Những người thay thế chưa tới

Những người thay thế chưa tới

VH- Sách cho thiếu nhi vẫn sống khỏe trong bối cảnh thị trường sách đang gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, lực lượng nhà văn VN viết sách cho thiếu nhi vẫn còn thiếu hụt, còn nhiều khoảng trống đáng lo.

Thiếu vắng lực lượng viết sách thiếu nhi
Sách cho thiếu nhi vẫn luôn là thị trường tiềm năng và đầy sôi động trong mỗi dịp hè. Riêng năm 2016, NXB Trẻ tung ra thị trường sách hơn 800 đầu sách dành cho thiếu nhi, trong đó có khoảng 700 tựa sách là sách tái bản. Nói cho cùng, sách cho thiếu nhi không chỉ đem đến những kiến thức, những câu chuyện bổ ích, lý thú cho trẻ nhỏ mà hơn thế trong đời sống đương đại, sách là món quà được bố mẹ tin tưởng dành cho con cháu. Vì thế, đối với sách thiếu nhi thì có thể là những tựa sách cũ, những cuốn sách đã nằm lòng với nhiều thế hệ nhưng độc giả cũng dễ dàng đón nhận, mua sách cho các em thiếu nhi. Bên cạnh đó, sách thiếu nhi thường có hình thức trình bày, hình ảnh sống động và hấp dẫn cũng dễ được các bạn trẻ tiếp nhận, yêu thích hơn.
Văn học VN cũng đã "đóng đinh" những nhà văn sáng tác cho văn học thiếu nhi nổi tiếng như nhà văn Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa... "Địa hạt" văn học thiếu nhi cũng luôn được bồi đắp những cây viết giàu bút lực, luôn được độc giả đón nhận như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Hoàng Sơn, Bùi Chí Vịnh, Nguyễn Thị Châu Giang, Dương Thụy... Thế nhưng so với nhu cầu thực tế của các em thiếu nhi cũng như các đơn vị sản xuất, phát hành sách thì hiện nay "vùng đất" văn học thiếu nhi vẫn còn thiếu hụt một thế hệ, lực lượng người viết chuyên về lĩnh vực văn học thiếu nhi, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo độc giả nhí. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ nhìn nhận: "Hiện nay số lượng nhà văn viết cho trẻ em Việt còn quá ít, số lượng sách dành cho trẻ em hiện nay bị mất cân đối".
Không thể phủ nhận, nhiều nhà văn trẻ hiện nay cũng đã quan tâm đến sáng tác văn học cho thiếu nhi. Nhiều nhà văn trẻ sau những thành công ở các thể tài văn học như tiểu thuyết, truyện ngắn trinh thám... cũng đã "trở mình" sang với mảnh đất sáng tác văn học thiếu nhi. Có thể kể đến nhà văn Nguyễn Xuân Thủy với tác phẩm Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa, Đỗ Bích Thúy với Em Béo và Hội Cầu Vồng, Nguyễn Phan Quế Mai với Những ngôi sao trên bầu trời thành phố, Nguyễn Đình Tú với Ba nàng lính ngự lâm... Tuy nhiên, nhìn chung các nhà văn trẻ này chưa thật sự xem mảng đề tài văn học thiếu nhi là mảnh đất để gắn bó mãi mãi, chưa thật sự chuyên nghiệp để dành cả bút lực, tâm lực để trọn đời gắn bó với văn học thiếu nhi. Hơn thế, những đỉnh cao văn học cũng chưa gõ cửa với những tác phẩm của các tác giả trẻ này. Khoảng trống nữa chưa thể khỏa lấp là các tác phẩm văn học thiếu nhi của các nhà văn trẻ này chưa tạo thành một làn sóng văn học, chưa chiếm lĩnh được thị trường văn học thiếu nhi vẫn đang tràn ngập sách ngoại.

Những người thay thế chưa tới - Anh 1

Cần kích cầu cho tác giả sáng tác văn học thiếu nhi
Nói cho cùng, những câu chuyện dành cho tuổi ấu thơ lằn in trong tâm trí nhiều người và một khi cảm hứng ào đến, những nhà văn chuyên nghiệp hoàn toàn có thể sáng tác những tác phẩm văn học cho thiếu nhi. Nhưng đối với một nhà văn chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi thì không chỉ cần dành thời gian lớn trong văn nghiệp mà còn phải có những hư cấu, sáng tạo độc đáo. Nhà văn Phong Điệp khẳng định: "Khác với ý kiến cho rằng văn học thiếu nhi đang chịu nhiều sự lép vế và người viết cho thiếu nhi đang gặp nhiều khó khăn hơn các tác giả khác, tôi cho rằng thời điểm hiện nay đang có nhiều cơ hội mới mở ra cho mảng văn học thiếu nhi cũng như đối với những tác giả viết cho thiếu nhi".
Dù vậy, ở góc độ phát hành sách, sách thiếu nhi không chỉ đòi hỏi sách phải đẹp, trong khi độ dày cuốn sách thường mỏng nên giá thành không được quá cao... kích cỡ của cuốn sách thường khác lạ cũng là một khó khăn đối với các nhà làm sách cho thiếu nhi. Sự xuất hiện của các cây viết trẻ trong địa hạt văn học thiếu nhi dù chỉ le lói nhưng thực sự cần chú tâm chăm lo, bồi dưỡng, tập hợp để trở thành một lực lượng sáng tác đông đảo cho văn học thiếu nhi. Bà Nguyễn Thúy Loan, Trưởng ban Biên tập sách Văn học, NXB Kim Đồng nhìn nhận: "Tôi cảm thấy đội ngũ tác giả trẻ của văn học thiếu nhi rất đang kỳ vọng. Một số tác giả tuổi đời còn rất trẻ như Đào Diệu Huyền, Ngô Gia Thiên An, Vũ Hương Nam, Đặng Chân Nhân... đã có những sáng tạo rất riêng".
Một điều đáng buồn là trong nhiều năm qua không có mấy tác giả văn học thiếu nhi được kết nạp vào Hội Nhà văn VN. Đó thực sự là một nốt lặng đáng buồn của văn học thiếu nhi nói chung và đối với các tác giả trẻ viết về lĩnh vực này nói riêng. Trong bối cảnh đó, những cuộc vận động sáng tác văn học thiếu thực sự cần thiết, đáng khích lệ như cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi dành cho các bạn nhỏ của NXB Kim Đồng phối hợp với Hội Nhà văn VN và Hội Nhà văn Đan Mạch. Hay NXB Trẻ gần đây cũng đã phát động cuộc vận động "Người Việt viết sách cho trẻ em Việt...". Không thể phủ nhận, trong đời sống bộn bề, tấp nập hiện nay, việc tĩnh tâm, dành thời gian cho các nhà văn viết cho thiếu nhi cũng thực sự cần thiết. Nên chăng, Hội Nhà văn VN cũng nên mở những trại sáng tác dành riêng cho các tác giả viết sách cho thiếu nhi.

Phúc Nghệ

Ý kiến bạn đọc