Xây dựng trung tâm tập gym trong khuôn viên "Nhà di sản": “Cầm vàng lại để vàng rơi”!

VH- Một “Nhà di sản” đã từng được vùng Nord Pas de Calais (CH Pháp) hỗ trợ trùng tu nhằm bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của Huế, lại bị chính UBND phường Thuận Lộc “hợp tác” với một đơn vị tư nhân để xây dựng trung tâm tập thể thao. Tiếc cho một địa chỉ văn hóa

Những năm 1990, trước thực trạng nhiều nhà rường đặc trưng của xứ Huế bị xuống cấp, trong khi địa phương chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể thì một số cán bộ đã vận động phía Nord Pas de Calais (CH Pháp) hỗ trợ gần 50.000 Euro để trùng tu ngôi nhà rường truyền thống ở 117 Lê Thánh Tôn. Đây vốn là ngôi nhà rường của ông Trương Như Cương (1850-1926), người từng giữ chức Phụ chánh đại thần qua các triều vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân. Sau đó, ngôi nhà này được chuyển lại cho con trai là Trương Như Đính (1892-1970), là Thượng thư Bộ Kinh tế dưới thời nhà Nguyễn. Năm 1988, ngôi nhà được bán lại cho UBND phường Thuận Lộc.
Sau khi hoàn thành trùng tu, ngôi nhà này đã được đặt tên và gắn biển “Nhà di sản”- với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống của xứ Huế. Đây cũng trở thành địa chỉ văn hóa thu hút các du khách quốc tế đến tham quan.
Tuy nhiên, mới đây UBND phường Thuận Lộc đã cho phép thi công xây dựng một công trình được cho là trung tâm thể dục thể thao.
Có mặt tại “Nhà di sản” số 117 Lê Thánh Tôn (số cũ là 73, phường Thuận Lộc, TP Huế), chúng tôi đã chứng kiến cảnh thi công ồn ào, gấp rút của công trình được cho là trung tâm tập gym. Toàn bộ hàng rào bằng chè tàu, cổng nhà, bể nước và nhiều cây cối trong khuôn viên ngôi nhà rường này đã được “giải phóng mặt bằng”. Thay vào đó, một công trình có diện tích khoảng 400m2 (với 2 tầng) đang được thi công, và án ngữ toàn bộ “nhà di sản”. Phía bên trong ngôi nhà, hệ thống cấu kiện gỗ còn rất nguyên vẹn và có giá trị thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã chất đầy đồ dùng, hàng hóa và biến không gian ngôi nhà rường này không khác gì một nhà kho.
Theo một số người dân, công trình đang được thi công là trung tâm tập gym được một đơn vị tư nhân đầu tư.
Khi tận mắt chứng kiến cảnh thi công trung tâm tập gym, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa không khỏi tiếc nuối cho một địa chỉ văn hóa và cũng bày tỏ thái độ không đồng tình trước việc làm UBND phường Thuận Lộc. Ông Hoa nói: “Nhà di sản” là thành quả của việc kêu gọi quốc tế trong công tác trùng tu và bảo tồn di sản không chỉ ở Huế, mà còn ở Việt Nam. Như ở Hà Nội có “Nhà di sản” ở 87 Mã Mây (quận Hoàn Kiếm)- nơi Tổng thống Pháp từng ghé trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. Họ (UBND phường Thuận Lộc- PV) đã không tìm cách phát huy giá trị của thành quả đó mà còn phá đi…

Xây dựng trung tâm tập gym trong khuôn viên

Bên trong ngôi nhà di sản, ngổn ngang vật liệu và hàng hóa không khác gì một nhà kho 


Chủ tịch UBND phường: Chưa nghe nói trùng tu ngôi nhà bao giờ?
Nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý văn hóa và tham gia dự án “Nhà di sản” tại Huế cho rằng, việc làm của UBND phường Thuận Lộc là đi trái với những thành quả về vận động, bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống. Thế nhưng, trao đổi với phóng viên Văn Hóa chiều ngày 1.11, bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc lại khẳng định “chắc nịch”: “Không có chuyện phía CH Pháp tài trợ trùng tu ngôi nhà này. Nếu trùng tu thì phải thông qua phường vì ngôi nhà đã thuộc sở hữu của phường. Chỉ có thời gian từ 1996-2006, phía UBND TP Huế có yêu cầu phường cho Cơ quan Hợp tác quốc tế mượn ngôi nhà này làm văn phòng.
Thời gian đó, họ có sửa chữa một số hạng mục nhỏ để phục vụ nhu cầu của họ như xốc lại ngói để chống dột, làm lại nhà vệ sinh và lắp thêm bình nước nóng, chứ có trùng tu gì đâu. Họ cũng tự đặt tên là “Nhà di sản” chứ nó không liên quan gì đến di sản”- bà Cúc nói.
Về xây dựng trung tâm tập gym, bà Cúc nói đây là công trình thể dục thể thao của phường, được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Và vấn đề này đã được phía UBND TP Huế thống nhất bằng văn bản.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phản biện: Việc làm của UBND phường Thuận Lộc cho thấy không có sự nhất quán về chương trình bảo tồn nhà rường ở Huế. Đây là chương trình mà tỉnh đang đầu tư kinh phí khá lớn để thực hiện việc hỗ trợ trùng tu cho nhiều nhà rường đang xuống cấp.
Trong khi tỉnh thì triển khai bảo tồn và phát huy giá trị của nhà rường thì cấp phường làm theo hướng ngược lại. “Theo tôi, UBND TP Huế, mà cụ thể là Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế cần phải chỉ đạo thu hồi việc cho thuê sân vườn “Nhà di sản” để làm trung tâm thể thao này. Việc làm của UBND phường Thuận Lộc cũng làm mất niềm tin trong vận động tài trợ trong bảo tồn di sản văn hóa đối với đối tác nước ngoài”, ông Hoa nói.
Một cán bộ từng tham gia trong Ban quản lý dự án “Nhà di sản” này chia sẻ, khi bàn giao ngôi nhà cho UBND phường Thuận Lộc, phía dự án cũng yêu cầu họ phải bảo tồn và phát huy giá trị của “Nhà di sản”. Thế nhưng, giờ họ lại đi cho thuê đất sân vườn của ngôi nhà để làm một khu thể thao theo kiểu hiện đại. Việc làm này là không hợp tình, hợp lý. “Chỉ nên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại đây, tạo điểm đến văn hóa thu hút khách du lịch. Vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của nhà rường Huế, vừa giới thiệu “hình mẫu” về trùng tu nhà rường Huế mà phía đối tác Pháp đã hỗ trợ”, vị cán bộ này nêu ý kiến.

 
Sơn Thùy

Ý kiến bạn đọc