Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh: “Tôi muốn kể câu chuyện Việt Nam đặc biệt và độc đáo!"

VHO - Theo nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM (HPDF),đã đến lúc toàn xã hội cùng với Nhà nước hướng tới việc định vị và xây dựng thương hiệu/ hình ảnh tiêu biểu của đất nước, trong đó xác định những thế mạnh để phát huy, lan tỏa.

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh: “Tôi muốn kể câu chuyện Việt Nam đặc biệt và độc đáo!

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM trong một sự kiện Ảnh: HPDF

"Văn hóa vừa là môi trường sống vật chất lẫn tinh thần của mọi người, đồng thời là yếu tố để phân biệt cộng đồng dân tộc này với cộng đồng dân tộc khác, văn hóa định vị và định tính một dân tộc”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh, đồng thời cho biết, đó cũng là lý do để bà quyết tâm thực hiện Diễn đàn Việt Nam “Thời khắc Việt” với  niềm tin sâu sắc rằng, người Việt  Nam, bất kể ở đâu, chính là những người làm nên tâm hồn và trí tuệ Việt, sức mạnh và bản sắc dân tộc của thương hiệu đất nước.  

Lần đầu tiên tổ chức một diễn đàn đa diện và khác biệt  

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh là người khởi xướng và đang triển khai Diễn đàn Việt Nam “Thời khắc Việt” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Bà cùng các cộng sự và mạng lưới những người tâm đắc ủng hộ đang tích cực hoàn thành các dự án để sự kiện diễn ra vào tháng 5.2024 tới đây tại TP.HCM. Đây là diễn đàn có ý nghĩa, nhằm xây dựng thương hiệu đất nước với một cốt lõi là “sức mạnh mềm” văn hóa; thông qua đó để khẳng định, văn hóa là  chủ đề xuyên suốt, con người là vốn quý nhất để góp phần hình thành, xây dựng thương hiệu đất nước.  
“Thời khắc Việt” là diễn đàn đa diện, khác biệt với các hoạt động đa dạng và ý nghĩa theo ba chủ đề có quan hệ liên hoàn: Văn hóa -  Kết nối - Sáng tạo; với mong muốn tạo ra không gian mà trong đó những người tham gia sẽ thuyết  trình, thảo luận, chia sẻ về hành  trình cuộc đời, sự nghiệp. Đó là những hoạt động giao lưu, kết nối, đối thoại, trưng bày và biểu diễn về các lĩnh vực: Âm nhạc, hội họa, điện ảnh, ẩm thực, công nghệ, sáng tạo…  
Trong khuôn khổ của Diễn đàn sẽ trình bày kết quả của dự án nhánh Khảo sát thương hiệu quốc gia Việt Nam và căn tính Việt để có những góc nhìn về diễn tiến phát triển căn tính của quốc gia. Một điểm đặc biệt nữa là Bản đồ điện tử tài năng Việt  nhằm thể hiện một cách sống động và tôn vinh những thành tựu của  người Việt trong và ngoài nước cũng sẽ được ra mắt.  
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, đây là một sáng kiến không vì lợi nhuận do HPDF xúc tiến dưới sự bảo trợ của UBND TP.HCM, nhằm kết nối người Việt trong và ngoài nước; khuyến khích giao lưu hai chiều, tương tác và hợp tác giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài và Việt Nam; chia sẻ những bài học thành công, đặc biệt  là của thế hệ trẻ, qua đó làm rạng danh đất nước và cộng đồng người  Việt toàn cầu.  
Trao đổi với Văn Hóa, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ: “Ngày nay, dân số Việt Nam trong nước đang xấp xỉ 100 triệu người, trong khi số người Việt ở nước ngoài lên tới 5,3 triệu người trải khắp 135 quốc gia. Tuy nhiên, sự lan rộng về nơi định cư không phải là đặc điểm duy nhất của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mà  giờ đây cộng đồng này còn tỏa sáng với những thành tựu nổi bật, đa dạng và  đáng chú ý, đặc biệt là ở những người gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba.  
Đồng thời, thế hệ công dân trẻ Việt  Nam thể hiện hưởng lợi rõ ràng từ tiến  trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhiều mặt của đất nước. Ngày nay, chúng ta chứng kiến xu hướng ngày càng rõ nét là không ít người trở về hoặc chuyển đến Việt Nam để tìm kiếm hoặc tạo dựng cơ hội cho các dự án kinh doanh, đổi mới công nghệ, giáo dục, sáng tạo nghệ thuật, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, hoặc các  dự án cộng đồng…”.

