Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Xin đừng để Phật viện Đồng Dương phế tích thêm nữa

Thứ Sáu 30/11/2018 | 09:44 GMT+7

VHO- Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã là một “phế tích”, nhưng do thiếu giải pháp bảo tồn tổng thể nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, phải chống đỡ bằng hệ thống khung sắt thép. Những dấu tích kiến trúc còn lại có nguy cơ bị đổ sập bất cứ khi nào.

 Tháp Sáng được chống đỡ lần 1 bằng hệ thống gỗ

Hiện nay di tích Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại một vài dấu tích kiến trúc của tháp Sáng cùng với nền móng các công trình và một số đồ trang trí. Nhiều năm trước, Văn Hóa đã có nhiều bài lên tiếng về tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng tại di tích này, theo đó đề nghị cơ quan chức năng, các nhà khoa học sớm tìm ra giải pháp tối ưu trong việc bảo tồn. Bao giờ Phật viện Đồng Dương mới được “giải cứu” là câu hỏi được chính quyền, người dân và cả những ai quan tâm tới số phận của công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt này luôn mong chờ đáp án.

Ứng xử như thế nào với di tích quốc gia đặc biệt? 
Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn di tích. Tuy nhiên, do di tích này có độ phức tạp cao nên trong ứng xử tránh sự nôn nóng, cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, đặc biệt đối với chuyên môn, khoa học. 
Được biết, năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học nhằm tìm kiếm các giải pháp trùng tu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị đối với di tích quốc gia đặc biệt này.

 Tháp Sáng được chống đỡ lần 2 bằng hệ thống khung thép

Tại hội thảo đó, hầu hết các ý kiến đều đồng thuận cho rằng phương pháp “trùng tu khảo cổ học” là phù hợp hơn cả trong sự ứng xử với di tích bị đổ nát và bị vùi lấp với vô vàn những ẩn số như Phật viện Đồng Dương. Trong đó sẽ ưu tiên các biện pháp bảo tồn theo nguyên tắc đảm bảo tính nguyên gốc, chân xác, toàn vẹn và sự bền vững của di tích. Ưu tiên các hoạt động bảo quản, gia cố trước khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tu bổ phục hồi khác. Sau hội thảo, năm 2012 tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 3 tỉ đồng để khai quật một số khu vực cũng như chống đỡ khẩn cấp lần 2 cổng tháp Sáng bằng hệ thống khung sắt thép chằng chịt. 
Đồng thời giao UBND huyện Thăng Bình chủ trì lập quy hoạch xây dựng Khu văn hóa tâm linh Phật tích Đồng Dương theo nguyên mẫu Phật viện Đồng Dương trước đây với quy mô khoảng 200 ha nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch. Sau đó đã đồng ý cho một đơn vị tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng nhưng do đơn vị đầu tư quá chậm trễ trong công tác khảo sát, lập quy hoạch nên đã bị đình chỉ. 
Và từ đó đến nay vẫn chưa có thêm bất cứ động thái gì trong việc triển khai nghiên cứu xây dựng quy hoạch, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị. Trong khi đó di tích quốc gia đặc biệt này luôn phải đối mặt từng ngày với sự xuống cấp nghiêm trọng. Gạch tháp Sáng ngày càng bị bào mòn, một số hạng mục chống đỡ khẩn cấp đã xuống cấp, các tấm ván lót để chống đỡ rơi rụng không còn tác dụng chống đỡ, khiến hệ thống chống đỡ cũng có nguy cơ hư hỏng. Tảng đá nối hai nhánh của tháp Sáng, cổng tháp cũng đã xuống cấp buộc phải chống đỡ chằng chịt lần 2 bằng hệ thống sắt thép nếu không sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào. Cỏ dại, cây leo um tùm che lấp bảng nội quy, đường vào chân tháp và quanh tháp Sáng. 

 Di tích giờ chỉ còn tháp Sáng được chống đỡ bằng hệ thống sắt thép giữa cỏ dại, dây leo mọc um tùm chắn cả lối ra

Mỏi mòn chờ quy hoạch
Ông Quảng Văn Thắng, một người dân ở thôn Đồng Dương cho biết, năm này qua tháng khác chứng kiến cảnh di tích rệu rã, “tổn thương” ngày càng trầm trọng mà buồn. Không biết di tích sẽ còn “bám trụ” giữa cỏ dại, mưa gió với hệ thống chống đỡ chằng chịt này bao lâu nữa? 
Về phía Sở VHTTDL Quảng Nam cho hay, năm 2012 Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có văn bản thỏa thuận với Sở về báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo tồn cấp thiết Phật viện Đồng Dương gồm các nội dung như nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, văn bản về di tích; cắm mốc giới bảo vệ di tích; thăm dò, khai quật khảo cổ; xây dựng mới nhà trưng bày hiện vật, nhà bảo vệ...
Năm 2016, sau khi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho phép Sở mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn có chuyên môn sâu về bảo tồn di tích tham gia lập quy hoạch tổng thể Phật viện Đồng Dương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên không hiểu vì sao cho đến nay vẫn chưa tìm được đơn vị tư vấn thiết kế nào nhận lời tham gia lập quy hoạch tổng thể. 
Trao đổi với Văn Hóa ngày 28.11, ông Tôn Thất Hướng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTTDL Quảng Nam) cho biết, tạm thời thì phương án khả thi nhất chính là chống đỡ khẩn cấp bằng hệ thống khung sắt thép để chống xuống cấp cho di tích. Đây là lần chống đỡ thứ hai, trước đó di tích này được chống đỡ bằng hệ thống gỗ nhưng mưa gió, nắng nóng và thời gian khiến hệ thống gỗ ẩm mốc, mối mọt, hư hỏng, không còn tác dụng chống đỡ nữa. 
Hơn nữa, theo quy định là di tích quốc gia đặc biệt nếu áp dụng biện pháp tu bổ phải căn cứ vào quy hoạch bảo tồn được Thủ tướng phê duyệt. Có được quy hoạch tổng thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt mới tiếp tục lập quy hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở khoa học cho các bước tiếp theo để bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương. Nếu không làm được các quy hoạch này thì không thể nào “đụng” đối với di tích đặc biệt này. 

KHÁNH CHI

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top