Cần Thơ: Lễ cầu an Miễu Bà Xóm Chài

VHO - Trong không khí náo nức của những ngày đầu năm mới, Lễ hội cầu an Miễu Bà Xóm Chài, TP Cần Thơ vừa diễn ra trong 3 ngày từ 21- 23.2 (nhằm ngày 12-14 tháng Giêng), thu hút sự tham gia của hàng ngàn người dân và du khách.

Cần Thơ: Lễ cầu an Miễu Bà Xóm Chài - Anh 1

Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách

Ông Trần Văn Lộc, Trưởng ban tế tự Miếu Bà Xóm Chài thông tin, đây là lễ hội truyền thống xa xưa của dân chài lưới, với mong muốn cầu an cho dân làm ăn may mắn, “xuôi chèo mát mái”. Nghi thức của lễ hội gồm có lễ cầu an, cúng Bà, cúng Thổ thần và người khuất mặt, thả bè ra sông lớn, đánh trống múa lân để xua đuổi tà ma. Đồng thời, lễ hội với mong muốn đón lấy những ngọn gió tốt lành, những điều may mắn, hưng thịnh về cho xóm làng.

Đặc biệt, nghi thức đi “nghinh”, tức tống bè thủy lục với hàng trăm tàu bè dập dìu, múa lân trên sông để tống ôn, té nước. Sau khi hạ thủy tàu tống gió, người dân bắt đầu tiến hành nghi thức dùng nước sông rửa ghe tàu, người thì rửa tay rửa mặt. Nhiều người nhảy xuống sông tắm như để gột rửa những điều không may trong năm cũ và mong muốn một năm mới tốt đẹp hơn…

Cần Thơ: Lễ cầu an Miễu Bà Xóm Chài - Anh 2

Ban tế tự Miếu Bà Xóm Chài thực hiện nghi thức hạ thủy tàu tống gió

Người dân ở xóm Chài dù đi đâu, ở đâu nhưng cứ tới ngày này lại háo hức về quê để tham gia lễ hội. Có nhiều người, sau khi ăn Tết xong, họ vẫn nán lại quê vài ngày để đợi đón lễ rồi mới đi làm, đi học. Không chỉ thế, lúc đầu lễ hội Cầu an diễn ra với sự tham gia của người dân địa phương, dần dần nhiều người dân ở các địa phương khác cũng đến tham gia, trong đó có nhiều tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, du khách nước ngoài và các đơn vị du lịch cũng tạo các tour để du khách tham gia cùng với đoàn.

“Để chuẩn bị cho lễ hội lớn này, trước đó tôi đã phải trực tiếp xin giấy phép từ Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) để được tổ chức các hoạt động cầu an, vui chơi, té nước cho người dân và du khách trên sông Hậu”, ông Lộc thông tin.

Cần Thơ: Lễ cầu an Miễu Bà Xóm Chài - Anh 3

Chiếc bè đã được hạ thủy với mong muốn cầu an cho dân làm ăn may mắn, “xuôi chèo mát mái”

Soạn giả Nhâm Hùng – nhà Nghiên cứu Văn hoá Nam Bộ chia sẻ: “Đây là một hoạt động văn hóa cộng đồng mang tính chất tâm linh, truyền thống. Điểm đặc biệt đáng chú ý là lễ hội do cộng đồng đứng ra tổ chức, từ việc trang trí, làm tàu “tống ôn”, những vật phẩm để cúng bái,… tất cả đều là những cư dân của Xóm Chài và người quanh vùng đến để cùng tổ chức. Không khí gắn kết tình thân, trong đó rõ nhất là tinh thần phấn khởi, vui vẻ, từ các hoạt động múa lân, kèn tây, nhạc lễ, dâng lễ vật cúng bái. Mặc dù mọi nghi thức có thể không theo một trình tự nhất định, không theo khuôn khổ, chỉ mang tính tự phát, tính chất dân gian, vừa phức tạp vừa đơn giản, nhưng lại thể hiện đầy một tình đoàn kết cộng đồng.

Cần Thơ: Lễ cầu an Miễu Bà Xóm Chài - Anh 4

Người dân và du khách hào hứng tham gia té nước để cầu may mắn trong năm mới tại lễ hội

Bà Nguyễn Thị Năm (70 tuổi) chia sẻ, vào những ngày trước khi diễn ra lễ chính, bà con Xóm Chài chuẩn bị đầy đủ mâm cúng, đồ ăn, thức uống để cầu bình an, may mắn. Đặc biệt, mọi người cùng tụ tập lại giữa sân để mổ heo cúng Bà trong không khí vui tươi, rộn ràng tiếng nói cười.

Ông Nguyễn Văn Minh, ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng cho biết: “Bản thân ông đã cùng ông bà, cha mẹ tham gia lễ hội từ lúc còn nhỏ cho đến bây giờ khi ông đã trên 70 tuổi. Lễ hội này hằng năm là cúng lệ, con cháu của Xóm Chài dù đi xa, thậm chí ở nước ngoài cũng sẽ thu xếp về dự lễ. Người đi đốn tre, chặt chuối, người đi làm bè, người trang trí… để hoàn thành bổn phận con cháu trong lễ hội”.

Cần Thơ: Lễ cầu an Miễu Bà Xóm Chài - Anh 5

“Lễ cầu an Miễu Bà Xóm Chài - Cần Thơ là một lễ hội đặc biệt, vừa mang tính chất ý nghĩa chung là cầu an, vừa có những nghi thức cúng, trong đó có cúng những người khuất mặt, những người chết oan uổng trên sông, đồng thời đi đôi với ý nghĩa phù hộ đối với cư dân Xóm Chài, đặc biệt là những người làm nghề sông nước. Như vậy, lễ hội mang tính chất văn hóa sông nước riêng biệt ở những Miếu Bà ven sông, trong đó Miếu Bà Xóm Chài là tiêu biểu. Vào những ngày này, nơi đây tưng bừng hội hè, thể hiện sự gắn kết, niềm vui, niềm phấn khởi khi con tàu “tống ôn, tống gió” được đưa xuống sông, nhằm mục đích xua đuổi những dịch bệnh, những điều xấu, đồng thời rước về những điều tốt lành. 

Qua đây, chúng ta thấy một không khí hội hè thật đặc sắc và mang tính cộng đồng, mang tính tâm linh diễn ra hằng năm. Tôi cho rằng, trong tương lai lễ hội này sẽ được duy trì và phát huy theo đúng bản chất đúng, ý nghĩa của một lễ hội dân gian”, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng chia sẻ.

BÌNH THỦY

Ý kiến bạn đọc