Đề xuất thực hiện chương trình “Nụ cười thân thiện”

VH- Trong Sách trắng Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) 2017 và kết quả VPSF năm 2017 (lần thứ 2) do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (DNT) và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI tổ chức vừa công bố thểhiện những cam kết cụ thể, mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.

Đề xuất thực hiện chương trình “Nụ cười thân thiện” - Anh 1

 Ảnh minh họa

Cam kết đóng góp 70 tỉ đồng để quảng bá du lịch

Khối doanh nghiệp tư nhân cam kết đến năm 2020 sẽ đóng góp 70 tỉ đồng vào Quỹ quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia; tham gia tích cực vào quảng bá du lịch ở các hội chợ du lịch quốc tế quan trọng. Đồng thời đề xuất thay đổi cơ chế, phương pháp thực hiện chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia; thực hiện chính sách cởi mở cho khách quốc tế đến Việt Nam. VPSF khuyến nghị Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ quảng bá xúc tiến du lịch và giải ngân ngay với ngân sách là 200 tỷ cho các hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia. Thành lập Hội đồng quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia (như ở nhiều nước du lịch phát triển) để quản lý và vận hành Quỹ. Hội đồng được tổ chức trên nền tảng hợp tác công- tư; huy động nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ Nhà nước, các doanh nghiệp và các chuyên gia; có quy chế sử dụng Quỹ một cách chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng, có kế hoạch và hiệu quả. Hội đồng quảng bá, xúc tiến điều phối sự phối kết hợp giữa các Bộ, địa phương có điểm đến du lịch trong việc quảng bá du lịch Việt Nam ra các thị trường trọng điểm.

VPSF cũng cam kết phối hợp với Chính phủ triển khai những biện pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp đối tác và du khách tại các quốc gia được áp dụng chính sách miễn thị thực và thị thực điện tử.

Đồng thời khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách thị thực hiện nay theo hướng cởi mở và ổn định hơn nhằm thu hút khách chi tiêu cao. Cụ thể là kéo dài ngày miễn thị thực cho nhóm 12 quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan) lên 30 ngày (đang áp dụng không quá 15 ngày); bãi bỏ quy định “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày) vì như thế sẽ không khuyến khích khách quay trở lại Việt Nam sau khi xuất cảnh sang nước thứ 3; kéo dài thời gian miễn thị thực đơn phương cho khách đến từ các thị trường đang áp dụng miễn một năm lên 5 năm.

Việc miễn thị thực sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, vượt xa những tác động không đáng kể từ nguồn phí visa. Vì thế, VPSF kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm 6 quốc gia được miễn thị thực đơn phương loại 30 ngày gồm 6 nước: Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ.

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về môi trường du lịch

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Du lịch và Lữ hành năm 2017 (2 năm xếp hạng một lần) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trên tổng số 136 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, các chỉ số về môi trường của Việt Nam đều đứng rất thấp: nạn phá rừng (103/136), hạn chế về xử lý nước (107), chất lượng hạ tầng du lịch (113), các quy định lỏng lẻo về môi trường (115), mức độ chất thải (128) và mức độ bền vững về môi trường (129). Vì thế, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam khuyến nghị Chính phủ cần đưa ra các quy định chặt chẽ, có chương trình giám sát thường xuyên, liên tục về môi trường du lịch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh thái. Theo đó, mọi vi phạm về môi trường (chặt phá rừng, phát thải chất rắn, săn bắt động vật hoang dã...) xảy ra ở địa phương nào thì cấp ủy, chính quyền địa phương đó và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Những vấn đề này cần được xử lý nghiêm để Việt Nam có tiến bộ vượt bậc về thứ hạng trong bảng xếp hạng về môi trường du lịch của WEF.

Bên cạnh đó, VPSF cũng đề nghị ngành Du lịch cần rà soát lại Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 bởi những mục tiêu được đề ra trước đây khá thấp, không đón bắt được xu thế phát triển và không còn phù hợp với những vấn đề mới đặt ra. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng quy hoạch du lịch, phát triển du lịch sinh thái bền vững tại các khu vực bảo tồn để tăng giá trị và hỗ trợ cho việc bảo tồn, khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch xanh và xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng quản lý môi trường du lịch cũng như tiến hành khảo sát, công bố kết quả xếp hạng “Điểm du lịch xanh- sạch- đẹp” thường niên.

Đề xuất thực hiện “Nụ cười thân thiện”

VPSF đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình “Nụ cười thân thiện” trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử cho người bản địa- chính quyền- doanh nghiệp- khách du lịch; ban hành quy định về công khai giá cả dịch vụ tại các điểm du lịch, xử phạt hành vi gian lận bán hàng và dịch vụ; chính quyền địa phương cần đưa ra các chế tài xử phạt nạn bán hành rong, chèo kéo, ép khách mua hàng, “chặt chém” khách du lịch...

Để tạo lập môi trường du lịch an toàn, VPSF cho rằng Chính phủ cần triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm du lịch; chính quyền địa phương có điểm đến du lịch đưa ra các biện pháp nhằm khống chế nạn cướp giật đồ của khách du lịch, nạn hành hung khách du lịch; quản lý đám đông, ùn tắc và an toàn cho khách ở điểm du lịch đông người, mùa cao điểm; ngành Du lịch cần đưa ra các biện pháp để quản lý và kiểm soát chặt chẽ loại hình sản phẩm du lịch mạo hiểm.

Khối doanh nghiệp tư nhân cũng cam kết đồng hành cùng Chính phủ nhằm thúc đẩy ngành Du lịch cải thiện xếp hạng về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam lên 6-10 bậc. Giảm chỉ số ấn tượng không tốt của khách du lịch quốc tế về du lịch Việt Nam từ 5- 10%; thu hút khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam nhiều hơn với chỉ số tăng từ 2- 4%. n

 THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc