Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Lợi nhuận và lợi ích trong đầu tư cho hoạt động văn hóa

Thứ Sáu 26/08/2022 | 11:10 GMT+7

VHO-  “Lợi nhuận” nói theo cách dễ hiểu là phần tài chính thu được của hoạt động kinh doanh sau khi đã trừ đi tất cả chi phí của vốn đầu tư, nên có thể được lời hoặc bị lỗ vốn. “Lợi ích” là kết quả không tính bằng tiền mà bằng những gì thu được có lợi cho đời sống vật chất hoặc tinh thần của cộng đồng. Đầu tư cho hoạt động văn hóa cũng vậy, có thể đạt được cả hai là lợi nhuận và lợi ích. Nhưng hai mặt đó không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với nhau.

Trong lĩnh vực điện ảnh, thời kỳ kháng chiến còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn mọi mặt nên sản xuất được một bộ phim phải tốn kém rất nhiều tiền bạc và công sức nhưng chỉ để chiếu miễn phí cho bộ đội và nhân dân vùng tự do. Nếu xét từ góc độ đầu tư tài chính thì “lỗ vốn” rất lớn. Nhưng nhìn từ lợi ích thì là “vô giá” vì đã động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, tinh thần tham gia kháng chiến của nhân dân. Nói cách khác là lợi nhuận “âm” nhưng lợi ích rất cao. 
Trường hợp điện ảnh trong thời bình, có những bộ phim đạt doanh thu rất cao so với vốn đầu tư vì khai thác nhiều cảnh “nóng” nên thu hút được giới trẻ đang có sự tò mò về giới tính. Nhưng về giá trị nghệ thuật và thông điệp về đạo đức, nhân văn thì lại rất mờ nhạt. Nói cách khác là: Lợi nhuận rất cao nhưng lợi ích rất thấp. Trong lĩnh vực du lịch, đầu tư cho hoạt động văn hóa đã thu hút được nhiều hơn khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam cùng với danh lam thắng cảnh của đất nước. Nói cách khác, đầu tư cho hoạt động văn hóa du lịch có thể đạt được cả mục tiêu lợi nhuận và lợi ích rất cao và hai mặt đó tương tác và tỷ lệ thuận với nhau. 
Trong lĩnh vực hoạt động bảo tàng, vừa qua có một câu chuyện được phản ảnh trên báo chí. Với câu hỏi: “100 ngàn đồng để hiểu thêm về lịch sử nước nhà liệu có đắt”? Phía Bảo tàng Điện Biên Phủ cho rằng, việc tăng giá vé từ 25 ngàn lên 100 ngàn là phù hợp so với đầu tư và chi phí vận hành của bức tranh Panorama trận Điện Biên Phủ. Nhìn từ góc độ kinh tế thì đúng là như vậy. Thậm chí là chưa đủ cho hoạt động lâu dài vì số khách tham quan không ổn định, có lúc phải “bù lỗ”. Nhưng nếu chỉ so giá vé 100 ngàn với việc “hiểu thêm về lịch sử nước nhà…” thì không thể xác định được là đắt hay rẻ vì có thể là “vô giá” với người này nhưng lại quá đắt với người khác. Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của từng người, có lẽ người đặt câu hỏi này muốn nói là kiến thức lịch sử quý hơn tiền? Điều đó rất đúng với người thích nghiên cứu lịch sử và trong túi luôn có tiền triệu. Nhưng đối với học sinh trung học, nhất là con em những người có mức thu nhập không cao thì mua vé 100 ngàn so với 25 ngàn để vào bảo tàng sẽ là sự cân nhắc không dễ dàng. 
Giả định như giá vé 100 ngàn vẫn có người vào xem nhưng thành phần học sinh sẽ giảm mà đó là thành phần đang rất cần phải giáo dục kiến thức lịch sử vì các em đang rơi vào tình trạng tâm lý. Như có em đã nói, “chúng em yêu thích lịch sử nhưng sợ học Sử”. Với giá vé 100 ngàn, Bảo tàng có thể đủ thu nhập để trang trải cho chi phí hoạt động nhưng lại hạn chế về lợi ích giáo dục lòng yêu nước từ lịch sử cho lớp trẻ. Mặt khác, nếu vẫn đảm bảo doanh thu nhưng giảm số lượng khách tham quan là lãng phí công năng của thiết bị. Vì đầu tư hiện đại hóa tấm Panorama là nhằm thu hút nhiều người xem, nhiều người hiểu thêm lịch sử để nâng cao tinh thần tự hào dân tộc. Không giống như đầu tư cho tác phẩm nghệ thuật với chức năng chủ yếu là thưởng thức thẩm mỹ và giải trí. 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top