Bắc Giang: Thấy gì từ cuộc khai quật ở chùa Mã Yên?

VH- Cuộc khai quật khảo cổ đang diễn ra tại phế tích chùa Mã Yên thuộc xã Bắc Lũng (huyện Lục Nam, Bắc Giang) diễn ra trong gần một tháng qua đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị, là bằng chứng quan trọng về sự tồn tại một quần thể công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ gắn với Thiền phái Trúc Lâm từ nhiều thế kỷ trước.

Giữa cái nắng hanh hao ngày cuối tháng 10, chúng tôi cùng đoàn khảo cổ học (Viện Khảo cổ học VN) và cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang luồn lách dưới tán thông già lên đỉnh danh sơn Huyền Đinh tiếp cận công trường khai quật khảo cổ Mã Yên. Không chỉ được khám phá thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của quê hương, chúng tôi còn biết thêm nhiều thông tin về di sản văn hóa cổ xưa của cha ông và công việc thầm lặng của các nhà khảo cổ.
Đi tìm dấu cũ, nền xưa
Với hiện vật thu được, tài liệu lịch sử và đặc điểm trên, Mã Yên được cho là một trong những đại danh lam và có mối liên kết, chịu ảnh hưởng từ Thiền phái Trúc Lâm trong sơn hệ Yên Tử thời Trần.
Người dân bản địa giải thích, Mã Yên là tên một quả núi có hình giống với yên ngựa. Tại đây còn một số địa danh cổ như: Núi Hình Nhân (giống một người đang đứng), núi Con Voi, vực Rêu... xung quanh là những cánh rừng thông bạt ngàn, tất cả đều mang trên mình dấu vết thời gian và đầy chất huyền thoại. Câu chuyện của người dân về những cuộc đào bới tìm kiếm cổ vật trái phép trong quá khứ từng diễn ra tại đây càng khiến chúng tôi xót xa, nuối tiếc. Bà Vũ Thị Sang, thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng kể: Cách đây đã lâu, khi đi qua khu vực này người dân gặp nhiều di vật, vật cổ nằm ngổn ngang dưới xác lá rừng. Một số nhóm săn lùng đồ cổ, rồi người dân nghĩ có vàng bạc châu báu nên mang cả máy dò kim loại đến đào bới, khiến khu di tích bị tàn phá. Những câu chuyện đầy tính linh thiêng, ly kỳ, huyền bí của ngôi chùa được bà con truyền lại rất rành mạch.
Dù sử sách và một số tài liệu đã từng nhắc đến chùa Mã Yên nhưng chỉ khi được chứng kiến vô số hiện vật được khơi lên từ lòng đất, chúng tôi mới thực sự ngỡ ngàng về nền móng một quần thể kiến trúc cổ bị đổ nát giữa đại ngàn hoang vu. Những gì tìm thấy được là hệ thống chân tảng đá, vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, sành thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó sớm nhất là thời Trần.

