Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tập trung xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, lấy địa bàn dân cư, cơ quan trường học để triển khai

Thứ Sáu 25/03/2022 | 20:40 GMT+7

VHO-Sáng 25.3, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ tại TP Đà Nẵng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ tin tưởng đối với những thành quả mà các đơn vị đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh và đề cao sự liên kết của các đơn vị trong ngành. Qua đó Bộ trưởng đã lắng nghe, chia sẻ những khó khăn vướng mắc từ đó đưa ra giải pháp, phương hướng cùng các đơn vị tháo gỡ. Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị tham mưu, góp ý trên tinh thần sâu sát, đúng, đủ và chính xác, ngắn gọn và đi thẳng vào nội dung cần kiến nghị, đề xuất.

Báo cáo với Bộ trưởng, ông Phan Thanh Hài, Hiệu trưởng trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng kiến nghị xin nâng cấp cơ sở vật chất của Nhà trường, bổ sung thêm trang thiết bị dạy học, huấn luyện. Đối với Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng cũng nêu lên những khó khăn về cơ sở hạ tầng, quy mô chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của sinh viên, qua đó kiến nghị xin hỗ trợ kinh phí để xây dựng phần mềm quản lý, học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong Nhà trường; hỗ trợ sinh viên nghèo chịu ảnh hưởng Covid-19 nhưng không thuộc đối tượng miễn giảm; đề xuất được giữ biên chế 59 biên chế ổn định để đảm nhiệm tốt việc đào tạo sinh viên; cải tạo lại cơ sở vật chất, xây dựng nhà thi đấu đa năng.

Bộ trưởng thăm cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng

Trong lĩnh vực du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, trong ngày 27.3 tới, Đà Nẵng sẽ đón 2  chuyến bay quốc tế đầu tiên để khởi động lại cho ngành du lịch. Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đề nghị xin được đăng cai thêm các sự kiện quan trọng liên quan đến văn hóa, du lịch để phục hồi và phát triển ngành một cách nhanh chóng nhất. Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất được hỗ trợ về công tác chuyển đổi số, xúc tiến truyền thông quảng bá; đề xuất cơ chế chính sách thí điểm khai thác văn hóa lịch sử để xã hội hóa.

Lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo các đơn vị trong ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự nỗ lực, cống hiến và quyết tâm xây dựng ngành của các đơn vị. Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục, rèn luyện trong các cơ sở đào tạo, vui mừng vì các đơn vị địa phương có sự tương thân tương ái trong hoạt động xây dựng chung.

Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT Đà Nẵng báo cáo với Bộ trưởng tại buổi làm việc

“Đà Nẵng được coi là trung tâm đào tạo của khu vực miền Trung về thể thao vào du lịch, trong thời gian qua, Trường Đại học Thể dục thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và Trường Cao đẳng Du lịch đã có rất nhiều nỗ lực để cố gắng trở thành cái nôi đào tạo mạnh mẽ và trưởng thành. Cụ thể là chỉ tiêu đào tạo năm sau cao hơn năm trước, chất lượng đào tạo được xã hội thừa nhận và sử dụng. Như Trường Cao đẳng Du lịch trên 85% sinh viên đều có việc làm, ngành thể thao tuy có thể tỷ lệ ít hơn nhưng về cơ bản cũng là nguồn nhân lực lớn góp phần cống hiến quan trọng cho thể thao nước nhà. Qua kết quả, chất lượng đã đạt, các đơn vị đang khẳng định và giữ vững được thương hiệu”, Bộ trưởng nhận xét.

Bên cạnh khẳng định kết quả, sự nỗ lực và thành quả các đơn vị đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng yêu cầu các đơn vị tự nhìn nhận, tự đánh giá trên tinh thần đúng thực chất, tự soi tự sửa. Đặc biệt là trong khi vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ, cần vượt qua thì các đơn vị phải thật sự linh hoạt và quyết liệt hơn nữa, tránh tình trạng bị động, phải chủ động tham mưu bám sát thực tế, cụ thể hóa các chương trình kế hoạch thuộc về lĩnh vực ngành. Các cơ sở đào tạo cần thiết phải tăng cường theo dõi và đánh giá các nhu cầu về xã hội để đào tạo, đáp ứng đầy đủ và cần thiết nguồn nhân lực. Nắm chắc yếu tố của thị trường, đào tạo theo yêu cầu của thị trường, đào tạo theo tín hiệu, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, mạnh dạn nghiên cứu có tính chiều sâu.“Bây giờ phải gắn với thị trường, gắn với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu mới đem lại hiệu quả cao. Công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch còn chưa sát nên tính hấp dẫn không cao, đầu ra sản phẩm chưa có. Có một số ngành, lĩnh vực mà chúng ta có thể có đặc thù riêng và lợi thế riêng cho nên cần đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm chuyên ngành mà xã hội đang cần”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng và đoàn công tác với Trung tâm HLTT QG Đà Nẵng

Tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần năng động, sáng tạo trong việc tìm kiếm, khai thác nguồn lực, sử dụng đúng, tiết kiệm để tránh lãng phí. Với đơn vị đào tạo, trong thời gian tới phải thống nhất đề xuất để tháo gỡ vướng mắc, thông suốt về đào tạo gắn với các chỉ tiêu. Ngay từ đầu năm học phải bảo vệ kế hoạch tuyển sinh; làm việc với Bộ GD&ĐT; thể chế hóa các đề án lớn; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết giao lưu giữa các cơ sở để tìm thầy giỏi. Trong năm 2022, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần nỗ lực chủ động, sáng tạo trong các hoạt động của ngành. “Các đơn vị phải tập trung xây dựng đề án văn hóa học đường. Năm 2022, ngành VHTTDL triển khai chủ đề công tác năm là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ”, trong đó bao gồm vấn đề đào tạo, rèn luyện đạo đức học sinh-sinh viên, sự yêu nghề, khát vọng cống hiến của các thầy cô. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Sở VHTT Đà Nẵng tập trung thực hiện xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, lấy địa bàn dân cư, cơ quan trường học để triển khai, làm điểm trước sau đó nhân rộng, cố gắng phát phát huy giá trị di tích di sản, khai thác sử dụng giữ gìn góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra bạn bè quốc tế, là cơ sở để phát triển và quảng bá du lịch”.

NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top