Xung quanh thông tin sát nhập quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Cần xét đến đặc thù lịch sử - văn hóa

VHO- Quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của TP Hà Nội thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025 cùng với 176 xã trên địa bàn... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Hoàn Kiếm là quận đặc biệt, cần tính đến đặc thù lịch sử - văn hóa.

Xung quanh thông tin sát nhập quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Cần xét đến đặc thù lịch sử - văn hóa - Anh 1

 Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: TRỌNG ĐẠT

 Báo cáo tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, giai đoạn 2019-2021, TP đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm sáu xã và sáu phường; không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, trong giai đoạn 2023- 2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, Hà Nội có một đơn vị hành chính cấp huyện là quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.

Liên quan thông tin này, trao đổi với Văn Hóa, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Trước hết là chúng ta cần phải xem xét là năm tiêu chí đối với quận như thế nào? Thứ nhất, về dân số, quận phải có dân số lớn hơn 150.000 người: Với quận Hoàn Kiếm thì dân số biến động nhiều nhưng vẫn vượt. Thứ hai là về diện tích thì hiện nay quận Hoàn Kiếm chỉ có gần 5,3 km2; như vậy mới chỉ đạt gần 1/7 so với quy định. Thứ ba là số đơn vị hành chính thì mỗi quận thì ít nhất phải có 12 phường còn quận Hoàn Kiếm từ năm 1981 đến nay có 18 phường, phù hợp với quy định. Tiêu chí thứ tư là cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thì Hoàn Kiếm là một đơn vị cấp quận có sự tăng trưởng cao. Ví dụ thu nhập bình quân đầu người theo tiêu chuẩn là bằng 1,05 lần cả nước; nhưng quận Hoàn Kiếm cao hơn rất nhiều, gần bằng 1,5 lần cả nước. Cùng với đó, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp ở quận Hoàn Kiếm cũng vượt quy định. Tiêu chí thứ năm là cơ sở hạ tầng như các công trình nhà kiên cố, công trình giáo dục, y tế, giao thông… quận Hoàn Kiếm đều đạt. “Như vậy trong năm tiêu chí về đơn vị hành chính cấp huyện của quốc gia thì chỉ có tiêu chí diện tích là cần phải cân nhắc so sánh. Nhưng trong các văn bản pháp lý và Nghị quyết thì quy trình thực hiện cũng được linh động”, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, căn cứ vào các quy định, vào sự cần thiết phải điều chỉnh, sáp nhập thì yếu tố diện tích cần được xem xét từ quá trình lịch sử. Cùng với đó là vấn đề văn hóa, kinh tế - xã hội cũng như là vị trí của quận trong mối tương quan với Hà Nội. Bên cạnh đó, khi đề xuất sáp nhập thì cần phải xem xét, đánh giá tác động khi sáp nhập. “Ngay trong Nghị quyết 35 cũng quy định các trường hợp đặc biệt, tức là không nhất thiết phải tuân thủ hoàn toàn các cái tiêu chí này. Chẳng hạn ở khu vực miền núi, vùng cao hoặc ở khu vực đặc biệt về di sản văn hóa, về yếu tố lịch sử, du lịch... Do đó, quận Hoàn Kiếm hoàn toàn nằm trong vùng đặc thù, không phải là một đơn vị hành chính địa phương đơn thuần như các nơi khác”, KTS Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ.

Phân tích về tính đặc thù, vị chuyên gia cho rằng, trong các văn bản định hướng về quy hoạch đã xác định quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính - chính trị của Thủ đô, là khu vực mang đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến. Và sau khi mở rộng vào năm 2008 thì lại xác định rằng nơi đây là khu bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long; bảo tồn giá trị truyền thống của người Hà Nội; là nơi tôn vinh các giá trị văn hóa lịch sử, khu phố cổ, khu phố cũ, khu Hồ Gươm và phụ cận… Khi mà hòa bình lập lại, Hà Nội chỉ chia ra làm bốn quận nội thành và bốn quận ngoại thành nhưng đều gọi bằng số từ quận 1 đến quận 4. Năm 1961 khi mở rộng TP Hà Nội lần thứ nhất thì chia ra làm bốn khu nội thành và bốn huyện ngoại thành; trong đó bốn khu nội thành được đặt tên là khu Hoàn Kiếm, khu Ba Đình, khu Đống Đa, khu Hai Bà Trưng.

Vì vậy, Hoàn Kiếm là cái tên lịch sử đã có cách đây vào khoảng 70 năm. Sau đó đến năm 1991, bốn khu nội thành được chuyển thành bốn quận và chính thức có tên quận Hoàn Kiếm. Điều này cho thấy cái tên Hoàn Kiếm được gắn với lịch sử phát triển Hà Nội, gắn với lại quá trình tổ chức chính quyền địa phương. “Cho nên quan điểm của tôi là nên giữ lại cái tên Hoàn Kiếm cùng với ranh giới như nó đã xác định từ năm 1978 đến nay”, KTS Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ quan điểm.

Đồng tình với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 quy định về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là cần thiết, tuy nhiên nguyên đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, thực thi nó như thế nào thì phải dựa trên thực tế. Bởi vì quận Hoàn Kiếm dù rõ ràng không đủ tiêu chuẩn về mặt diện tích, nhưng dân số thì quá thừa. Trong quản lý hành chính không chỉ nhìn ở khía cạnh đất đai mà còn ở góc độ con người. “Quan trọng nhất chính là quản lý con người. Quản lý đất đai là quản lý tài sản sử dụng cho tốt nhất, có hiệu quả nhất, tránh thất thoát là đúng. Thế nhưng quản lý con người làm sao phục vụ họ thỏa mãn được những nhu cầu chính đáng của đời sống mới là quan trọng”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói và cho biết: Bên cạnh đó, thực tế cho thấy không chỉ Hà Nội, TP.HCM mà một số tỉnh, thành khác cũng đề xuất yếu tố đặc thù, không lẽ một quận nằm trong không gian lịch sử - văn hóa đậm đặc như quận Hoàn Kiếm lại không được tính đến? Do đó, với một chủ trương lớn như thế, Hà Nội cần có tư duy biện chứng, đồng thời nên lấy ý kiến nhân dân, Hội đồng nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp để tìm được tiếng nói đồng thuận. “Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, quận Hoàn Kiếm cũng như một vài quận khác của Hà Nội, trong đó có quận Ba Đình là cốt lõi của Hà Nội, là lịch sử - văn hóa thì phải được nhìn nhận trên yếu tố đặc thù”, ông Dương Trung Quốc nêu.

Được biết, thông tin về việc quận Hoàn Kiếm trong diện phải sáp nhập mới chỉ nằm ở giai đoạn rà soát. Vấn đề này sẽ do TP Hà Nội căn cứ vào quy định và xem xét theo thẩm quyền. Theo quy trình, Hà Nội sẽ xây dựng phương án tổng thể, sau đó gửi về Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu về từng phương án cụ thể. 

 Thực tế cho thấy không chỉ Hà Nội, TP.HCM mà một số tỉnh, thành khác cũng đề xuất yếu tố đặc thù, không lẽ một quận nằm trong không gian lịch sử - văn hóa đậm đặc như quận Hoàn Kiếm lại không được tính đến?

(Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam DƯƠNG TRUNG QUỐC)

 

 NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc