Khai hội mùa Xuân Côn Sơn Kiếp Bạc năm 2024

VHO - Sáng 25.2 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn (thành phố Chí Linh), tỉnh Hải Dương tổ chức trọng thể Lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024, tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn” là Bảo vật quốc gia.

Khai hội mùa Xuân Côn Sơn Kiếp Bạc năm 2024 - Anh 1

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao quyết định công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bảo vật quốc gia cho tỉnh Hải Dương

Tham dự Lễ khai hội các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn;, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ VHTTD; Hoàng Đạo Cương; đại diện lãnh đạo Ban, Bộ, ngành; lãnh đạo tỉnh Hải Dương;  Đoàn Đại biểu TP Suwon (Hàn Quốc), đơn vị kết nghĩa với tỉnh Hải Dương; lãnh đạo một số tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Ninh Bình; Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Lễ hội,  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nêu bật những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của Côn Sơn và những đóng góp của Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả với Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Trong gần 7 thế kỷ qua, những giá trị lịch sử văn hóa to lớn ở Côn Sơn đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng mà riêng có, trở thành dòng chảy văn hóa truyền thống có sức sống mãnh liệt, lan tỏa, đi sâu vào tâm thức cộng đồng và mỗi phật tử.

Với giá trị to lớn, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012; Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc được Bộ VHTTDL ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; chùa Côn Sơn là 1 trong 20 điểm di tích thành phần có giá trị quan trọng trong hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.

Khai hội mùa Xuân Côn Sơn Kiếp Bạc năm 2024 - Anh 2

Các đại biểu dự khai hội mùa Xuân Côn Sơn Kiếp Bạc

Du khách đến với Côn Sơn là đến với những địa danh rất đỗi quen thuộc trong tâm thức biết bao người như: Chùa Hun, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, suối Côn Sơn, Bàn Cờ Tiên, Ngũ Nhạc linh từ... và hệ thống các bảo vật, cổ vật, khảo cổ được tạo tác và lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Cũng tại đây, ngày 15.2.1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn. Hình ảnh Bác đọc bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi" đã trở thành ký ức thiêng liêng, nhắc nhở, căn dặn chúng ta nhớ về nguồn cội, luôn biết tri ân các bậc tiền nhân. Gần 60 năm qua, lời dặn dò của Bác vẫn là phương châm, là nhiệm vụ cao cả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Thấm nhuần tinh thần đó, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tại khu di tích Côn Sơn; quan tâm đầu tư, bảo tồn, tu bổ, phục dựng nhiều công trình tiêu biểu để Côn Sơn trở thành “chốn tùng lâm đẹp đẽ…" như lời Bác dặn.

Trước lễ khai hội, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thực hiện nghi lễ rước nước chùa Côn Sơn. Nước được lấy từ giữa hồ Côn Sơn, đựng vào bình thủy và rước về chùa. Nghi lễ rước nước cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, hạnh phúc. Đây là một trong những nghi thức quan trọng tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, được phục dựng từ năm 2008 và đã trở thành nét độc đáo của Lễ hội hàng năm.

Khai hội mùa Xuân Côn Sơn Kiếp Bạc năm 2024 - Anh 3

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 duy trì các nghi lễ như: Lễ rước nước, lễ tưởng niệm và khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ và Mông Sơn thí thực... Phần hội có hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy; liên hoan pháo đất, vật cổ truyền, cờ tướng và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc.

Với việc tổ chức Tuần Văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại, lần đầu tiên tổ chức Giải việt dã "Hành trình kết nối di sản văn hoá", các hoạt động này sẽ góp phần làm phong phú thêm sức cuốn hút của lễ hội và quảng bá những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của Hải Dương tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Đặc biệt tại lễ hội năm nay, Hải Dương vinh dự đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bảo vật quốc gia. Bộ tượng này cùng với 2 bảo vật quốc gia là bia Thanh Hư động và bia Côn Sơn Tư phúc tự bi tại khu di tích Côn Sơn là minh chứng xác thực và toàn vẹn vào hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.

Tại buổi lễ, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bảo vật quốc gia.

Khai hội mùa Xuân Côn Sơn Kiếp Bạc năm 2024 - Anh 4

Nghi thức khai mạc Tuần Văn hóa ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại Hải Dương năm 2024 

Theo văn bia và tư liệu lưu truyền tại khu di tích, bộ Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa và được thờ phụng từ thế kỷ XVII. Điểm độc đáo khiến cho những pho tượng này khác biệt với tất cả các bộ tượng tam thế khác đều là các hiện vật gốc độc bản, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn từ thời Lê trung hưng đến nay.

Với những giá trị tiêu biểu về trang trí mỹ thuật độc đáo, niên đại cụ thể, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc, ngày 18.1.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bảo vật quốc gia.

Khai hội mùa Xuân Côn Sơn Kiếp Bạc năm 2024 - Anh 5

Chương trình nghệ thuật tại Ngày hội

Ngay sau lễ khai hội, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.

Sau Lễ khai hội là Lễ khai mạc Tuần Văn hóa ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc. Tuần Văn hóa, ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại năm nay cũng có quy mô lớn hơn với 43 gian hàng, gồm: 19 gian giới thiệu về ẩm thực của tỉnh Hải Dương và các vùng miền trong cả nước; 24 gian giới thiệu các sản phẩm OCOP, du lịch, làng nghề truyền thống tỉnh Hải Dương.

HÀ ĐĂNG

Ý kiến bạn đọc