Lan tỏa tinh thần người phụ nữ

VHO - Hôm nay 8.3, là dịp kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ. Đây là ngày mà một nửa của thế giới được tôn vinh, tri ân và được yêu thương. Nhưng với các nữ VĐV xe đạp Việt Nam, ngày 8.3 những năm gần đây không có hoa, không có những lời chúc và không được bên cạnh người thân. Bởi họ phải chạy theo tiếng gọi của đam mê, của tinh thần thể thao tại giải xe đạp nữ quốc tế Biwase Cup, sân chơi mà hôm nay 8.3 sẽ thi đấu chặng 3, dài 120 km từ huyện Thống Nhất (Đồng Nai) về TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Lan tỏa tinh thần người phụ nữ - Anh 1

Việc được thi đấu, được trải nghiệm, thể hiện ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó để chiến thắng bản thân và mang vinh quang về cho đội đua chủ quản là món quà lớn nhất ca các nữ cua-rơ trong dịp 8.3

“Ngày hội” truyền thống của chị em

So với những đồng nghiệp nam thì các nữ cua-rơ có rất ít sân chơi trong năm. Bên cạnh Biwase Cup thì giải nữ An Giang vào tháng 7 là 2 sân chơi chính trong năm của xe đạp nữ Việt Nam. Do vậy mà cứ vào dịp đầu tháng 3 hằng năm, các chị em lại tích cực tập luyện, háo hức chờ ngày được tranh tài với những đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Trải qua 14 lần tổ chức, Biwase Cup đã trở thành ngày hội xe đạp truyền thống của các nữ cua-rơ. Từ một sân chơi quy mô vừa phải ở những năm đầu tổ chức, nay đã trở thành tour đấu đẳng cấp hàng đầu khu vực, quy tụ rất nhiều đội đua mạnh của Đông Nam Á và châu Á tham dự.

Với sự lớn mạnh không ngừng, giải đấu năm nay ghi nhận cự ly thi đấu dài kỷ lục (1.158 km) và số đội dự kỷ lục (20 đội). Điều này cũng đồng nghĩa giải sẽ mang lại nhiều thử thách hơn cho các nữ cua-rơ, đặc biệt là các tay đua trong nước. Nhưng đây cũng là cơ hội tốt để các nữ cua-rơ Việt Nam được cọ xát với các đối thủ mạnh, qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thi đấu để chuẩn bị cho các giải trong nước và giải quốc tế trong thời gian tới.

Hơn 100 tay đua thuộc 11 đội nữmạnh trong toàn quốc và 9 đội nữ quốc tế đã và đang chinh phục 10 chặng đua liên tục trong 10 ngày qua các cung đường đèo dốc của Tây Nguyên, bên cạnh những chặng đua đầy nắng, gió của Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Với các nam cua-rơ, việc phải thi đấu liên tiếp 10 ngày trên một lộ trình dài hơn 1.100 km đã là khó khăn chứ đừng nói đến phái yếu. Chưa kể các cung đường tại giải sẽ đi qua những khúc cua gấp, nhiều con dốc, đèo, trong đó thử thách lớn nhất là đèo Bảo Lộc, đèo Mimosa (Lâm Đồng) và đèo Vĩnh Hy (Ninh Thuận). Không những thế, thời tiết tại Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ - nơi đoàn đua sẽ đi qua vào thời điểm này thời tiết khá khắc nghiệt, trời nắng nóng, đặc biệt các cung đường biển tại Ninh Thuận, Bình Thuận hay BàRịa - Vũng Tàu đang có gió, điều này sẽ mang lại rất nhiều khó khăn cho các nữ cua-rơ. Đó vừa là thử thách nhưng cũng là cơ hội cho các nữ cua-rơ thi thố tài năng, tỏa sáng, thể hiện tinh thần thể thao, trên hết là lan tỏa tinh thần người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, biết vượt qua những trở ngại để trở thành người chiến thắng.

