Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Linh thiêng Đền Và

Thứ Tư 01/02/2023 | 15:43 GMT+7

VHO- Đền Và hay còn gọi là Đông Cung tọa lạc tại thôn Vân Gia (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây)  là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt. Đền Và được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1964 và là một địa điểm linh thiêng, danh thắng thu hút nhiều du khách mỗi khi đến thăm vùng đất Sơn Tây- xứ Đoài.

Truyền thuyết kể rằng, sau khi giúp dân khai sơn, trị thủy, Đức Thánh Tản Viên thường du ngoạn bốn phương, hỏi thăm dân tình. Một lần Ngài nhằm hướng mặt trời mọc đi đến quả đồi thấp ven dòng sông Tích. Thấy đây là nơi thắng địa, Ngài dừng chân nghỉ ngơi vừa lúc trên trời xuất hiện đám mây ngũ sắc từ phía núi Ba Vì bay tới kịp che mát một vùng. Ngài cho đó là điềm lành, bèn cho lập tại chỗ một hành cung đặt tên là Vân Già đông thần cung. Nơi ấy nay là Đền Và. Dân sở tại, dựa vào sự tích đám mây lành (chữ Hán là Vân già) xuất hiện trên bầu trời quê mình mà đặt tên là làng Vân Gia. Từ đó, dân làng làm ăn phát đạt, càng chăm sóc việc hương khói thờ phụng Thánh Tản. Văn bia Vân Già đông thần cung dựng ở đầu hồi nhà tiền bái được làm năm Tự Đức thứ 36 (1884) còn ghi lại sự kiện này.

Đền Và tọa lạc trên một gò đất rộng, thấp hình con rùa đang duỗi bốn chân hướng về phía mặt trời mọc. Đền có diện tích 2000m2, được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, mang đậm bản sắc kiến trúc phương đông. Quần thể di tích Đền Và gồm các công trình như: Nghi Môn, lầu Cô Chín, sân Long hóa, Gác Chuông, Gác Trống, Tả - Hữu mạc, Tiền Tế, Thượng Điện, Hậu Cung, Nhà kiệu... Đền Và là nơi thờ Tam vị Đức Thánh Tản, sắc phong Tam vị Quốc chúa thượng đẳng thần gồm Thánh Tản Viên và hai người em con chú là Thánh Cao Sơn và Thánh Quý Minh.  Trong đó Thánh  Tản Viên được coi là Đệ nhất phúc thần hay còn gọi là Nam thiên thần tổ -  vị thánh đứng đầu trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Ngoài thờ tam vị Đức Thánh Tản, Đền Và còn thờ Đức Quốc Mẫu bà Đen ở gian hậu cung là thân mẫu Thánh Tản Viên. Gian nhà ngoài của hậu cung còn có 4 pho tượng, tạc ở tư thế đứng, tay cầm vũ khí cổ, ngoài khoác áo bào đỏ. Bốn pho tượng này được gọi là Tứ thành trấn ở 4 cung quanh núi Ba Vì, nơi đặt đại bản doanh của Đức Quốc Mẫu và Tam vị Đức Thánh Tản. Cái hồn của Đền Và chính là câu chuyện trị thủy lấy gốc tự mạch núi của Thánh Tản. Đó là nghĩa sâu xa của triết lý non nước ẩn trong nền văn minh lúa nước của người Việt cổ. Đức Thánh Tản trở thành một vị phúc thần thiêng liêng luôn phù trợ tai họa, mang điều tốt lành đến cho nhân dân. Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý, gồm 5 bản thần tích “Tản Viên Sơn Thánh”; 18 đạo sắc phong qua các đời vua, 47 đôi câu đối được chạm khắc, viết trên vách cột, trên gỗ và 18 bức hoành phi viết trên gỗ hoặc đá. Trên những hiện vật quý có khắc ghi thời gian xây dựng, tu sửa, ca ngợi cảnh quan, uy linh của đức Thánh Tản Viên với nhiều nét trang trí có giá trị mỹ thuật cao.

Đặc biệt, Đền Và được xây dựng trên quả đồi toàn những cây lim cổ thụ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Khu rừng lim cổ thụ tại Đền Và gồm 242 cây nằm trên diện tích rộng tới 6ha. Có những gốc lim to, đường kính hơn 1m, phải 2 đến 3 người ôm mới xuể. Bao quanh kiến trúc Đền Và là bức tường đá ong sẫm màu rêu phong, mang dáng nét rất riêng của kiến trúc xứ Đoài.

 Lễ hội Đền Và được tổ chức xuân thu nhị kỳ và định kỳ ba năm một lần vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu, chính quyền địa phương và dân làng lại tổ chức hội lớn với sự tham gia của 8 làng cùng thờ Đức Thánh Tản gồm: Vân Gia, Cầu Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Ái Mỗ - thuộc phường Trung Hưng, các làng Phù Sa - phường Viên Sơn, Phú Nhi - phường Phú Thịnh và làng Duy Bình thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ diễn lại sự tích này rồi quay trở lại đền Và. Lễ hội Đền Và là lễ hội lớn nhất của xứ Đoài. Vì vậy, dân gian tương truyền câu ca: “Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng Giêng Đền Và...”.   

