Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Hai kỳ vọng gửi đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Thứ Ba 23/11/2021 | 21:47 GMT+7

VHO – Sáng mai 24.11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chính thức diễn ra. Trước thềm hội nghị, ông Trần Thế Thuận - Thành ủy viên, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM gửi đến những mong muốn, kỳ vọng để phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận. Ảnh: T.TRANG

“Tôi chờ đợi ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là chúng ta xây dựng được một hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Song song đó, kỳ vọng mà tôi muốn nói đến đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ mở ra những định hướng về cơ chế, chính sách để tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện của xã hội”, ông Trần Thế Thuận nhấn mạnh.
Dựa vào văn hóa mà xây dựng kỷ cương xã hội
Trong quá trình hội nhập cùng quốc tế, Việt Nam hiện nay ngày càng có nhiều cơ chế, chủ trương cởi mở về nhiều mặt, trong đó có 3 lĩnh vực lớn là kinh tế, xã hội và văn hóa. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cũng xuất hiện nhiều mặt trái đã làm lệch lạc các giá trị văn hóa, đã xuất hiện nhiều vụ việc có biểu hiện xuống cấp trầm trọng của đạo đức, lối sống. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã cho thấy sự tác động mạnh mẽ đến từng cá nhân, từng gia đình Việt Nam. Mối quan hệ trong gia đình ngày càng lung lay, tình nghĩa vợ chồng, đạo hiếu giữa cha mẹ, con cái không còn được giữ gìn. Do đó, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là vấn đề hết sức cần thiết và cần phải có những giải pháp cụ thể. Trong đó, chúng ta phải nhận biết được các yêu cầu đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở thời kỳ mới.
Thời kỳ toàn cầu hóa là giai đoạn mà văn hóa nước ta càng phải thể hiện rõ vai trò, là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển xã hội. Dựa vào văn hóa mà xây dựng kỷ cương xã hội, xây dựng các quy ước, quy tắc phù hợp với sự phát triển của xu thế. So với giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, đến thời điểm hội nhập hiện nay, văn hóa của nước ta không được dừng lại ở nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa của nước ta phải là nền văn hóa nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nghĩa tình và là một nền văn hóa bản lĩnh, hội nhập tốt với thế giới. Một nền văn hóa vừa có đủ các yếu tố đạo đức, trí tuệ và khát vọng để xây dựng con người Việt Nam có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất để hội nhập cùng thế giới nhưng vẫn phải giữ gìn và phát huy hiệu quả các giá trị tốt đẹp của dân tộc từ xưa đến nay.

Để phát triển con người Việt Nam toàn diện hướng đến chân – thiện – mỹ, cần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Ảnh: T.TRANG

Xây dựng được một hệ giá trị văn hóa Việt Nam
Trong đó, hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi của con người Việt Nam là hệ giá trị đã được khẳng định nhiều lần trong các văn kiện của Đảng. Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam luôn hiện diện, nhưng khó mà cảm nhận được đầy đủ. Vì vậy, cần phải chủ động và nâng cao hơn nữa nhận thức, xây dựng được hệ giá trị con người Việt Nam phù hợp với xu thế để phát triển nhanh, bền vững và đạt được đúng mục tiêu đề ra. Trải qua quá trình lịch sử bảo vệ đất nước và những bước ngoặc lịch sử quan trọng, Việt Nam chúng ta cần phải hội nhập, liên kết cùng các quốc gia khác trên thế giới để cùng phát triển, phù hợp với sự chuyển hóa mạnh thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ về thể chế, từ xã hội nông nghiệp chuyển sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để bắt kịp xu thế phát triển chung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong giai đoạn hội nhập hiện nay của nước ta, các hệ giá trị hiện đang xung đột lẫn nhau, các giá trị mới và cũ sẽ mâu thuẫn với nhau, có những giá trị ngày xưa trở nên lỗi thời, phải loại bỏ; có những giá trị xưa không được thừa nhận nay lại trở thành giá trị buộc phải chấp nhận, là xu thế chung của cả thế giới. Nếu không chủ động nhận thức được vấn đề này, không hoàn thiện cả về thế chế lẫn xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thì rất khó khăn và chậm chạp trong sự phát triển và hội nhập cùng các quốc gia trên thế giới. Mọi hệ giá trị mới xây dựng đều cần những giá trị truyền thống và hiện đại đan xen lẫn nhau, có những giá trị cần bổ sung, thay thế lẫn nhau. Để xây dựng được hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, cần phải có sự nghiên cứu một cách khoa học để xác định được giá trị nào cần bảo tồn, giá trị nào là thói hư, tật xấu phải loại bỏ.
Để phát triển con người Việt Nam toàn diện hướng đến chân – thiện – mỹ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, cần phải tiếp tục tăng cường đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Từng bước khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. 
Tuy nhiên, trong thời đại mới, rõ ràng, tất cả các giá trị trong hệ giá trị cốt lõi đang bị tác động hết sức mạnh mẽ theo chiều tiêu cực của điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với khu vực và quốc tế. Đó là một thực tế không thể không xem xét, đánh giá về hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện đại. Chính vì thế, hệ giá trị của người Việt Nam hiện đại, trước tiên là để góp phần gìn giữ hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi vốn có của người Việt Nam, đồng thời hướng tới việc hình thành, hoàn thiện hệ giá trị đáp ứng yêu cầu Việt Nam hội nhập. 
Các hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam được xây dựng trên nền tảng sâu rộng và vững chắc của việc xây dựng Gia đình văn hóa, chúng ta cần phải quan tâm đến việc xây dựng gia đình Việt Nam, cần có những định hướng cho gia đình ngày càng phát triển đúng hướng, và với người Việt Nam gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng, gia đình là tế bào tạo nên xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc là tiền đề xây dựng nhân cách, xây dựng con người Việt Nam.