Văn hóa định vị và định tính cộng đồng dân tộc 

Quay lại ba chủ đề lớn của Diễn đàn là Văn hóa, Kết nối, Sáng tạo, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho biết: “Qua tất cả hình thái và chiều kích khác nhau, văn hóa trường tồn qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, đời sống. Văn hóa là thực  thể, đang có thể và cần phải, khiến cho những người cùng giống nòi đến với nhau. Diễn đàn Việt Nam mong muốn thể hiện sự trân quý của người Việt, thổi hồn vào sự tương tác muôn màu muôn vẻ, đối với nền văn hóa Việt đa sắc và sâu rộng”.  
Trong khi đó, tiến bộ công nghệ cho phép tạo sự kết nối cần thiết để  khuyến khích và thuận lợi hóa giao tiếp, tương tác và xúc tiến hợp tác hiệu quả giữa người Việt trong và  ngoài nước với nhau, kết nối để đưa  Việt Nam và người Việt ra thế giới cũng như ở chiều ngược lại. Thành tố quan trọng thứ ba là sự sáng tạo. Trên hành trình thoát  khỏi sự nghèo khó phổ biến, tiến tới thành một nước thật sự đang phát triển và tham gia chuỗi cung ứng nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam và người Việt đang thể hiện sự sáng tạo trên nhiều lĩnh vực (từ công nghệ đến nghệ thuật) và với những hình thức khác nhau. Khả năng này cần được khuyến khích và nuôi dưỡng hơn nữa.  
Chung quy lại, văn hóa định vị và định tính một cộng đồng dân tộc xuyên thời gian và không gian. Văn hóa là một tổng thể sống muôn màu muôn vẻ, chuyển động theo thời gian và cuộc sống, kết hợp truyền thống và di sản dân tộc với hơi thở của thời đại và nhân loại. Văn hóa phải sáng tạo để trường tồn, mỗi thế hệ vừa gìn giữ, vừa đổi mới và làm phong phú thêm di sản vă  hóa của dân tộc.  
Nhờ công nghệ, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước kết nối, tương tác, tạo động lực hiệu quả và nguồn lực đầy đủ hơn để khơi dậy và nuôi dưỡng sáng tạo, đảm bảo sức sống và thu hút của văn hóa Việt trong hội nhập quốc tế. Diễn đàn Việt Nam mong muốn thể hiện rõ nét vòng tuần hoàn giữa  Văn hóa - Kết nối - Sáng tạo.  
Dự án Khảo sát thương hiệu quốc gia Việt Nam và căn tính Việt sẽ sử dụng kết hợp các câu hỏi để thu thập dữ liệu từ nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có  công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam, người Việt  ở nước ngoài và những người có ảnh hưởng. Khảo sát này kỳ vọng có được những góc nhìn chủ quan và khách quan, từ cả những người  “bên trong” lẫn những người có  mức độ tiếp cận khác nhau với văn hóa Việt Nam.  
“Xác định thương hiệu quốc gia của Việt Nam và căn tính Việt có  ý nghĩa quan trọng trong một thế giới mà các quốc gia và dân tộc ngày càng nối kết với nhau hơn, và các nền văn hóa có xu hướng vừa hội tụ vừa tách biệt. Với việc nhận thức được điều tạo nên sự độc đáo của Việt Nam, các cá nhân, tổ chức và ngay chính quốc gia có thể tận dụng thế mạnh của đất nước để củng cố sự hiện diện mạnh mẽ trên phương diện quốc tế cũng như thông qua cộng đồng gốc Việt, đồng thời thu hút đầu tư, cơ hội và nhân tài”, Chủ tịch HPDF cho hay.  

