Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương

VHO - Tối 23.2 (tức 14 tháng Giêng), tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân), UBND tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương Xuân Giáp Thìn năm 2024.

Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương - Anh 1

Lễ Tấu sớ trước ban Công đồng tại Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương Xuân Giáp Thìn năm 2024

Tham dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, đại diện một số cơ quan, đơn vị cùng đông đảo nhân dân, du khách.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết, với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, khơi dậy đạo lý "uống nước nhớ nguồn", biết ơn và tri ân những người có công với đất nước, năm 2010, UBND tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Bộ VHTTDL phục dựng lại Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại Đền Trần Thương và từ đó đến nay đã trở thành lễ hội thường niên của địa phương.

Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương đã trở thành thông lệ, là dịp để tôn vinh các vị anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước; khắc sâu những bài học lịch sử qua các lần thắng trận vẻ vang, các chiến công lừng lẫy và tấm gương đạo đức sáng ngời của Đức Thánh Trần trong lòng nhân dân; để lại những bài học quý báu về nghệ thuật quân sự, bài học về sự đoàn kết quân dân, nhắc nhở muôn đời, hậu thế biết trân quý quá khứ, tôn kính các vị anh hùng và các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng, bảo vệ giang sơn, bờ cõi nước Việt; thể hiện sâu sắc kế sách giữ nước của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn "Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc".

Lễ phát lương được tổ chức với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, phúc lộc đầy nhà, muôn sự tốt lành, đất nước thanh bình, phát triển và ngày một hưng thịnh.

Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương - Anh 2

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy thực hiện nghi lễ trao túi lương từ cung cấm ra phát cho du khách thập phương

Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương Xuân Giáp Thìn năm 2024 được tổ chức từ đêm 24 đến ngày 25.2 (tức đêm 14 đến rạng sáng ngày 15 tháng Giêng). Theo ông Nguyễn Đức Nhương, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, khác với các năm trước, Lễ phát lương Đền Trần Thương năm nay là do UBND tỉnh đứng ra tổ chức; các nghi lễ tâm linh do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam chủ trì. 

Sau những nghi lễ tâm linh truyền thống, lương thảo của Đức Thánh Trần đã được làm lễ trong mật cung được đưa ra các cửa phát lương để phát cho nhân dân. Để đảm bảo nhân dân và du khách về dự lễ ai cũng nhận được lương cầu may đầu Xuân, Ban tổ chức đã phối hợp với nhà đền chuẩn bị gần 20.000 túi lương tại 19 cửa phát lương ở phía Đông và phía Tây thuộc Nghi môn ngoại của Đền.

Lễ hội có các hoạt động như: lễ rước nước, lễ rước lương, đêm hội Trần Thương cùng các hoạt động văn hóa, thể thao. Đặc biệt, điểm nhấn của Lễ hội là nghi thức phát lương Đức Thánh Trần được bắt đầu từ 21 giờ ngày 14 đến rạng sáng ngày 15 tháng Giêng. 

Nghi lễ phát lương tại đền Trần Thương gồm ba phần: Phần thứ nhất là Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ. Đi đầu đoàn rước là đội sư tử, dàn trống, chiêng, cờ ngũ sắc, bảy mâm lương thảo; tiếp theo là các đội tế của địa phương, đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, nhân dân và du khách thập phương. Phần thứ hai là nghi lễ dành cho các đại biểu, lãnh đạo khách quý của quê hương như: lễ thắp nến, dâng hương. Phần thứ ba là rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.

Lễ phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương - Anh 3

Ban tổ chức thực hiện phát lương cho du khách tại 19 cửa phía ngoài Nghi môn

Sau các phần nghi lễ tâm linh quan trọng, đúng 23 giờ, lễ dâng hương, mở kho lương chính thức được diễn ra. Hàng vạn túi lương được phát cho nhân dân và du khách tại các điểm phát lương khu vực xung quanh đền Trần Thương và Miếu Thổ thần. Trong mỗi túi lương gồm 5 loại hạt: đỗ đỏ, đỗ xanh, đậu nành, ngô, thóc nếp cái hoa vàng thể hiện ước vọng về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho nhân dân.

Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương là hoạt động mang ý nghĩa tâm linh truyền thống cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe, sung túc và bình yên, đồng thời nhắc nhở các thế hệ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước cho các thế hệ ngày nay; là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - Anh hùng dân tộc, nhà quân sự, nhà chính trị, nhà văn hóa lỗi lạc tiêu biểu của thế kỷ XIII. Ông sinh năm 1228 tại Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông mất ngày 20/8 năm Canh Tý 1300 tại phủ đệ Vạn Kiếp. Với những công lao to lớn, ông được Triều đình nhà Trần tấn phong “Thái sư Thượng phụ Quốc công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương".

Ông là “thiên tài quân sự có tầm chiến lược, anh hùng dân tộc bậc nhất của triều đại nhà Trần". Ông được thế giới suy tôn là một trong 10 vị tướng tài qua các thời đại. Nhân dân cả nước tôn kính, vinh danh ông là bậc Thánh nhân - Đức Thánh Trần trong tâm thức “Đức thánh Cha" của muôn dân. Tên tuổi, công lao của Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã in đậm dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên, vùng đất Lý Nhân (Hà Nam) đã được Hưng Đạo Đại Vương chọn để lập 6 kho lương phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, mà đất Trần Thương là kho lương chính và là vị trí ngôi đền Trần Thương ngày nay. Đền Trần thương là một trong ba địa danh, di tích tiêu biểu thờ Đức Thánh Trần cùng với đền Bảo Lộc (Nam Định), đền Kiếp Bạc (Hải Dương) mà sắc phong còn lưu giữ tại đây có ghi: "Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương tối linh từ". Năm 1989 đền Trần Thương đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và đến năm 2015, đền Trần Thương được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

VÂN ANH; ảnh: NGUYỄN CHINH, ĐẠI NGHĨA

Ý kiến bạn đọc