Bắc Giang: Thấy gì từ cuộc khai quật ở chùa Mã Yên? - Anh 1

 Hiện vật ngói mũi sen trang trí hoa văn tìm thấy tại Mã Yên


TS Trịnh Hoàng Hiệp, Trưởng đoàn khai quật cho biết, điều đọng lại với đoàn khai quật là giá trị thông tin thu lượm được từ đợt khai quật. Từng hiện vật phát hiện được đều có giá trị thông tin đặc biệt, góp phần làm sáng tỏ mối liên hệ giữa di tích với các công trình khác thuộc Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử. Việc tìm kiếm, khai quật cũng rất chặt chẽ, thận trọng và tỷ mỷ, các hiện vật được phân loại thật chi tiết để biết được trên cùng công trình kiến trúc xuất hiện bao nhiêu loại vật liệu xây dựng trong mỗi thời kỳ nào. Mỗi viên cuội, mảnh gốm được vệ sinh, lập hồ sơ, báo cáo và sẽ đưa về Bảo tàng tỉnh quản lý.
Xứng là đại danh lam
Đầu năm nay, khi tổ chức khảo sát, thăm dò chúng tôi không hy vọng sẽ thu lượm được nhiều kết quả vì được biết các cuộc đào bới tìm cổ vật hay quá trình người dân canh tác đã nhiều lần tàn phá chùa nhưng kết quả đạt được khá bất ngờ”, TS Hiệp nói. Với diện tích khai quật 200m2, sau gần một tháng bước đầu các nhà khảo cổ học đã phát lộ rõ nhiều lớp kiến trúc, trong đó có nền móng, bình đồ kiến trúc hình chuôi vồ của ngôi thượng điện 3 gian hướng Nam như: Hệ thống bậc, thềm, cửa, chân tảng đá còn nguyên, ngói trang trí, bát, đĩa, chum lọ, cối đá… Ngoài ra còn thấy giếng cổ, dấu chân Phật trên đá, khu vực lân cận còn phát hiện nền móng những công trình kiến trúc quy mô lớn nằm rải rác trong không gian hàng nghìn m2. Nhận định sơ bộ, đoàn khai quật cho biết đó có thể là nơi ở của các nhà sư, nhà bếp, tòa tiền tế... Làm việc đến ngày thứ 8, đoàn phát hiện một hố sâu 1m có chôn nhiều mảnh chum, lọ. Theo TS Hiệp, hố này nhiều khả năng là vết tích của những kẻ săn lùng cổ vật đào bới rồi chôn các vật dụng xuống đó vì quá trình khai quật phát hiện có sự xáo trộn giữa các lớp sinh thổ. Theo cổ sử, chùa Mã Yên có từ thời Lý - Trần (thế kỷ XII - XIII) nhưng đến thời điểm hiện tại đoàn khảo cổ chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng để khẳng định công trình kiến trúc khởi dựng từ thời Lý. Với các vật liệu xây dựng, hoa văn trang trí tìm thấy có thể nhận biết được di tích đã trải qua ít nhất 3 mốc thời gian gồm thời Trần (thế kỷ XIII, XIV) với sự xuất hiện của chân tảng đá hình cánh sen, thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) với ngói mũi sen trang trí hoa văn như ý và cuối cùng là thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Điểm chung ở các ngôi chùa thời Trần là dựa vào núi, trước mặt hướng ra suối lớn, nằm trên đỉnh núi cao, xa khu dân cư (có ý nghĩa quan trọng về quân sự, hơn nữa tư tưởng Phật giáo thời bấy giờ chùa phải ở xa dân và lánh xa cuộc sống trần tục).

Bắc Giang: Thấy gì từ cuộc khai quật ở chùa Mã Yên? - Anh 2

 Công trường khai quật khảo cổ học tại Mã Yên


Với hiện vật thu được, tài liệu lịch sử và đặc điểm trên, Mã Yên được cho là một trong những đại danh lam và có mối liên kết, chịu ảnh hưởng từ Thiền phái Trúc Lâm trong sơn hệ Yên Tử thời Trần. Cơ sở để các nhà khoa học nhận định, chùa sử dụng hệ thống tường bao gỗ vì quá trình khai quật hầu như không xuất hiện gạch, rất có thể người xưa bạt núi xây chùa và tận dụng gỗ tại chỗ làm tường bao. Với những tấm ngói bản to, nặng tìm thấy được cho thấy, bộ chịu lực của kiến trúc như cột, vì, kèo khá lớn. Công trình sử dụng 2 loại đá, trong đó phần lớn đá tại chỗ để kè nền và có thêm đá sa thạch được chuyển từ nơi khác đến tạc chân tảng hoa sen. Các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm được lá đề, tháp mộ, đầu rồng, phượng như vẫn thấy ở các ngôi chùa thời Trần trước đây. Dù vậy rất có thể do công trình nằm trên sườn núi chênh vênh, độ dốc cao, qua nhiều thế kỷ các hiện vật bị trôi trượt.
Đợt khai quật khảo cổ tại Mã Yên vẫn chưa kết thúc, các thông tin thu được có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc… Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề đang là câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học.

 
Nguyễn Hưởng

Ý kiến bạn đọc