Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Băn khoăn trước mộ nhà bác học Trương Vĩnh Ký

Thứ Sáu 03/12/2021 | 10:06 GMT+7

VHO- Từ những thập niên đầu 1970, mấy đứa dốt ngoại ngữ thường được thầy cô kể về Trương Vĩnh Ký để nêu gương vì“ông biết sử dụng 26 ngoại ngữ”. Cứ như Thánh. Mình học hoài một thứ vẫn chưa thông. Người thường làm sao giỏi thế?

Các nhà nghiên cu ti nhà bia tưởng nim Trương Vĩnh Ký

 Sau này, có dịp tìm hiểu, vừa choáng ngợp trước kiến thức và tác phẩm đồ sộ của ông, vừa băn khoăn với những thông tin trái chiều về cuộc đời ông. Bằng linh cảm và trực giác, tôi vẫn tin và kính trọng ông, nhà bác học đích thực. Hơn 20 năm trước, tôi đã đến thăm quê ông, họ đạo Cái Mơn, nơi có nhà thờ được xem là cổ nhất miền Nam (1702) thuộc huyện Chợ Lách, Bến Tre; thủ phủ cây giống và trái cây Nam Bộ.

Linh mục chánh xứ bấy giờ đưa chúng tôi xem bức tranh trên giấy cứng xưa, có hình “Thập bát văn hào”. Năm 1874, thế giới có cuộc bầu chọn “Toàn Cầu Bác Học Danh Gia”. Petrus Trương Vĩnh Ký đứng thứ 17 và là người châu Á duy nhất trong 18 “Thế Giới Thập Bát Văn Hào” (Tạp chí Xưa & Nay số 46B, tháng 12.1997). Khi đến viếng nhà bia tưởng niệm Trương Vĩnh Ký ở quê ông, lòng bồi hồi vì sự hoang vắng. Đáng mừng, ngày 22.2.2019, UBND tỉnh Bến Tre đã ra quyết định công nhận Nhà bia tưởng niệm Trương Vĩnh Ký là di tích văn hóa cấp tỉnh, đề nghị huyện Chợ Lách xúc tiến nâng cấp nhà bia, gắn với du lịch huyện và thành lập Trung tâm Văn hóa Danh nhân Trương Vĩnh Ký. TP.HCM đã lập hồ sơ nhà mồ Trương Vĩnh Ký là di tích văn hóa dạng“Kiến trúc - Nghệ thuật” nhưng chưa được sự đồng thuận của gia đình. Theo tôi, nhà mồ Trương Vĩnh Ký phải là di tích “Lịch sử - Văn hóa (vì gắn với sự nghiệp nhà bác học) và kiến thúc - nghệ thuật”.

Dù làm việc cách mộ ông chỉ mấy trăm mét, lần lữa mãi, tới đầu tháng 10 vừa qua tôi mới đến viếng mộ ông. Ray rứt như người có lỗi. Mình làm du lịch, dạy du lịch mà còn hờ hững như vậy, nói chi người dân. Mộ danh nhân văn hóa Trương Vĩnh Ký nằm lặng lẽ giữa phố phường đông đúc và gần như bị lãng quên. Nhà mộ hình bát giác, rộng chừng 50m2 trong diện tích 3.000m2. Sau lưng là nhà thờ Chợ Quán (Thánh Tâm Chúa Giê Su), xây dựng từ 1882. Khuôn viên có mấy chục ngôi mộ dòng tộc và nhà thờ họ bằng gỗ quý, lợp ngói lưu ly nhưng không có bàn thờ, hiện làm nơi ở của gia đình hai người cháu đời thứ 4 là Trương Minh Tấn và Trương Minh Đạt. Sân trước, tận dụng bán cà phê, giữ xe. Cổng chính tam quan mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, cổng phụ đường Trần Bình Trọng; xây theo kiểu Pháp, trang trí họa tiết Đông Tây hài hòa.

Trong 8 cạnh nhà mồ, 3 cạnh là cửa ra vào, còn lại là tường trổ ô thông gió. Trương Vĩnh Ký tự thiết kế, coi sóc việc xây dựng nhà mồ của mình cho đến khi tạ thế. Nóc chạm dòng chữ: “Decembre 1898” (tháng 12.1898). Trên cửa quay ra đường Trần Hưng Đạo có dòng chữ “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi), nói thay tâm trạng và ước nguyện cuối đời ông. Cửa quay ra đường Trần Bình Trọng có dòng chữ “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó), nói lên sự đam mê khám phá của nhà bác học. Nhà mồ có ba phần mộ, lát bằng nền nhà với đá khác màu. Mộ Trương Vĩnh Ký ở giữa, đá trắng vàng nhạt, viền dây lá (không có hoa), khắc dòng chữ: “Ci-git J.B Truong Vinh Ky Professeur de Langues Orientales Décédé J le 1er Septembre 1898 dans sa 62 année” (Nơi an nghỉ Jean Baptiste Petrus Trương Vĩnh Ký, giáo sư ngôn ngữ Đông phương. Mất ngày 1.9.1898, thọ 62 tuổi). Bia không ghi ngày tháng năm sinh (6.12.1837).

Bên phải là mộ phần vợ ông, Maria Trương Vĩnh Ký, nhủ danh Vương Thị Thọ, mất năm 1907; có hình cây thánh giá, nhiều chỗ bong tróc. Bên trái là mộ Trương Vĩnh Thế, trưởng nam, cũng hư hại nhiều. Trần nhà vẽ hình lân mã chở hà đồ vờn phong vân, đơn giản mà phóng khoáng. Nhà mồ được bảo quản tươm tất, sạch sẽ bằng nguồn tài chính gia đình, không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào vì ngại phiền phức. Ông Trương Minh Đạt, đại diện gia tộc cho biết “thi thoảng có mấy khách nước ngoài, Việt kiều hoặc học sinh cũ trường Petrus Ký đến viếng”. Hồi xưa, khu nhà mồ còn nhiều sách vở, hình ảnh Trương Vĩnh Ký được giữ gìn cẩn thận. Sau 1975, một số tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn, số còn lại đem qua Pháp.

Hỏi chuyện xưa, ông Đạt tâm sự: “Anh em tui chẳng biết gì hơn ngoài những chuyện sách báo đã viết bởi khi chúng tôi chào đời, cụ đã mất cả nửa thế kỷ, mọi chuyện chỉ được nghe ông nội và cha kể lại…”. Bình thường nhà mồ khóa cửa. Nếu muốn vào viếng mộ ông, cần báo trước để gia đình cử người tiếp. 

NGUYN VĂN M

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top