Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần

VHO - Lễ hội khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 năm nay không quá đông đúc và vì vậy cũng diễn ra khá yên bình. Trong đêm khai ấn 14 tháng Giêng (23.2), dù trời mưa nhưng nhiều người dân và du khách vẫn về đền thiêng đi lễ đầu năm, thành kính dâng hương tri ân các bậc tiền nhân.

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 1

Các đại biểu dự đêm khai ấn

Dự đêm khai ấn có Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long;  Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Quốc Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đình Nghị; lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng đông đảo người dân và du khách thập phương.

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 2

Các bậc cao niên phường Lộc Vượng thực hiện nghi lễ trước giờ Khai ấn

Năm nay, người dân tiếp tục được chứng kiến cảnh tượng một đêm khai ấn bình yên. Vào thời điểm khai ấn, lượng người đổ về đền đông hơn, các biện pháp an ninh được siết chặt, BTC lễ hội đổi mới trong công tác kiểm soát người vào đền nên đêm khai ấn không diễn ra những cảnh tượng xô bồ, chen lấn.

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 3

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 4

Nghi lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường

Lễ khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn được tổ chức trang trọng vào đêm 14 tháng Giêng (tức ngày 23.2.2024) tại Khu di tích Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Lượng quan khách, đại biểu và nhân dân tham dự lễ dâng hương và khai ấn không đông, các biện pháp an ninh được thực hiện chặt chẽ, bài bản với nhiều vòng kiểm soát.

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 5

Lễ Khai ấn (giờ Tý đêm ngày 14 tháng Giêng) là nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần truyền thống, gồm các hoạt động: từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương, từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường, từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn, dâng Chúc văn.

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 6

Những nghi thức thiêng liêng được thực hiện trong đêm khai ấn

Đọc diễn văn tại Lễ khai ấn, Chủ tịch UBND TP. Nam Định Phạm Duy Hưng khẳng định công lao to lớn của vương triều nhà Trần - một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Các vua Trần đã có công khai sông, lấn biển, mở mang bờ cõi, xây dựng quê hương đất nước, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 7

Lễ khai ấn được duy trì tổ chức hằng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Nam Định.

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 8

Nghi lễ rước kiệu ấn năm nay không xuất hiện những hình ảnh phản cảm như ném tiền, cướp lộc

Nghi lễ khai ấn được thực hiện trang trọng tại ban thờ Trung thiên, đền Thiên Trường với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn. Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng. 
Sau khi hoàn thành nghi lễ khai ấn, cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Năm nay, công tác an ninh tiếp tục được siết chặt, BTC lễ hội đổi mới trong công tác kiểm soát người vào đền nên đêm khai ấn không diễn ra những cảnh tượng xô bồ, chen lấn. Công an thành phố Nam Định cho biết, sau lễ khai ấn, toàn đội tiếp tục nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người dân và du khách vào đền đi lễ đầu năm. Đặc biệt, công tác an ninh trật tự thời điểm bắt đầu phát ấn sáng ngày Rằm được quán triệt cần thực hiện nghiêm túc.

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 9

Dù về đêm trời ngày càng mưa to nặng hạt nhưng nhiều người đi lễ vẫn đội mưa thực hiện các nghi lễ thiêng cầu may mắn đầu xuân mới

Theo ghi nhận của phóng viên, dù về đêm trời ngày càng mưa to nặng hạt nhưng nhiều người đi lễ vẫn đội mưa thực hiện các nghi lễ thiêng cầu may mắn đầu xuân mới. Nhiều người tìm tạm nơi trú để chờ đến giờ phát ấn.
Từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng (ngày 24. 2), nhà đền bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách ở các điểm: nhà Giải Vũ tại Cung Thiên Trường, Đền Cố Trạch và nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng (25.2) tổ chức tế, lễ Tết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung…

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 10

Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị. Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương”. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu Di tích Lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp cho biết, dù thời tiết đêm khai ấn mưa to nhưng BTC lễ hội vẫn dự kiến sẽ có rất đông người dân và du khách thập phương về với đền Trần kể từ sáng ngày Rằm. Vì vậy, các phương án đảm bảo an ninh trật tự để lễ hội diễn ra an toàn được “lên dây cót” sẵn sàng từ nhiều ngày trước.

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 11

BTC và nhà đền dự kiến phát hành hơn 30 vạn ấn bản để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương.
“Năm nay, công tác tuyên truyền về ý nghĩa của di tích, lễ hội, về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự được tăng cường. Về với đền Trần, du khách không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc, các tài liệu, hiện vật thời Trần, tư liệu quý về 14 vị vua Trần và các tướng lĩnh nhà Trần…”, ông Nguyễn Đức Bình cho biết.
Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, nghi lễ đặc sắc như Lễ rước kiệu Ngọc Lộ (ngày 11 tháng Giêng); Lễ rước Nước, tế Cá (ngày 12 tháng Giêng)… được tổ chức trang trọng, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách. Trong đó, nghi thức lễ rước Nước, tế Cá là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa nhân văn và lịch sử; tái hiện các nghi lễ truyền thống được thực hiện từ xa xưa gắn với truyền thống xuất thân nghề sông nước, chài lưới của nhà Trần. 

Du khách đội mưa đêm khai ấn Đền Trần - Anh 12

Người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm

Để Lễ hội Khai ấn đầu xuân năm nay thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa, năm nay lễ hội có nhiều nét mới. BTC tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi như biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; tổ tôm điếm; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát Chèo; hát Văn; hát Xẩm; múa rối nước; chương trình “Mùa Xuân thượng võ”, biểu diễn võ thuật, thi đấu vật; chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh; trưng bày triển lãm sinh vật cảnh, giới thiệu các sản phẩm OCOP Nam Định; Triển lãm “Hành cung Thiên trường - Dấu ấn vàng son”, triển lãm “Ảnh đẹp du lịch Nam Định...
Cùng với việc tổ chức đa dạng các hoạt động văn hoá văn nghệ, để tạo không gian rộng rãi cho Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm nay, toàn bộ các ki-ốt trưng bày, triển lãm, dịch vụ được di chuyển sang sân Quảng trường Đông A khu trung tâm lễ hội Trần. Từ đó, tạo không gian thông thoáng cho khu vực khuôn viên Đền Trần, đảm bảo uy nghiêm, tránh tình trạng du khách đi lễ, tham quan phải chen lấn, xô đẩy như mọi năm.

PHƯƠNG ANH, ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc