Xã hội hoá vắcxin

VHO- Thủ tướng Chính phủ tuần vừa qua đã ký ban hành Nghị quyết số 09/ NQ-CP về việc mua vắcxin phòng Covid-19. Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắcxin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vắcxin trên diện rộng cho nhân dân. Tiếp đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ bản dự trù ngân sách cho công việc nói trên với tổng chi lên đến 25.200 tỉ đồng, bao gồm cả khoản mua thiết bị kỹ thuật để đảm bảo cho lưu trữ vắc xin an toàn, chất lượng. Đó là một cố gắng rất lớn của Đảng và Chính phủ ta trên tinh thần rất nhân đạo, không bỏ ai ở lại phía sau”.

Xã hội hoá vắcxin - Anh 1

 

 Trước đó, nguồn vắcxin mà chúng ta đã và sẽ có chỉ là sự “nhỏ giọt” từ Quỹ CoVax của Liên Hợp Quốc cho các quốc gia như chúng ta. Tiếc rằng thời gian họ chuyển hàng đến chúng ta không đúng tiến độ. Lý do là bởi thế giới lại có nhiều điểm nóng cần giúp hơn ta. Vì thế, chúng ta mới chỉ có chưa đầy 1% dân số được tiêm tính đến ngày 18.5.2021. Việc Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng quyết định hỗ trợ kinh phí mua 4 triệu liều vắcxin cho người dân nước nhà để ngừa Covid-19 đã cho thấy, ngoài tấm lòng nhân ái của một doanh nghiệp luôn có các hoạt động vì cộng đồng, hành động này cũng sẽ mở ra một hướng mới về việc xã hội hoá vắcxin.

Nhà nước nên vận động toàn dân tham gia góp sức như chính chúng ta từng đã làm lâu nay thì việc dù có gian nan mấy, ngân sách dù có khó mấy, song một khi được toàn xã hội chung sức, chung lòng đóng góp, nó đều có kết quả khả quan.

Việc làm của Vingroup vừa mới đây cũng không phải là lần đầu họ đóng góp chống đại dịch và cũng không phải là doanh nghiệp đi tiên phong. Trước đó, đã có nhiều doanh nghiệp, thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp đóng góp kinh phí để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, số kinh phí Vingroup đóng góp lần trước cũng như lần này đều rất lớn. Nếu như đất nước ta cũng có nhiều doanh nghiệp lớn khác cùng tham gia, tôi tin rằng Nhà nước sẽ bớt đi phần nào khoản chi từ gánh nặng ngân sách.

Tôi được biết, trước mắt Nhà nước ta cũng chưa phải rút ngân sách từ tài khoá của năm 2021 mà là từ nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa chi của năm 2020 là 12 nghìn tỉ đồng cho việc đặt hàng mua lần này. Vì thế, nếu chúng ta quyết định phát động một phong trào rộng lớn, bài bản thì dù cho họ không góp cho cả xã hội thì chí ít các doanh nghiệp nào còn “sức khỏe”, họ sẽ sẵn sàng đóng góp để cho cán bộ, công nhân của riêng mình được tiêm chủng.

Với doanh nghiệp nào khó khăn, khó trụ nổi thì Nhà nước sẽ hỗ trợ cũng là chuyện chúng ta đã tính đến. Như vậy sẽ đỡ đi gánh nặng cho Nhà nước để Đảng và Chính phủ có thể nghĩ thêm các gói hỗ trợ khác giúp dân, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này. 

 QUỐC PHONG

Ý kiến bạn đọc