Những đóng góp tích cực và hiệu quả của Liên hiệp Thư viện Bắc miền Trung

VHO - Cách đây tròn ba thập kỷ (năm 1993), tiếp sau sự ra đời đầu tiên của Liên hiệp thư viện khu vực miền Đông Nam bộ (1984); tại tỉnh Thanh Hóa-mảnh đất anh hùng; Liên hiệp thư viện khu vực Bắc miền Trung đã được thành lập, gồm 6 thư viện tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên-Huế, với mục đích: Phát huy sức mạnh truyền thống giữa các thư viện trong một vùng, miền có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên-địa lý, đặc điểm lịch sử, điều kiện kinh tế-xã hội, nếp sống văn hoá, phong tục tập quán v.v.

Những đóng góp tích cực và hiệu quả của Liên hiệp Thư viện Bắc miền Trung - Anh 1

Hội nghị và Tọa đàm của Liên hiệp Thư viện Bắc miền Trung (ngày 21.10.2023)

Phải nói rằng ngay từ khi mới ra đời, từ những buổi đầu gian nan ấy, Ban lãnh đạo Liên hiệp thư viện Bắc miền Trung đã cùng các thư viện thành viên ngồi lại với nhau, cùng chung ý tưởng, cùng đoàn kết, gắn bó, nỗ lực cố gắng làm việc và trăn trở để sao cho hoạt động của Liên hiệp dần đi vào nề nếp, quy củ và có hiệu quả. Điều may mắn là: Những yếu nhân lãnh đạo thế hệ đầu tiên của Liên hiệp Bắc miền Trung đều là những cán bộ giàu nhiệt huyết, năng động, giàu sức sáng tạo, có chuyên môn sâu và quản lý giỏi, có chung một ý tưởng và cùng chung một tiếng nói, một niềm tin, đó là các anh, chị: Phạm Thế Khang, Nguyễn Văn Công, Trương Đình Anh, Nguyễn Văn Danh, Nguyễn Hòa Vinh, Nguyễn Thị Nghĩa. Để đến bây giờ, qua nhiều thế hệ, họ đã trở thành bệ phóng, là cầu nối vững chắc cho các thế hệ lãnh đạo Liên hiệp thư viện Bắc miền Trung sau này.

Phát huy những lợi thế to lớn của vùng quê văn hiến và địa linh nhân kiệt, các thư viện trong Liên hiệp đã luôn luôn cùng chung ý tưởng và phối hợp hành động, cơ bản đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra qua mỗi nhiệm kỳ công tác và đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung. Thực tế hoạt động 20 năm qua đã chứng tỏ rằng: Liên hiệp thư viện Bắc miền Trung với những hoạt động nội tại/ cũng như tham gia hoạt động thư viện cả nước đã thực hiện tốt nhiều chương trình hành động, tổ chức được nhiều sinh hoạt chuyên môn bổ ích, thiết thực, nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, hội thi cán bộ thư viện giỏi, liên hoan thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách, hoặc chia sẻ các nguồn lực thông tin, tài liệu địa chí, trao đổi kinh nghiệm công tác trong Liên hiệp cũng như trong cả nước. Đặc biệt Vụ Thư viện ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đề xuất, sáng kiến có giá trị, sự hợp tác có trách nhiệm của các thư viện Bắc miền Trung tại các diễn đàn thư viện cả nước (trong đó có nhiều hoạt động mang tính đột phá, mở màn đầy sáng tạo, đặc sắc của thư viện Bắc miền Trung những năm qua như: Liên hoan văn nghệ của cán bộ thư viện (2004); Thi trang phục công sở của cán bộ thư viện (2011), đến nay chưa có LHTV nào làm được?