Thiết chế văn hoá thể thao có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong ảnh, biểu diễn Đờn ca tài tử phục vụ người dân trước Nhà hát Thành phố. Ảnh: T.TRANG

Kỳ vọng mở ra cơ chế, chính sách tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa
TP.HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước, mà còn là một trung tâm lớn về văn hóa – giáo dục – xã hội ở phạm vi quốc gia. Điều đó đặt ra vấn đề vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thành phố. Đảng, Nhà nước ta trong những năm qua đã quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực cần thiết để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá. Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đến nay các chủ trương này tiếp tục được khẳng định trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ, Nghị quyết số 33/NQ-TW, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2014) về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Văn kiện Đại hội XII của Đảng đều nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá. Có thể nói, thiết chế văn hoá thể thao có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành công trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay. 
Tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách về cơ hội tiếp cận, mức độ thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, thể thao giữa người dân thành thị - nông thôn, giữa khu vực trung tâm thành phố, vùng ven và các huyện ngoại thành; giữa các tầng lớp dân cư. Hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa thật sự thu hút đông đảo người dân. Một phần không nhỏ thiết chế văn hóa, thể thao công lập đã xây dựng từ trước năm 1975 nên đã lạc hậu, xuống cấp, hư hỏng nặng. Một số khác được xây dựng mới nhưng chưa đáp ứng so với với nhu cầu phát triển của xã hội. Nguồn nhân lực, tài chính chưa đủ mạnh để nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Việc quy hoạch quỹ đất dành cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn hạn chế do nhiều dự án quy hoạch phải ưu tiên xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, áp lực dân số TP.HCM tăng ngày một nhanh. Thiết chế văn hoá thể thao vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng. Nhìn nhận, đánh giá thực trạng nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thể thao đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với môi trường TP.HCM là yêu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, bởi đó là cơ sở, nền tảng đầu tiên để văn hóa có thể trở thành nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo, tập hợp ý chí, quyết tâm, sự đồng thuận của toàn xã hội. 
Như vậy, không chỉ riêng tại TP.HCM, công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cần có những chính sách, chủ trương và cơ chế phù hợp; việc xây dựng, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vừa giải quyết yêu cầu cấp thiết của thực tiễn xây dựng đời sống, vừa phù hợp với những định hướng về phát triển lĩnh vực văn hóa của Đảng và Nhà nước. 



Cần đón đầu xu thế trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Cùng với với xu thế phát triển, toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta phải đặc biệt chú trọng việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó, xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, với mục tiêu cụ thể là phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 7% vào năm 2030 và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người. Song song đó, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định công nghiệp văn hóa là ngành có nhiều khả năng đem lại nguồn thu lớn, tạo ra rất nhiều vị trí việc làm đáng kể, phù hợp với mũi nhọn phát triển của Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Do đó, trong xu hướng toàn cầu hóa của cả thế giới, các quốc gia đều tập trung phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp văn hóa. Việt Nam chúng ta phải đón đầu được xu thế này, trở thành quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển, trở thành quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu và cung cấp nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao đến các quốc gia trong khu vực và thế giới.  
Với tiến trình phát triển rất nhanh của nền công nghiệp văn hóa trên thế giới hiện nay, đặc biệt là các cường quốc, chúng ta phải xác định phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế mà trên thực tế, công nghiệp văn hóa đã được thừa nhận như một ngành sản xuất, như lực lượng sản xuất văn hóa, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. 
Để làm được điều này, Việt Nam cần nhiều hơn các chủ trương để thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa, có chính sách khuyến khích, kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, thể thao, nghệ thuật; tạo điều kiện tiếp tục phát triển các cơ sở văn hóa, thể thao ngoài công lập. Về cơ chế, cần lắng nghe đề xuất của các nhà đầu tư, trên cơ sở đó xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Các cấp, các ngành cùng chung tay xây dựng cơ chế, chính sách, đặc biệt là các tỉnh thành mang tính đặc thù như TP.HCM hay các thành phố lớn trực thuộc Trung ương cần hơn nữa tính đột phát, chính sách đặc thù để thu hút sự đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và nghệ thuật. Cần xây dựng và phát triển các cơ chế chính sách vượt trội nhưng không được trái với quy định của pháp luật trong nước và luật quốc tế.

TRẦN THẾ THUẬN
(Giám đốc Sở VHTT TP.HCM)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Tin tức nổi bật

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top