Câu chuyện Việt Nam vô cùng đặc biệt và độc đáo 

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt qua tất cả các hoạt động đa dạng này sẽ là “The Vietnam Story - Câu chuyện Việt  Nam”, với những gì làm nên tính chất đặc trưng hoặc “độc bản”  nhất cho Việt Nam và người Việt.  
Tại sao lại là Diễn đàn Việt  Nam “Thời khắc Việt”? Tại sao  lại là bây giờ? Trả lời những câu  hỏi này, nhà ngoại giao gốc Huế  nhấn mạnh: Bởi niềm tin sâu sắc rằng, sau gần 50 năm tái thiết  và phát triển, giờ đây, thời khắc  đã đến để đất nước và con người Việt Nam tỏa sáng, cùng nhau vươn lên khẳng định mình và tự  hào đóng góp vào nỗ lực chung  của nhân loại trên nhiều lĩnh vực.  
“Tôi khẳng định là đất nước nào cũng có đặc thù và câu chuyện để kể. Nhưng ở Việt Nam, do quá  trình lịch sử từ xa xưa và nhất  là trong thế kỷ XX, câu chuyện  của Việt Nam vô cùng đặc biệt và  độc đáo. Sự đặc biệt, độc đáo có  liên quan đến chiến tranh và sự  vươn lên sau chiến tranh. Chiến tranh ác liệt, tàn phá như thế mà cho đến ngày hôm nay, đất nước chúng ta vươn lên được như thế này là vô cùng phi thường. Sự độc đáo còn thể hiện ở tinh  thần hòa hiếu, ngoại giao cây tre,  “thêm bạn, bớt thù” trong chính  sách đối ngoại.  
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Diễn đàn “Thời khắc Việt” không chuyên về văn hóa nhưng sẽ bàn nhiều về câu chuyện văn hóa, đó là làm thế nào để văn hóa trường tồn qua thời gian và bước tiến  của đời sống xã hội. Bởi vì đối với người Việt, văn hóa là mẫu số chung kết nối mọi người.  
Dẫn chứng trường hợp anh Nguyễn Hoài Tiến chào đời trên đất Mỹ, không biết tiếng Việt và tiếp nhận nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhưng luôn muốn biết đất nước nơi cha mẹ mình sinh ra  như thế nào, văn hóa ở đó ra sao...  Khi làm cho một viện nghiên cứu  ở phía Nam nước Mỹ, anh tình cờ gặp con trai tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Mối duyên gặp gỡ này đã dẫn dắt  Hoài Tiến trở về Việt Nam. Sau  đó, anh học và nói tiếng Việt trôi chảy như thanh niên Hà Nội, còn lập công ty xuất khẩu hàng sang  Mỹ và châu Âu.  
Dẫn chứng thêm những người  trẻ khác chọn về Việt Nam theo tiếng gọi của gốc gác, căn tính Việt, bà nhận xét: “Điều đó cho  thấy đất nước đang đi lên và ngày càng cởi mở. Những người gốc Việt chọn trở về cho thấy rằng dòng chảy không còn một  chiều nữa. Tiếng gọi của gốc rễ văn hóa là sức mạnh khiến họ quay về”.

Tôi khẳng định là đất nước nào cũng có đặc thù và câu chuyện để kể. Nhưng ở Việt Nam, do quá trình lịch sử từ xa xưa và nhất là trong thế kỷ XX, câu chuyện của Việt Nam vô cùng đặc biệt và độc đáo. Sự đặc biệt, độc đáo có liên quan đến chiến tranh và sự vươn lên sau chiến tranh. Chiến tranh ác liệt, tàn phá như thế mà cho đến ngày hôm nay, đất nước  chúng ta vươn lên được  như thế này là vô cùng phi thường. Sự độc đáo còn thể hiện ở tinh thần hòa hiếu, ngoại giao cây tre, “thêm bạn, bớt thù” trong chính sách đối ngoại”. 

(Bà Tôn Nữ Thị Ninh) 

THÙY TRANG 

Ý kiến bạn đọc