Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8.11

Thứ Sáu 23/09/2022 | 17:27 GMT+7

VHO- Ngày 23.9, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII năm 2022 tại Sóc Trăng đã họp thống nhất chương trình, kế hoạch, nội dung, thời gian tổ chức, trên tinh thần Ngày hội thắt chặt thêm tình đoàn kết, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ.

Chủ trì cuộc họp bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng,Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội; bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Uỷ viên Ban Chỉ đạo Ngày hội và đại diện Tổng cục TDTT, các Bộ, ngành, các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng,Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội phát biểu tại cuộc họp

Thông tin về Ngày hội, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội cho biết, Ngày hội diễn ra từ ngày 6 đến 8.11, tại tỉnh Sóc Trăng, với sự tham gia của nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng dân các chức sắc tôn giáo tiêu biểu vùng đồng bào Khmer đến từ 12 tỉnh, thành phố Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh.

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”, Ngày hội là sự kiện hóa có quy mô lớn do Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Sóc Trăng, các Bộ ngành Trung ương và 12 tỉnh thành có đông đồng bào Khmer sinh sống tổ chức nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị. Đồng thời, góp phần chăm lo đời sống tinh thần người dân cũng như giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khmer Nam Bộ tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế, phát triển du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong khuôn khổ của Ngày hội, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năm 2022 được tổ chức, tạo cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, Ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương như hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của dân tộc Khmer; Trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Khmer; Trình diễn Trang phục dân tộc truyền thống dân tộc Khmer, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc Khmer; Không gian trưng bày, trình diễn chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực dân tộc Khmer truyền thống; Hoạt động thi đấu thể thao dân gian; Trưng bày giới thiệu các ấn phẩm du lịch, các chương trình tour tham quan giới thiệu điểm đến của địa phương. Tổ chức đoàn famtrip (các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh, thành) khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Sóc Trăng.

Các hoạt động này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer trong xu thế hội nhập của đất nước, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban Tổ chức thông tin về Ngày hội

Bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Uỷ viên Ban Chỉ đạo Ngày hội phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng,Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội phát biểu chỉ đạo, Ngày hội cần tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương lãng phí, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của địa phương. Đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội. Các chương trình tham gia Ngày hội phải được chuẩn bị chu đáo, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân, gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội. 

Các đơn vị tham gia Ngày hội cần chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer Nam Bộ, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững, từng bước thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội. Các nội dung hoạt động của Ngày hội do các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng là người dân tộc Khmer thực hiện, có sự tham gia của các chức sắc tôn giáo tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đồng thời, từ nay đến khi Ngày hội dễn ra, cần triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, cổ động trên các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau Ngày hội nhằm quảng bá rộng rãi về nội dung hoạt động, các hình ảnh trong Ngày hội đến công chúng, đặc biệt là công chúng trên địa bàn diễn ra Ngày hội để đồng bào đến xem, cổ vũ, động viên các nghệ nhân, diễn viên quần chúng, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Toàn cảnh cuộc họp

Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng phương án và tổ chức lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông trên địa bàn, đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có chính sách kích cầu, khuyến mại, liên kết xây dựng các chính sách kích cầu kép để tạo sự cộng hưởng, lan tỏa, khuyến khích mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ du lịch, chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phục vụ ăn, nghỉ và tham quan của đại biểu và du khách đến Sóc Trăng trong thời gian diễn ra Ngày hội.

NGUYỄN NAM-TRÍ CÔNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top