Điều cần khẳng định là: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Trung ương Việt Nam), cũng như lãnh đạo các ban, ngành ở các địa phương, ba thập kỷ qua, hoạt động của Liên hiệp thư viện Bắc miền Trung đã có tác động không nhỏ tới việc duy trì, củng cố và chăm lo cho văn hoá đọc cho nhân dân. Thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của TƯ về công tác thư viện, các thư viện tỉnh trong Liên hiệp đã triển khai, tổ chức được nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, bổ ích phục vụ người dân trên địa bàn-kể cả địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều đợt sách báo được luân chuyển về cơ sở, các cuộc thi đọc sách, thi Đại sứ Văn hóa đọc, thi tìm hiểu qua sách báo và nhất là việc tuyên truyền, vận động và thu hút nhân dân tới thư viện trên địa bàn là một minh chứng rõ nét nhất cho điều đó. Bên cạnh đó, hàng năm, hoạt động của Liên hiệp Bắc miền Trung cũng như của các thư viện thành viên, thông qua các cuộc triển lãm, trưng bày sách báo, nói chuyện chuyên đề, thông tin thư mục..... đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội của đất nước / địa phương, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Một điều dễ nhận thấy và thật đáng biểu dương, đó là: Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện Bắc miền Trung luôn luôn có sự tìm tòi, đổi mới và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đem lại hiệu quả rõ nét. Ví dụ: Triển lãm tư liệu địa chí, triển lãm thư pháp và sắc phong của các tỉnh: Thanh Hóa, Thừa thiên-Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh v.v... mấy năm trở lại đây, được coi như tiêu biểu cho hoạt động triển lãm địa chí & thư pháp ở hệ thống TVCC Việt Nam. Với sự đồng thuận, nhất trí cao từ Ban lãnh đạo Liên hiệp đến các thư viện thành viên, ba thập kỷ qua, Liên hiệp thư viện Bắc miền Trung đã tổ chức được nhiều hoạt động phong phú và bổ ích, thiết thực, bàn về những vấn đề quan trọng, bức xúc của ngành như: chuyển đổi số, hiện đại hoá công tác thư viện, xã hội hoá hoạt động thư viện, củng cố & phát triển thư viện cấp huyện và cơ sở v.v...

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến một vấn đề khá quan trọng là đầu tư cơ sở vật chất và hiện đại hoá thư viện ở một vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn: Bắc miền Trung “đầy nắng và gió”. Đáng mừng là, Liên hiệp Bắc miền Trung cũng đã có bước chuyển mình rất ngoạn mục, phát triển nhanh chóng về đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện. Nếu như năm 1993, khi mới thành lập Liên hiệp, cả khu vực mới có một thư viện tỉnh có trụ sở bề thế, khang trang (đó là Thư viện tỉnh Thanh Hóa), thì đến nay sau ba thập kỷ, chúng ta vui mừng được chứng kiến sự đổi thay lớn lao: đã có tất cả 6 thư viện tỉnh được xây mới, khang trang, đẹp đẽ (với bình quân mức đầu tư kinh phí từ 50 đến 80 tỉ đồng/thư viện). Đặc biệt, Thư viện tỉnh Thanh Hóa năm 2013 được đầu tư xây dựng mới với kinh phí gần 200 tyỉ đồng. Nhiều thư viện cấp huyện trên địa bàn cũng được quan tâm đầu tư cho phát triển: Xây mới trụ sở, tăng thêm kinh phí, tăng cường cán bộ, vốn sách báo, tài liệu. Chính sự quan tâm, đầu tư to lớn của các cấp chính quyền địa phương6 tỉnh Bắc miền Trung, đã góp phần làm thay đổi diện mạo hoạt động thư viện, hướng tới hiện đại hoá công tác thư viện. Và điều đó cũng là minh chứng thuyết phục là: Pháp lệnh Thư viện (trước đây); Luật Thư viện (ngày nay) đã, đang hiện hữu và đi vào cuộc sống.

Ba thập kỷ qua, việc ứng dụng CNTT trong thư viện của Liên hiệp Bắc miền Trung cũng đã đạt được những kết quả khả khả quan. Nhiều thư viện Bắc miền Trung đã tranh thủ được nguồn ngân sách của TƯ và của địa phương cho việc đầu tư công nghệ, mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại và ứng dụng máy tính hiệu quả trong tác nghiệp thư viện: Đã tạo lập được hàng chục vạn biểu ghi, số hóa được hàng vạn trang tư liệu, tổ chức kho sách báo/tổ chức phục vụ bạn đọc theo hướng mở & hiện đại; triển khai hoạt động chuyển đổi số, tiếp cận và chia sẻ nguồn lực thông tin với các thư viện thành viên trong Liên hiệp và trong hệ thống TVCC cả nước.

Thời gian không ngừng trôi, 30 năm qua, đội ngũ cán bộ thư viện của Liên hiệp đã có bước trưởng thành và không ngừng lớn mạnh. Những lớp tập huấn do Liên hiệp Bắc miền Trung tổ chức (hoặc đi dự các lớp tập huấn do Thư viện Quốc gia hay Vụ Thư viện tổ chức), cùng nhiều chương trình tham quan thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên trong Liên hiệp, đã góp phần quan trọng để nâng cao tay nghề & trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm công tác cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, mà nếu như thiếu bầu không khí sinh hoạt chung ấy – một không khí thật sự thân mật, gần gũi, đoàn kết và gắn bó thắm tình đồng nghiệp, đồng chí - chưa chắc chúng ta có được kết quả như ngày hôm nay.