 

Chính hội vào ngày Rằm tháng Giêng nhưng từ ngày 13 nhân dân trong vùng đã lên đền làm lễ “tước thảo” - lễ cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh. Ngày 14 tháng Giêng làm lễ “phong triều” (mặc áo, đội mũ) cho Đức Thánh ở trong hậu cung, sau đó dựng cờ hội và mở cửa nghi môn chính thức khai hội. Vào giờ Sửu ngày Rằm, các cụ sẽ làm lễ phụng nghinh rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản ra ngoài kiệu chính.

Thứ tự đoàn rước gồm có kiệu lễ hoa quả của thôn Vân Gia, tiếp đến là kiệu quả của các thôn phường Trung Hưng, Phù Sa (phường Viên Sơn) và Phú Nhi (phường Phú Thịnh). Ba cỗ kiệu chính đi sau cùng. Đi cùng đoàn rước là đội múa rồng cùng các đội bát bửu, lộ bộ, đội nhạc, đội tế, đội dâng hương. Hình thức rước phản ánh tục “cầu nước” và múa rồng là biểu trưng cho sự vận động của bầu trời, người dân diễn tích này cầu cho mưa thuận, gió hòa. Trên đường đi, các đình, đền, chùa và nhân dân hai bên đường bày hương án, dâng hương hoa lễ vật lên Đức Thánh để lễ tạ tri ân Người. Đến mỗi ngã tư lớn, các kiệu chính lần lượt được quay ba vòng rồi tung lên cao ba lần trong tiếng reo hò của hàng vạn người. Già, trẻ, gái, trai, nhất là những trẻ biếng ăn, chậm lớn, người già yếu, bệnh tật từ các gia đình hai bên phố đua nhau chui ngang qua gầm kiệu vài lần để cầu Thánh ban cho sức khoẻ. Tục chui kiệu trở thành một nét độc đáo trong lễ rước Thánh Tản Viên.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, mỗi ngày đều có một buổi tế xin thần linh thấu hiểu ước vọng của con người. Đặc biệt, nước cúng tế trong lễ hội Đền Và chỉ lấy ở sông Hồng - con sông lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của cư dân Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, vùng đất xứ Đoài nói riêng. Lễ “mộc dục” tại Đền Ngự Dội diễn lại sự tích liên quan tới Tản Viên Sơn Thánh, là biểu hiện của nghi lễ cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Di tích Đền Và và lễ hội Đền Và có mối quan hệ mật thiết, đó là sự kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Với những giá trị văn hóa lịch sử quý giá, ngày 19.1.2016, lễ hội Đền Và đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Xuân Quý Mão 2023, lễ hội Đền Và vào kỳ chính hội và được tổ chức với quy mô lễ hội vùng. Lễ hội diễn ra từ chiều 4.2 đến sáng 7.2.2023 (chiều 14 tháng Giêng đến sáng 17 tháng Giêng năm Quý Mão) với các nội dung: khai mạc lễ hội (ngày 4.2.2023, tức 14 tháng Giêng năm Quý Mão) với các nghi thức: lễ phong triều, khai mạc lễ hội, lễ dâng hương. Lễ rước vào ngày 5.2.2023 (15 tháng Giêng năm Quý Mão), từ Đền Và - đường Đền Và - ngã tư Đồng Bưởi - phố Vân Gia - phố Quang Trung - phố Nguyễn Thái Học - phố Phan Chu Trinh - phố Phó Đức Chính - phố Lê Lợi - bến sông Hồng (địa phận thuộc TDP Hồng Hậu - phường Phú Thịnh) - qua sông Hồng sang đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh - huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc).  Từ khoảng 11h - 13h30 phút: Lễ tế Thánh tại đền Ngự Dội. Từ khoảng 14h30 phút - 17h: Đoàn rước từ đền Ngự Dội ngược theo lộ trình cũ, rước kiệu trở về Đền Và, sau đó làm lễ yên vị tại Đền Và.

 Lễ tế chính tại Đền Và diễn ra ngày 6.2.2023 (ngày 16 tháng Giêng năm Quý Mão). Lễ tế tạ và kết thúc lễ hội vào sáng 7.2.2023 (17 tháng Giêng).

Phần hội diễn ra từ chiều 4- 7.2 (tức 14 -17 tháng Giêng) với các trò chơi dân gian tại khu đồi Lim - Đền Và. Đêm văn nghệ quần chúng diễn ra tối 14 tháng Giêng tại khu vực bãi xe Đền Và.

Để lễ hội Đền Và năm 2023 diễn ra an toàn, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của quần chúng nhân dân, Thị ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức và tham gia các hoạt động lễ hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội Đền Và. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa được các ngành chức năng đẩy mạnh. Các hiện tượng mê tín dị đoan như đốt đồ mã, xóc thẻ, bói toán, cờ bạc, chèo kéo ép khách được khắc phục, hạn chế. Quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm, khu vực ăn uống, kinh doanh sản phẩm văn hóa, các điểm trông giữ xe… cơ bản được bố trí hợp lý. Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, quảng bá, giới thiệu di tích, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ được BTC lễ hội đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hành hương, trẩy hội. 

ĐỖ THỊ TUYẾT NHUNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top