“Gò Trụi” khí phách ngàn thu trận giặc “hè”

VHO- Từ lâu, Đốc binh Phan Ngọc Tòng được người dân Ba Tri - Bến Tre luôn tự hào khắc ghi một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận.

“Gò Trụi” khí phách ngàn thu trận giặc “hè” - Anh 1

Nhà bia lưu niệm

Trận giặc “hè” năm xưa do Đốc binh Phan Ngọc Tòng lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp đã vang danh nơi đất “Gò Trụi” ấp Giồng Gạch, thôn An Lái, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long. 
Đốc binh Phan Ngọc Tòng sinh năm 1818, còn gọi là Phan Tòng, là một hương giáo, quê ở thôn An Bình Đông, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay là thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). 
Tháng 6.1867, sau khi Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, Kinh lược Đại thần Phan Thanh Giản đã nhịn ăn 17 ngày và uống thuốc độc tuẫn tiết (8.1967). Từ trung tâm tỉnh Vĩnh Long, quân Pháp mở rộng hành quân lấn chiếm các cù lao của ta thuộc phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay là đất Bến Tre).
Ngày 9.11.1867 tại đình làng An Bình Đông (ngôi đình nay cạnh bệnh viện đa khoa Ba Tri), dưới sự chứng kiến của Nguyễn Đình Chiểu và nhân dân, hai anh em Phan Liêm và Phan Tôn (con trai thứ ba và thứ năm của Phan Thanh Giản) với vai trò là thủ lĩnh của nghĩa quân đã tiến cử Phan Ngọc Tòng làm Đốc binh. 
Mẹ mất chưa được 100 ngày, đầu còn đang chít khăn tang, nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, Phan Ngọc Tòng mạnh dạn trực tiếp lãnh đạo nghĩa quân. Ông nhậm chức được khoảng 7 - 8 ngày thì giặc Pháp mở cuộc hành quân về Ba Tri.

“Gò Trụi” khí phách ngàn thu trận giặc “hè” - Anh 2

Đốc binh Phan Ngọc Tòng 

Ngày 15.11.1867 sau khi Pháp bị đánh bại ở Hương Điểm (nay cách trung tâm tỉnh Bến Tre khoảng 10km), chúng đã mở cuộc tấn công bằng đường thủy từ Bến Tre kéo xuống Ba Tri, theo dòng sông Hàm Luông. 
Khoảng 4h chiều, chúng cập bến tại ấp An Thới, làng An Lái (nay là ấp Giồng Lân, xã An Hiệp), địch đã hành quân theo đường đất qua ấp An Lợi và ấp An Phú (nay là ấp Giồngg Ao và ấp Giồng Gạch xã An Hiệp), đến Giồng Gạch trời chập tối, chúng dừng chân ở đây và đóng quân trên một gò đất cao có ngôi miếu nhỏ thờ thần. Nghĩa quân đã cho người theo dõi chúng từ lúc cập bến sông Hàm Luông.

2h sáng ngày 16.11.1967 (nhằm ngày 21.10 năm Đinh Mão), nắm thời cơ địch vừa kéo đến, chưa kịp ổn định, Đốc binh Phan Ngọc Tòng chỉ đạo nghĩa quân đột nhập tấn công vào doanh trại của chúng. Trận đánh diễn ra cực kỳ ác liệt. Càng về khuya, nghĩa quân kéo đến càng đông và hai bên đánh giáp lá cà dữ dội. Dù chiến đấu rất dũng cảm nhưng lực lượng ít, giáo gươm không thể vượt qua súng đạn, Phan Ngọc Tòng đã anh dũng hi sinh cùng  các nghĩa sĩ, chỉ còn lại khoảng 40 người bị giặc bắt và thả ra sau đó. 
Với khẩu hiệu tấn công là "hè hè” để uy hiếp giặc, nên từ đó trong dân gian gọi trận đánh này là trận giặc "hè" và gọi địa danh gò đất nơi diễn ra trận đánh là "Gò Trụi" (hàm ý phần lớn nghĩa quân đã bị tiêu hao, không còn sống mấy người). Dân làng đưa thi hài Đốc Binh Phan Ngọc Tòng về  an táng tại quê nhà, cạnh đình làng An Bình Đông.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu khi hay tin liền làm 10 bài thơ điếu “Điếu Ba Tri Đốc binh Phan Công Tòng trận vong” với lời lẽ hết sức bi tráng. 

“Gò Trụi” khí phách ngàn thu trận giặc “hè” - Anh 3

Năm 2009, Khu lưu niệm lăng mộ Đốc binh Phan Ngọc Tòng được UBND tỉnh Bến Tre công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Đêm 30 rạng 31.1.1868 (nhằm đêm mùng 6 rạng mùng 7 tháng giêng năm Mậu Thìn), nhân ngày lễ “hạ nêu”, “khai hạ”, người dân địa phương đã tưởng nhớ Đốc binh Phan Ngọc Tòng và nghĩa quân không tiếc máu xương, vì dân, vì nước, hi sinh một cách oanh liệt, nên đã làm lễ “chiêu hồn” với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cầu cho các anh linh được siêu thoát để “Hộ quốc an dân”.
 Từ đó, ngày này được người dân duy trì hàng năm trở thành lệ, xem như giỗ hội để tưởng nhớ Phan Công và nghĩa binh ngã xuống trong trận giặc “hè” năm Đinh Mão. 
Năm 1999, chính quyền địa phương lập bia lưu niệm tại Gò Trụi. Năm 2007, di hài cụ Phan Ngọc Tòng được cải tán về “Gò Trụi” ấp Giồng Gạch (xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), nơi chiến trường xưa ông và các nghĩa quân đã hi sinh. 
Năm 2009, Khu lưu niệm lăng mộ Đốc binh Phan Ngọc Tòng được UBND tỉnh Bến Tre công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Sau 153 năm trận giặc “hè”, 5.12.2020 (ngày 21.10 năm Canh Tý), cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) lần đầu tiên tổ chức kỵ cơm cho cụ Phan Ngọc Tòng và những nghĩa sĩ hi sinh, theo nghi thức giỗ truyền thống của dân tộc. Ngày “Cúng lệ” - lễ “Chiêu hồn” cho Phan Công và nghĩa sĩ mùng 7 tháng Giêng âm lịch vẫn được tổ chức trang trọng hàng năm.

LƯU TRẦN TRÍ CƯỜNG

Ý kiến bạn đọc