Hội thảo khoa học “Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường”

VHO - Sáng 30.7, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức hội thảo khoa học “Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường”. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để huyện Thọ Xuân và ngành Văn hóa xây dựng các đề án bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa to lớn Vạn Lại - Yên Trường, từng bước đưa khu di tích Vạn Lại - Yên Trường trở thành Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Hội thảo khoa học “Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường” - Anh 1

Toàn cảnh hội thảo

Theo sử sách ghi lại, xã Xuân Châu, Thọ Minh (nay là xã Thuận Minh) và Thọ Lập thuộc vùng đất Vạn Lại - Yên Trường - nơi nhà Lê Trung Hưng lựa chọn để xây dựng Kinh đô, khôi phục triều Lê. Năm 1546, với con mắt của nhà chiến lược quân sự, Thái sư Trịnh Kiểm tìm đến sách Vạn Lại để lập hành điện. Năm 1553, cho rằng đất Vạn Lại gần Lam Kinh, địa thế chật hẹp nên Trịnh Kiểm cho dời hành điện đến vùng đất Yên Trường. Trong khoảng 50 năm thời Nam - Bắc triều, Vạn Lại - Yên Trường thực sự đóng vai trò là kinh đô của nhà Lê Trung Hưng. Do vị trí và tính chất là kinh đô của một Vương triều thời đầu nhà Lê Trung Hưng, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường được xây dựng đầy đủ của một kinh đô như cung đình, đàn tế Nam Giao, trường thi, phố xá, quán hàng... Trải qua bao thăm trầm, di tích Vạn Lại (nằm trên đồi ông đá thuộc xã Thuận Minh) chỉ còn nền móng cung điện với hai cặp voi và ngựa đá được chế tác từ đá xanh nguyên khối và những mảnh vỡ từ gạch, ngói. Có thể nói, Vạn Lại là đất căn bản vững chắc, gắn với sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Còn Yên Trường giữ vị trí chiến lược quan trọng trong bảo vệ kinh đô Vạn Lại từ xa. Với những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu gắn với một giai đoạn lịch sử của đất nước, ngày 4.5.1995, di tích đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cần được bảo vệ và phát huy tác dụng.

BTC Hội thảo đã nhận được 21 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa đề cập đến vai trò của các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung Hưng và vai trò quan trọng của vùng đất kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Thọ Xuân) trong giai đoạn 1546-1593. Tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định: Kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường là một quần thể di tích lớn, gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt và quan trọng của nhà Hậu Lê. Từ các nguồn tư liệu khảo cổ học, sử học và văn hóa dân gian, bước đầu cho phép nhận diện diện mạo một kinh đô gắn với bối cảnh chặng đường khởi đầu triều đại Lê Trung Hưng ở Việt Nam, làm cơ sở lịch sử, khoa học cho quá trình nghiên cứu xây dựng một lễ hội truyền thống vừa mang tính cung đình, vừa mang tính văn hóa dân gian. Điểm mới và hấp dẫn của hội thảo lần này là các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu, bàn luận đến “phần hồn” của khu di tích - đó là lễ hội truyền thống. Đây là bước đi quan trọng, để trong tương lai gần khu Di tích lịch sử - văn hóa Vạn Lại - Yên Trường được đề nghị công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cao hơn là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.

Các nhà khoa học cũng cơ bản nhất trí những định hướng chính cho cách thức tổ chức thực hành nghi lễ và Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường. Trong đó, lựa chọn tên gọi của lễ hội là: Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường hay Lễ hội kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường; lấy ngày đại kỵ vua Lê Trang Tông (29 tháng Giêng) làm ngày chính hội. Địa điểm chính tổ chức tại đồi voi đá ngựa đá, vị trí thứ hai tạo mối kết nối cho diễn trình lễ hội là khu vực được xác định tại địa điểm có dấu tích Đàn Nam Giao.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc