Phòng chống Covid-19 và “mục tiêu kép” về văn hóa

VHO - Đối với công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19, Chính phủ nêu "mục tiêu kép" là vừa phòng chống đại dịch thành công vừa duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế. Vậy trên mặt trận văn hóa xã hội cũng có thể thực hiện "mục tiêu kép về văn hóa". Tức là vừa phát huy những giá tri văn hóa tuyền thống - vừa thanh lọc những biểu hiện xuống cấp về văn hóa đạo đức? Tuy nhiên, bài viết này không bàn về toàn bộ chiến lược xây dựng nền văn hóa "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", tức là không bàn về các nội dung rộng lớn như phát triển kinh tế, giáo dục, gia đình văn hóa, bình đẳng giới... Mà chỉ giới hạn trong một số nội dung văn hóa cụ thể có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay.

Phòng chống Covid-19 và “mục tiêu kép” về văn hóa - Anh 1

Lịch sử đã khẳng định, đoàn kết đã trở thành "chân lý" của người Việt và có sức mạnh chiến thắng mọi khó khăn

Thực hiện mục tiêu thứ Nhất: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất, đó là tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách, sáng tạo, vượt khó... Truyền thống ấy của người Việt đã được thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đến khi thực bị dân Pháp chia nước ta thành ba kỳ thì Hồ chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Như vậy đoàn kết đã trở thành "chân lý" của người Việt và có sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. 
Trong công cuộc chống đại dịch ngày nay, truyền thống đoàn kết vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu: Tất cả các biện pháp khoanh vùng, truy vết, phong tỏa, 5K, xét nghiệm, vắc xin... tự nó chưa đủ mà phải có khối đoàn kết toàn dân nhất trí thì dập dịch mới có hiệu quả. Điều đó có thể thấy ở những nước giàu nhất thế giới. Họ cũng có tất cả các biện pháp y tế và hành chính và có rất nhiều vắc xin nhưng thiếu sự đoàn kết nhất trí, có những bộ phận phản đối khẩu trang, phản đối vắc xin nên hiệu quả chống dịch không cao. Tinh thần đoàn kết chống dịch ngày nay được thể hiện rất đa dạng, phong phú. Đó là sự chi viện kịp thời sức người, sức của, trang thiết bị và cán bộ y tế cho các tâm dịch. Ở những nơi cách ly, phong tỏa thì người dân tự đứng ra lập các cửa hàng 0 đồng, hộp cơm miễn phí, các chuyến xe tình nguyện... và hiện nay, cả nước đang chi viện cho TP.HCM những gì mà thành phố đang cần. 

Phòng chống Covid-19 và “mục tiêu kép” về văn hóa - Anh 2

"Vốn văn hóa" quý báu của người Việt cần phải được bảo tồn và phát huy trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp

Thực tế lịch sử cho thấy, dường như hoàn cảnh khó khăn gian khổ đã "kích hoạt" tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái của người Việt Nam lại bùng lên mạnh mẽ hơn với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau". Đó là "vốn văn hóa" quý báu của người Việt. Nhưng vấn đề là làm thế nào để "giữ vốn và sinh lời" trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp? Có thể tham khảo hai biện pháp sau đây:
Biện pháp thứ Nhất: Chính quyền phải lo cho dân tốt hơn người dân tự lo cho nhau. Như thế người dân càng có điều kiện để đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời họ sẽ đoàn kết nhất trí với chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương, quy định phòng chống dịch. 
Biện pháp thứ Hai: Tăng cường sử dụng nhiều hơn sức mạnh của truyền thông. Cần tìm tòi, sáng tạo và khai thác thật nhiều những tấm gương sáng, những việc làm thiết thực giúp nhau vượt khó chống dịch. Cụ thể như truyền hình đưa hình ảnh một cụ bà khiếm thị, ở một tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi, một tay ôm trái bí xanh, một tay cầm túi gạo nhỏ giơ lên chỉ về phía trước ra hiệu muốn gửi cho TP.HCM chống dịch. Chỉ một clip ngắn như thế đã chứa đựng được cả tinh thần đoàn kết, tính nhân văn cao cả, lay động lòng người hơn cả những bài viết dài kêu gọi đoàn kết. Hoặc như hình ảnh những nhân viên y tế phải nằm dưới nền đất tranh thủ vài phút nghỉ ngơi cũng có sức lan tỏa manh hơn nhiều so với những lời ca ngợi.
Thực hiện mục tiêu thứ Hai: Thanh lọc những biểu hiện xuống cấp văn hóa, đạo đức đang xuất hiện trên mạng xã hội. Đó là tình trạng tung tin nhằm chia rẽ vùng miền, chia rẽ nhân dân với chính quyền, gây hoang mang trong dư luận quần chúng. Việc làm này do các youtuber câu view kiếm tiền. Họ chế biến, xuyên tạc, bóp méo thông tin để giật tít gây sốc và thu hút được khá nhiều người đọc. Không biết bao nhiêu người đã bị "ngộ độc thông tin" và nó cũng làm cho một số người hoang mang, lo lắng, rủ nhau đi mua lương thực dự trữ... Trong tình hình cả nước đang dốc sức dập dịch rất khẩn trương hiện nay thì không thể có thời gian để dùng biện pháp mềm như nhắc nhở, vận động. Mà phải dùng biện pháp cứng của luật pháp buộc phải trả giá với tội danh tương đương với làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Mặt khác các thông tin chính thống cần nhanh nhạy và chính xác hơn để lấn át dòng tin giả. Đồng thời vận động nhân dân cảnh giác cao hơn để loại bỏ tin giả.

Phòng chống Covid-19 và “mục tiêu kép” về văn hóa - Anh 3

Mặt trận phòng chống dịch sẽ nhanh chóng thành công khi thực hiện được mục tiêu kép về văn hóa. Trong ảnh: Bệnh nhân tại một bệnh viện dã chiến TP.HCM hưởng ứng đêm văn nghệ của các nghệ sĩ với tinh thần lạc quan

Những tin giả của các youtuber câu view kiếm tiền thì không quá khó để nhận ra. Nhưng các bài đăng trên facebook của một vài người có ảnh hưởng xã hội và có học vị thì không dễ nhận ra đó là thật hay giả? Ví dụ như bức thư ngỏ của một trí thức gửi lãnh đạo TP.HCM về vấn đề vắc xin Trung Quốc đăng ngày 3.8.2021. Mặc dù Thành phố đã thông báo rất rõ việc tiêm vắc xin là "miễn phí và tự nguyện" nhưng trong bức thư này viết: "...việc ép dân TP.HCM phải tiêm 5 triệu liều vắc xin Trung Quốc đang gây nỗi bất bình ly tán lòng dân. Xin đừng dùng những thủ thuật tuyên truyền để lừa dân và dùng các "biện pháp nghiệp vụ" để đối phó với dân". Bức thư còn mô tả cảnh tượng: "...những người dân nghèo hoảng hốt tháo chạy khỏi Thành phố trong cảnh khốn cùng..." - nghe như chạy loạn thời chiến tranh.
Ở đây không bàn đến chuyện những suy diễn thiếu căn cứ ấy có làm mất uy tín chính quyền hay không? Mà chỉ bàn đến hệ quả đối với người dân: Nếu họ thấy một trí thức nói họ sẽ bị lừa, bị ép tiêm và bị dùng biện pháp nghiệp vụ thì họ sẽ hoang mang hơn nhiều so với khi đọc tin giả của youtuber. Nhưng khi họ biết được sự thật không phải như thế thì uy tín khoa học của vị này sẽ xuống thấp đến mức nào? Vậy xin đừng làm cho người dân hoang mang thêm nữa vì mọi người đã có quá nhiều nỗi lo về dịch bệnh và đời sống.
Nếu trên mặt trận kinh tế - xã hội đã xác định tinh thần "Chống dịch như chống giặc" thì trên mặt trận văn hóa cũng nên xác định "Chống tin giả như chống dịch". Và thực hiện mục tiêu kép: Vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa thanh lọc những biểu hiện văn hóa xuống cấp.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN
    
     

Ý kiến bạn đọc