Quà 8.3… đặc biệt

Xe đạp đường trường là một trong những môn thể thao gian khổ và nguy hiểm nhất. Môn tốc độ này thi đấu trong điều kiện đặc thù nắng, gió, mưa, sương mù… qua những con dốc, đèo, khúc cua luôn rình rập nguy hiểm. Để theo đuổi và sống được với nghề, đòi hỏi các cua-rơ phải thật sự đam mê, dám đương đầu với nguy hiểm, gian nan và đau đớn về thể xác sau những lần “đo đường”. Với các nữ cua-rơ, việc theo nghề cũng đồng nghĩa họ chấp nhận thử thách, chịu thiệt thòi và đánh đổi nhiều thứ.

Ngày 8.3 là dịp để một nửa thế giới được yêu thương, được bên cạnh người thân với đóa hoa và những lời chúc mừng tình cảm. Nhưng với các nữ cua-rơ, đó là điều xa xỉ. Tay đua Trần Tuyết Nương - “hoa khôi” làng xe đạp Việt Nam, dịp 8.3 nào cũng thi đấu xa nhà, không được ở cạnh người thân dường như đã trở thành thói quen, dù năm nay cô mới lập gia đình. “Tôi đã gắn bó với xe đạp và đội đua Bình Dương được mười mấy năm. Biwase Cup diễn ra vào dịp 8.3 hằng năm, gần như năm nào tôi cũng tham dự và dần trở thành thói quen. Thật sự mà nói tôi cũng có một chút chạnh lòng, một chút buồn vì dịp 8.3 các bạn nữ khác được nghỉ ngơi, được ở bên cạnh gia đình còn mình thì phải thi đấu xa nhà. May mắn là tôi luôn được chồng cùng người thân ủng hộ, động viên. Chồng tôi cũng là 1 VĐV xe đạp nên anh ấy rất hiểu và cảm thông. Với tôi, việc được thi đấu với đam mê, được gặp gỡ những người đồng nghiệp, cùng tranh tài, chinh phục các cung đường, đặc biệt là giành thành tích cao cho đơn vị chủ quản, đó chính là niềm an ủi và là món quà 8.3 ý nghĩa, đặc biệt nhất”, Tuyết Nương bày tỏ.

Đặc thù của xe đạp đường trường là đi qua nhiều địa điểm và cung đường khác nhau, ở mỗi nơi đoàn đua dừng chân thường nhận được rất nhiều tình cảm và sự cổ vũ của người dân địa phương. Đó là dịp để những “bóng hồng” tranh nhau “đua nở” trên đường đua, thể hiện ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó để chiến thắng bản thân, vượt qua những khó khăn. Đó cũng là sự cổ vũ, khích lệ tinh thần cho “những cô gái thép” vì trước mắt họ còn nhiều thử thách trên yên “con ngựa sắt”.

Là một tuyển thủ quốc gia với nhiều năm kinh nghiệm thi đấu, Nguyễn Thị Thu Mai của đội đua An Giang cho rằng, món quà ý nghĩa nhất và cũng là động lực lớn nhất của bản thân là được thi đấu, cống hiến để mang vinh quang về cho CLB chủ quản và ĐTQG, để rồi từ những sự cố gắng đó bản thân nhận được sự yêu mến của người hâm mộ. “Xe đạp đường trường là môn thể thao khắc nghiệt nhưng Mai tự hào vì mình là phái yếu mà thi đấu môn này, ngay đúng dịp 8.3. Theo đuổi xe đạp rất gian khổ nhưng bản thân Mai có rất nhiều động lực để làm điều đó. Đầu tiên là được thoả mãn đam mê, sau đó là muốn cảm giác chinh phục, muốn chiến thắng bản thân. Động lực sẽ lớn hơn nên như sự nỗ lực của mình mang lại thành tích cao cho đội đua và ĐTQG cũng như nhận được sự tin yêu của khán giả, những người yêu xe đạp”, Thu Mai chia sẻ.

NGỌC LÝ

Ý kiến bạn đọc