Đưa tỏi Lý Sơn thành sản phẩm du lịch đặc trưng

VHO - Cây tỏi là nông sản chủ lực, nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Để cây tỏi phát triển bền vững, chính quyền và người dân nơi đây đang có nhiều giải pháp phát triển nghề trồng, chế biến nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Đưa tỏi Lý Sơn thành sản phẩm du lịch đặc trưng - Anh 1

Cánh đồng tỏi ở đảo Lý Sơn

Những ngày này đến đảo Lý Sơn du khách sẽ bắt gặp một màu xanh trải dài của cánh đồng tỏi, bà con đang tất bật thu hoạch. Vụ tỏi năm nay, nông dân Lý Sơn xuống giống gieo trồng trên 310 ha. Bà Trần Thị Tình ở thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn cho biết, vụ tỏi này gia đình bà trồng sớm hơn mọi năm, tuy năng suất không cao nhưng tránh được cảnh mất mùa như mùa vụ năm trước. 
“Gia đình tôi trồng 2.000 mét vuông, thu được khoảng 2 tấn tỏi tươi. Giá tỏi tươi tại đảo 50.000 đồng/kg, đầu năm mà được mùa tỏi là người nông dân nơi đây mừng, bởi vụ tỏi là vụ trồng chính trong năm”, bà Tình nói. 

Đưa tỏi Lý Sơn thành sản phẩm du lịch đặc trưng - Anh 2

Nông dân đang thu hoạch tỏi vụ Đông Xuân

Mỗi sào tỏi nông dân Lý Sơn đầu tư từ 12 -  15 triệu đồng. Sau 4 tháng canh tác, mỗi sào thu được từ 400 – 500kg, năng suất đạt 79 tạ/ha, sản lượng 2.450 tấn tỏi tươi, giảm hơn 60% so với vụ tỏi 4 năm trước. Theo người trồng tỏi, nếu được mùa thì mỗi sào phải đạt từ 600 – 700kg, còn năm nay tỏi không đều, củ nhỏ, giá cả cũng không tương xứng với giá trị đích thực của đặc sản nổi tiếng này.
Một tuần trước Tết Nguyên đán, tỏi tươi tại đảo vượt mức 100.000 đồng/kg, thời điểm chính vụ nông dân thu hoạch đại trà đi tiêu thụ thì giá tỏi bất ngờ giảm sâu. Nông dân trên đảo loay hoay tiêu thụ ít tỏi tươi để lấy tiền trang trải chi phí đầu tư.

Đưa tỏi Lý Sơn thành sản phẩm du lịch đặc trưng - Anh 3

Mỗi sào thu được từ 400 – 500kg/ tỏi

Ông Mai Văn Đủ ở thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn cho hay: “Gia đình nào kẹt tiền thì bán tươi với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg để xoay sở tiền phân, thuốc trừ sâu và nhiều thứ khác, còn không thì thu hoạch về phơi khô đợi giá tăng thì bán để kiếm lời chứ bán tươi không bù được công sức bỏ ra”.
Chật vật khâu tiêu thụ, trữ tỏi chờ giá tăng là cách mà lâu nay người trồng tỏi vẫn làm khi giá tỏi thấp. Thế nhưng, cách làm này thiếu bền vững, bởi hiện nay tỏi Lý Sơn phải cạnh tranh cùng lúc với nhiều loại tỏi được trồng ở các địa phương, có năm tỏi Lý Sơn giảm giá mạnh khiến người trồng tỏi khó khăn.

Đưa tỏi Lý Sơn thành sản phẩm du lịch đặc trưng - Anh 4

Hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ để giải quyết vấn đề được mùa mất giá, được giá mất mùa

Giá tỏi Lý Sơn những năm gần đây luôn biến động do thiếu liên kết sản xuất. Song song với việc tăng cường quản lý chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, một hướng đi mới để nâng tầm giá trị cho đặc sản này là hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ để giải quyết vấn đề được mùa mất giá, được giá mất mùa. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi liên kết này để đảm bảo đầu ra của sản phẩm sau thu hoạch cũng như hướng đến nghề tròng tỏi bền vững.

Đưa tỏi Lý Sơn thành sản phẩm du lịch đặc trưng - Anh 5

Tỏi Lý Sơn được bày bán cho du khách

Theo ông Võ Trí Thời, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, trong năm 2024 huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và thắt chặt hơn nữa việc các doanh nghiệp ký kết và liên kết sản xuất để cùng với người dân để nâng tầm tỏi Lý Sơn. Đồng thời hỗ trợ người dân tìm kiếm doanh nghiệp ký kết cung ứng tỏi lâu dài.
“Định hướng hỗ trợ người dân cùng các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước kết hợp chặt chẽ trong khâu sản xuất, tiêu thụ. Hỗ trợ người dân về kỹ thuật canh tác, với mong muốn người dân tận dụng được khoa học kỹ thuận, doanh nghiệp cũng tận dụng được liên kết này để tạo ra sản phẩm tỏi Lý Sơn chất lượng, và mở rộng”, ông Thời thông tin.

Đưa tỏi Lý Sơn thành sản phẩm du lịch đặc trưng - Anh 6

Tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng cả nước biết đến bởi hương vị đặc trưng độc đáo

Đến nay, tròn 14 năm tỏi Lý Sơn được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Thế nhưng, đến nay thương hiệu tỏi Lý Sơn vẫn chưa được khai thác và phát huy thế mạnh trên thị trường. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ là cầu nối liên kết quan trọng giữa người dân, doanh nghiệp để bảo đảm ổn định từ đầu vào đến đầu ra. Đồng thời, từng bước đưa tỏi Lý Sơn thành sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng cả nước biết đến bởi hương vị đặc trưng độc đáo: thơm dịu, cay dịu và có hàm lượng tinh dầu cao. Hương vị đặc trưng, đặc thù của tỏi Lý Sơn có được chính là sự kết tinh từ điều kiện tự nhiên, khí hậu và kỹ thuật canh tác truyền thống đặc biệt của người nông dân đất đảo. Giá thể trồng tỏi ở Lý Sơn là nguồn vật liệu đất núi lửa tại chỗ và hỗn hợp cát vụn san hô ven đảo. Chính kỹ thuật truyền thống và các giá thể bản địa mà thiên nhiên ban tặng cộng với khí hậu đặc trưng đã tạo nên danh tiếng tỏi Lý Sơn.

NHƯ ĐỒNG
 

Ý kiến bạn đọc