đảm bảo không gian linh thiêng, thoáng đãng, thuận tiện cho việc thực hành hội và dự hội của nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của lễ hội Đình Chèm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng như cộng đồng thực hành lễ hội cũng cần đồng thuận, chung tay ngăn chặn các hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để thực hành mê tín dị đoan, làm biến dạng lễ hội truyền thống.

 PHÚC NGHỆ

 

Ý kiến bạn đọc