Du lịch Đông Nam Bộ : Thiếu “đủ thứ” để thu hút khách quốc tế

VH- Dù lượng khách mỗi năm một tăng cao nhưng du lịch vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) vẫn đang thiếu “nhiều thứ” để đủ sức hấp dẫn khách quốc tế.

Du lịch Đông Nam Bộ : Thiếu “đủ thứ” để thu hút khách quốc tế - Anh 1
 

Thống kê của ngành du lịch năm 2017, tổng lượng khách đến khu vực ĐNB (gồm 6 địa phương là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh) ước khoảng 40 triệu lượt khách, thế nhưng trong đó khách nội địa đã chiếm hơn 75%, còn lại là lượng khách quốc tế; tuy nhiên số lượng (khách nước ngoài cao cấp chi tiêu cao) chủ yếu tập trung ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, còn lại các địa phương khác trong vùng lượng khách này vẫn còn rất khiêm tốn. Các chuyên gia cho rằng sự phân bố khách quốc tế không đều trong vùng là vô cùng “phí phạm”, bởi nếu các địa phương còn lại biết “tung chiêu” thu hút thì khách quốc tế sẽ mang lại những cái lợi vô cùng to lớn cho nền kinh tế. Vùng ĐNB hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng, vườn quốc gia, hệ thống di tích văn hóa lịch sử, về nguồn, du lịch MICE, mua sắm, ẩm thực… Thế nhưng do sự phát triển manh mún, mạnh tỉnh nào nấy làm, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương với hai trung tâm du lịch lớn là TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, nên đến nay vẫn chưa có những sản phẩm chung gắn kết liên tuyến đủ sức hấp dẫn khách quốc tế. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu sự phân công đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trùng lặp về sản phẩm du lịch… dẫn đến ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư và tính hấp dẫn chung của cả vùng.

Du lịch Đông Nam Bộ : Thiếu “đủ thứ” để thu hút khách quốc tế - Anh 2

Ngoài TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, các địa phương vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để thu hút khách quốc tế Ảnh: T.L

Nhiều ý kiến đề xuất để du lịch ĐNB phát triển chuyên nghiệp và có sự thống nhất cao trong việc xây dựng sản phẩm chung, quảng bá tiếp thị, thu hút đầu tư… thì điều cần thiết nhất là có một “nhạc trưởng” đứng ra kết nối và điều phối các tỉnh thành. Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Sinh thái -Văn hóa - Lịch sử chiến khu D (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) cho rằng TP.HCM là cửa ngõ giao thông chính trong việc đón khách quốc tế của cả vùng nên rất phù hợp với vai trò này. Bên cạnh đó, các Hiệp hội Du lịch của các tỉnh, thành cũng phải chủđộng để kết nối trước, mặt khác phải ngồi lại với các công ty du lịch để căn cứ vào thế mạnh mỗi tỉnh mà tạo ra các tour liên tuyến tổng hợp nét độc đáo riêng biệt của mỗi địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng như tham quan, khám phá, mua sắm… của khách quốc tế.

Đại diện các công ty lữ hành có nhiều năm hoạt động tại khu vực ĐNB nói thẳng, ngoài TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua năng nổ đẩy mạnh các công tác quảng bá, tiếp thị du lịch đến các thị trường khách quốc tế như Hàn Quốc, Nga, Mỹ… thì các địa phương khác vẫn còn “bỏ ngỏ”. Do đó, các địa phương cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, các công ty du lịch sẽ chung tay quảng bá đến các thị trường nước ngoài biết đến nhóm sản phẩm này. Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, để du lịch ĐNB bứt phá thì phải gấp rút đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, bởi theo thống kê từ Tổng cục Du lịch nếu khu vực TP.HCM hay Hà Nội mỗi năm có vài ngàn sinh viên học chuyên ngành du lịch thì riêng các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh thì mỗi năm chỉ lưa thưa vài chục sinh viên theo học ngành du lịch. Với sự phát triển nhanh và mạnh của ngành du lịch ĐNB trong thời gian tới, việc thiếu hụt đội ngũ lao động giàu tay nghề, kinh nghiệm của mỗi địa phương sẽ làm yếu đi sức cạnh tranh của vùng. Vùng ĐNB phải tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, mở các lớp bồi dưỡng kĩ năng cho hướng dẫn viên cũng như chuẩn hóa giáo trình giảng dạy nâng cao tay nghề đội ngũ làm nghề du lịch, hướng tới xây dựng một lực lượng làm du lịch có tay nghề cao, có như vậy mới đủ nội lực để thu hút và phục vụ tốt du khách trong và ngoài nước.

Quốc Thái

 

 

Ý kiến bạn đọc