Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Loạn danh nghệ sĩ

Thứ Hai 28/06/2021 | 10:06 GMT+7

VHO-  Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên, “nghệ sĩ là người chuyên hoạt động (sáng tác hoặc biểu diễn) trong một bộ môn nghệ thuật”.

 

Những nghệ sĩ như NSND Trần Hiếu luôn được công chúng ngưỡng mộ bởi tài năng nghệ thuật, đạo đức trong nghề nghiệp. Trong ảnh: NSND Trần Hiếu nhận Bằng xác nhận kỷ lục là "NSND cao tuổi nhất còn biểu diễn trên sân khấu" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng (tháng 5.2016). Ảnh: KLVN

Đúng như định nghĩa, phải là chuyên, chuyên sâu, chuyên về một nghề. Muốn vậy phải có thời gian khổ luyện, cống hiến với nghề, bởi thế nên những sinh viên mới tốt nghiệp chưa được coi là nghệ sĩ nếu chưa có những dấu ấn để lại trên sàn diễn. Trong giới nghệ thuật chuyên nghiệp, quan niệm thế nào là nghệ sĩ còn có phần khắt khe hơn. Hoạt động lâu trong nghề mà chưa thành danh thì cũng chưa là nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải được định danh bằng nền tảng văn hóa và vị thế, khả năng truyền tải, lan tỏa ngôn ngữ nghệ thuật và có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Ấy thế mà hiện nay, người trong muôn nghề thì nghệ sĩ “lấy danh” dễ hơn cả. Dễ dàng, dễ dãi. Ai cũng có thể được gọi là nghệ sĩ, ca sĩ. Không cần phải qua trường lớp đào tạo, không am hiểu về thanh nhạc, kỹ năng sân khấu, diễn xuất... để cho ra mắt các album, sản phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật và được khán giả đón nhận, nhiều người chỉ cần sản xuất vài clip hài nhảm, phản cảm, câu view kiếm tiền đều có thể xưng danh ca sĩ, nghệ sĩ. Bài hát nhạt nhoà của những “ca sĩ không biết hát” cũng thành hit trên YouTube; phim chiếu mạng (web drama) của những “người không mang họ” cũng thu hút hàng triệu lượt xem, nghiễm nhiên họ được gọi là ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ.

Còn nhớ, cách đây hơn bốn năm, sau khi MV Từ hôm nay được chọn là sản phẩm debut (biểu diễn lần đầu) trước công chúng, hot girl Chi Pu tự tin lên tiếng: “Từ hôm nay, hãy gọi tôi là ca sĩ”. Trước đó, hot girl này cũng cũng không ngần ngại mà rằng: “Đừng gọi tôi là hot girl, hãy gọi tôi là diễn viên” khiến cô nhận không ít “gạch đá” từ dư luận, còn giới trong nghề cười mà lắc đầu: Còn lâu, chưa đủ “trình”!

Chẳng lẽ cứ cầm mic lên là ca sĩ? Cứ vào vai là diễn viên? Thế thì khác gì cứ đạp xe là thành cua-rơ, cứ chạy bộ là thành vận động viên? Thuộc kiến trúc thượng tầng, chẳng lẽ nghệ thuật giờ đây dễ dãi, tầm thường thế sao? Không ai cấm tự vỗ ngực xưng danh. Nhưng tự xưng là một chuyện, còn công chúng có công nhận hay không lại là chuyện khác.

Lạ là không chỉ một mà nhiều, rất nhiều người huyễn hoặc, ảo tưởng về mình. Nhất là một khi ai đó được báo chí, truyền thông, mạng xã hội hà hơi tiếp sức, tung hô thái quá. Chẳng bù cho NSND Trần Hiếu, khi trả lời báo chí, ông khiêm tốn: “Bản thân tôi, chỉ đến khi được Nhà nước phong là Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân tôi mới dám nhận mình là nghệ sĩ, trước đó tôi chỉ dám nhận mình là ca sĩ thôi. Thời của chúng tôi, khi chưa được công nhận là Nghệ sĩ Ưu tú, chẳng ai dám nhận mình là nghệ sĩ cả. Làm như thế xấu hổ lắm”.

Nhìn nay, không ít người nuối tiếc “một thời đã qua”, cái thời mà mỗi nghệ sĩ thực thụ được công chúng ngưỡng mộ bởi tài năng nghệ thuật, đạo đức trong nghề nghiệp và khả năng truyền cảm hứng, lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng, xã hội. Đúng như NSND Trần Hiếu nói, không ít nghệ sĩ chân chính bị vạ lây, xấu hổ, tổn thương nặng nề. Loạn danh xưng nghệ sĩ ắt còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Tình trạng vàng thau, thật giả lẫn lộn, làm vẩn đục môi trường văn hóa, nghệ thuật và đảo lộn các giá trị xã hội.

Đã đến lúc báo chí, truyền thông phải nghiêm túc trong cách nhìn nhận, đánh giá, góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, định hướng cho dư luận đâu là nghệ sĩ đích thực, đâu là những cá nhân vơ danh để trục lợi, đánh bóng tên tuổi. Không thể để công chúng, khán giả mãi bị tra tấn bởi hết “thảm họa âm nhạc” này đến “thảm họa sân khấu, thời trang” khác. Những Lệ Rơi, Phú Lê, Don Nguyên, Quân Kun… cũng không thể dễ dãi trở thành “ca sĩ, nghệ sĩ”, “thần tượng” của giới trẻ, để rồi mạnh miệng truyền tải những nhận thức lệch lạc về thẩm mỹ, nghệ thuật, đạo đức, lối sống, trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Không đi ngược lại xu hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thẳng thắn nhìn vào thực tiễn cuộc sống để mạnh dạn đề xuất, điều chỉnh những vấn đề còn bất cập hiện nay, đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian gian tới. Trước hết để giúp cho công chúng, khán giả phân định được thế nào là nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp hay đơn thuần chỉ là những người nghiệp dư hoạt động trong môi trường giải trí thuần tuý.

Một trong những lưu ý mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa qua đó là thực trạng “văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đã xuống cấp”. Tình trạng bát nháo trong giới showbiz, loạn danh trong một bộ phận giới “nghệ sĩ” hiện nay đang là tác nhân tác động trực tiếp đến thực trạng đó. Chấn chỉnh điểm nghẽn này cũng là để góp phần làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, nghệ thuật, nuôi dưỡng và vun đắp nhân cách con người Việt Nam. 

PHAN THANH NAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top