Những đóng góp tích cực và hiệu quả của Liên hiệp Thư viện Bắc miền Trung - Anh 2

Các đại biểu dự Hội nghị và Toạ đàm chụp ảnh lưu niệm

Cùng đồng hành với sự nghiệp thư viện cả nước, hoạt động của Liên hiệp thư viện Bắc miền Trung những năm tháng qua đã có sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc. Những phần thưởng cao quí mà Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL cũng như UBND tỉnh trao tặng cho các đơn vị thư viện/ cũng như cá nhân trong Liên hiệp thời gian qua (Huân chương Lao động, Bằng khen của Chính phủ, Cờ Thi đua xuất sắc, Bằng khen của Bộ VHTTDL, của UNND tỉnh) trong suốt 3 thập kỷ qua, là một minh chứng hùng hồn cho điều đó.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta cũng thấy là hoạt động của Liên hiệp thư viện Bắc miền Trung thời gian gần đây cũng còn có những hạn chế nhất định, đó là: Vài năm gần đây, việc tìm tòi, đổi mới hình thức hoạt động chung của Liên hiệp chưa thực sự được chú trọng (cho dù có lúc đã mở rộng biên độ và nội dung hoạt động). Song 1 số hoạt động chuyên môn, đôi khi còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa sáng tạo, đột phá, nên hiệu quả chưa cao.

Sự phát triển của các thư viện trong Liên hiệp chưa thực sự đồng đều. Có những thư viện hoạt động tốt như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa thiên Huế, song những năm trước đây, còn có thư viện do trụ sở chật hẹp, thiếu cán bộ, ít kinh phí, vốn tài liệu hạn chế, nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc &nhân dân trên địa bàn (Quảng Bình, Quảng Trị...).

Việc ứng dụng CNTT, xây dựng Thư viện điện tử, thư viện số trong các thư viện của Liên hiệp nhìn chung tiến độ còn chậm và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều thư viện tỉnh cũng chưa chủ động, chưa quyết liệt triển khai mạnh mẽ các dự án cho việc hiện đại hoá thư viện, nên chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của địa phương về lĩnh vực này.

Vì vậy, để góp phần định hướng cho hoạt động của Liên hiệp thư viện Bắc miền Trung trong thời gian tới (CMCN 4.0, kỷ nguyên số), đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước, của ngành thư viện Việt Nam, xin đề xuất mấy ý kiến như sau:

Một là, lãnh đạo các Thư viện các tỉnh Bắc miền Trung cần quán triệt đầy đủ các VBPQ của Nhà nước và Chính phủ; của UBND các tỉnh trong Liên hiệp về công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc (Luật TV, QĐ. 329, QĐ 206 của Thủ tướng chính phủ, của Bộ VHTTDL, các Bộ/ngành TƯ...).

Hai là, hoạt động Liên hiệp thư viện cần duy trì thường xuyên, liên tục, hướng vào mục tiêu chung của Liên hiệp, vào các hoạt động chung của Bộ VHTTDL. Cần tìm tòi, đổi mới các hình thức hoạt động-nhất là đổi mới tư duy-sao cho hữu ích, thiết thực, hiệu quả. Tránh tình trạng phô trương, hình thức.

Ba là, cần tăng cường đoàn kết, hiểu biết và giúp đỡ lần nhau giữa các thư viện thành viên trong Liên hiệp/giữa các Liên hiệp trong cả hệ thống TVCC. Tích cực giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, kể cả những kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ -nhất là Chuyển đổi số-trong một “sân chơi” bình đẳng, cùng có lợi.

Bốn là, cần tranh thủ nhiều hơn nữa sự quan tâm, chỉ đạo, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan TƯ và lãnh đạo các ban, ngành địa phương cho hoạt động thư viện (cả về vật chất lẫn tinh thần), nhằm xây dựng, phát triển Liên hiệp Bắc miền Trung trở thành một trong những Liên hiệp thư viện mạnh, tiêu biểu của cả nước, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thư viện Việt Nam trong thế kỷ XXI.

NGUYỄN HỮU GIỚI, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

Ý kiến bạn đọc