Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Rà soát lại hình thức xử phạt trong trường học

Thứ Sáu 16/03/2018 | 09:32 GMT+7

VH- Thời gian gần đây, dư luận vô cùng lo ngại trước tình trạng giáo viên, học sinh bị đe dọa, xúc phạm ngay tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Trong đó điển hình là vụ phụ huynh bắt giáo viên quỳ xin lỗi ở Long An, vụ thiếu tá công an mang súng vào trường “xử” bạn học của con mình, đã gióng lên hồi chuông báo động về tình hình mất an toàn tại trường học.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có một nguyên nhân sâu xa, đó là việc áp dụng các hình thức “xử phạt” đối với học sinh trong các trường học hiện nay đang có nhiều bất cập, khiến phụ huynh bức xúc.

Trường học, cũng như tất cả các cơ quan, đơn vị khác, đều có nội quy, quy chế hoạt động. Và nếu học sinh nào vi phạm nội quy của trường, lớp đều bị xử phạt với các hình thức khác nhau.

 Phổ biến nhất, là hình thức viết bản tự kiểm điểm. Học sinh đi học muộn, nói chuyện trong giờ học, quên làm bài, quên sách vở và đồ dùng học tập đều bị viết kiểm điểm và phải có chữ ký của phụ huynh. Hình thức này hầu như không mấy phụ huynh phản ứng, vì coi như đó cũng là một lần nhắc nhở con em mình chăm chỉ, chỉn chu hơn.

Bắt đứng ra góc lớp hoặc bắt xuống phòng hội đồng của trường để gặp Ban Giám hiệu: Đứng ra góc lớp thường áp dụng đối với học sinh gây mất trật tự trong lớp như nói chuyện, làm việc riêng; còn những học sinh bị điều xuống phòng Giám hiệu thường mắc lỗi nặng hơn như đánh nhau, hoặc gây mất trật tự nhiều lần trong lớp học. Trong nhiều trường hợp, học sinh phải ngồi ở phòng giám thị cho đến khi phụ huynh đến trường cam kết thì mới được trở lại lớp học bình thường.

Chép phạt: Đây là hình thức được rất nhiều giáo viên và nhà trường áp dụng. Không thuộc bài, chép phạt; vi phạm nội quy, chép phạt. Hình thức này không tác động đến thân thể học sinh như trước kia thầy đồ phạt roi học trò hay như mấy chục năm trước đây, thầy cô dùng thước đánh vào tay học sinh vì viết xấu nên được nhiều giáo viên áp dụng một cách thái quá. Học sinh không thuộc bài, bị phạt chép lại bài không thuộc, học sinh vi phạm nội quy buộc phải chép phạt nội quy. Không chỉ chép một lần, mà sau mỗi lần vi phạm, số lần vi phạm lại bị nhân lên 5-10 lần. Có học sinh đầu tuần quên khăn quàng đỏ, bị phạt chép 5 lần bản nội quy, giữa tuần nói chuyện riêng trong giờ, bị chép phạt 10 lần bản nội quy. Như vậy, thay vì học bài, thì cả tuần em học sinh đó chỉ loay hoay chép phạt hàng chục bản nội quy mà mỗi bản có tới 15-20 điều, dài cả mấy trang giấy. Tuy không bị xâm phạm thể xác, nhưng đây cũng là hình thức hành hạ tinh thần khiến người bị phạt cảm thấy mệt mỏi, chán nản.

Ngoài các hình thức phổ biến trên, một số trường còn áp dụng các hình thức khác như bắt dọn vệ sinh trường, lớp, thậm chí còn có trường bắt nộp phạt bằng tiền hoặc hiện vật.

Theo quy định tại Điều 42, Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28.3.2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay, nhiều trường áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh một cách rất tùy tiện. Việc áp dụng tùy tiện này trong một số trường hợp đã gây ra sự ức chế cho học sinh và sự bức xúc đối với phụ huynh. Và thực tế đã xảy ra việc đau lòng như vừa rồi là phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi vì đã bắt con họ quỳ trong lớp học.

Trước thực trạng trên, đề nghị Bộ GD&ĐT phải rà soát lại việc áp dụng hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm nội quy của học sinh trong tất cả các trường. Không thể để nhà trường, giáo viên tự ý áp dụng các hình phạt thiếu tính giáo dục, dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía học sinh và phụ huynh. Việc đưa ra hình thức xử phạt và áp dụng chế tài xử phạt phải đúng luật, chứ không được tùy tiện thì mới có tính giáo dục.

Hoàng Thị Hương

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top