Đi lên từ văn hóa

VHO - Quảng Ngãi đang triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Dự án 6) nhằm thực hiện các mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển bền vững; tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong xã hội, tiếp tục củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

 Đảm bảo triển khai chất lượng, hiệu quả

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi cho biết, thực hiện giai đoạn I của Dự án 6 (2021-2025), ngay từ đầu năm 2023, Sở VHTTDL đã ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án 6 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch thực hiện năm 2023”. “Với việc triển khai kế hoạch này, chúng tôi hướng tới mục tiêu tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong nhân dân”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.

Đi lên từ văn hóa - Anh 1

Nghề dệt thổ cẩm ở làng Leng

Sở VHTTDL Quảng Ngãi cũng xác định nội dung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị trực thuộc, các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện Dự án 6, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Theo kế hoạch này, bám sát vào nguồn ngân sách đầu tư của Trung ương và đối ứng của tỉnh, Sở VHTTDL đang triển khai dự án tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ với 3 địa điểm là Nhà lưu niệm Trần Quý Hai, Chòi canh Suối Loa và điểm di tích Hang Én. Ngoài ra, Sở VHTTDL đang xúc tiến thực hiện dự án khôi phục Làng văn hóa truyền thống dân tộc Co huyện Trà Bồng. 

Xác định việc thực hiện Dự án 6 góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đặc biệt cấp thiết và quan trọng, ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Tơ nói: “Hiện nay, ngoài nội dung đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt về Địa điểm Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, trên địa bàn huyện Ba Tơ còn 6 di tích quốc gia cũng rất cần có sự hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Bên cạnh đó, nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Hrê, có cảnh quan đẹp, hội tụ nhiều khả năng để phát triển du lịch cộng đồng”. 

Trong đó, làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) là làng duy nhất còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Cảnh đẹp ở làng Teng, các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê (di sản phi vật thể quốc gia) và nghề dệt thổ cẩm đã giúp làng phát triển du lịch cộng đồng, mang lại nhiều lợi ích bền vững cho người dân địa phương. Không ngần ngại, những người trẻ ở Ba Tơ đã chọn mô hình này để khởi nghiệp dựa trên thế mạnh sẵn có ở địa phương, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch vùng núi cao này.

Từ thủa lọt lòng người Hrê đã được nghe tiếng chiêng. Tiếng chiêng theo họ suốt cuộc đời, khi trưởng thành, lúc dựng vợ gả chồng và cả khi qua đời. Tiếng chiêng ba, vì thế, đã trở thành một món ăn tinh thần độc đáo trong đời sống hằng ngày của đồng bào Hrê. Bởi vậy, việc Sở VHTTDL, huyện Ba Tơ và các huyện vùng cao khác, mở nhiều lớp để các nghệ nhân dạy nghề dệt thổ cẩm, dạy đánh chiêng ba cho thế hệ trẻ và phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc Hrê là rất cần thiết, mang lại hiệu quả thiết thực. 

Trên địa bàn huyện Ba Tơ còn có nhiều thắng cảnh đẹp như: Thác nước Cao Muôn (xã Ba Vinh), Lũng Ồ (xã Ba Động), hồ Núi Ngang (xã Ba Liên), thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang)... cũng có thể kết nối với Khu di tích quốc gia đặc biệt về Địa điểm Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và các làng đồng bào dân tộc để hình thành các tour du lịch độc đáo, hấp dẫn. Ông Trần Văn Dũng cho biết: “Ba Tơ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Hrê, các danh lam thắng cảnh và những di tích lịch sử hiện có. Huyện cũng xác định phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang lại thu nhập cho người dân. Trước mắt, huyện tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia để khắc phục những vấn đề khó khăn về dân sinh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để vừa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế, du lịch bền vững...”.

Đi lên từ văn hóa - Anh 2

 Địa điểm hang Én thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Ba Tơ

Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với du lịch

Sở VHTTDL Quảng Ngãi đã và đang thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023 như: Tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định; tổ chức 2 cuộc kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn huyện Minh Long, Sơn Hà; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc Ca Dong; xuất bản sách Nghệ thuật trình diễn đấu chiêng của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh...

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, sau khi thực hiện kế hoạch năm 2023, Quảng Ngãi cố gắng đạt mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Cụ thể đến năm 2025, hằng năm sẽ tổ chức khảo sát, sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tổ chức bảo tồn 2 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm tổ chức lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức văn hóa xã, các nghệ nhân người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ 2 chương trình nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, kiến trúc truyền thống, trang phục truyền thống, các môn thể thao truyền thống). Xây dựng phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số cấp phát cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Định kỳ 2 năm/lần tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan các loại hình văn hóa nghệ thuật, hoạt động thi đấu thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tham gia ngày hội, giao lưu, liên hoan theo Đề án “Tổ chức định kỳ Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021-2030”. Hỗ trợ đầu tư bảo tồn 1 làng văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ xây dựng 5 tủ sách cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo một di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của dân tộc thiểu số. 

HOÀNG OANH

Ý kiến bạn đọc