Phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở An Giang gắn với phát triển du lịch

VHO - Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở An Giang là di sản có từ lâu đời, diễn ra vào dịp lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ hằng năm. Lễ hội đã vượt ra khỏi giới hạn môn thể thao truyền thống, trở thành nét độc đáo, hấp dẫn cho sản phẩm du lịch địa phương.

Phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở An Giang gắn với phát triển du lịch - Anh 1

Hội đua bò chùa Rô lần thứ IX vừa diễn ra tại tỉnh An Giang chào mừng lễ Sene Dolta năm 2023

Lễ hội đua bò thu hút đông đảo người dân và du khách, trở thành điểm hẹn vừa mang tính tôn giáo, vừa thỏa mãn nhu cầu du lịch, vui chơi không chỉ riêng của đồng bào Khmer mà còn thu hút sự tham gia của đồng bào các cộng đồng dân tộc anh em trong vùng.

Theo thông lệ của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi, lễ hội đua bò được tổ chức ở những thửa ruộng gần chùa. Hằng năm, vào mùa cấy, nông dân các phum, sóc dẫn bò đến cày, bừa làm công quả ở các thửa ruộng của chùa và các chủ bò bắt cặp đua bò, từ đó, trở thành các cuộc thi đua bò sôi nổi.

Phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở An Giang gắn với phát triển du lịch - Anh 2

Những đôi bò dũng mãnh nhất được chọn ra trận

Lễ hội đua bò ban đầu do sư sãi ở chùa đứng ra tổ chức và trao thưởng cho những đôi bò thắng cuộc. Những năm gần đây, lễ hội này ngày càng cuốn hút không chỉ người dân vùng Bảy Núi, mà còn thu hút du khách gần xa.

Từ năm 1992, UBND huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã luân phiên đăng cai tổ chức lễ hội đua bò Bảy Núi, với sự hỗ trợ của Sở VHTTDL. Để lễ hội diễn ra đông vui, nhộn nhịp, các chủ bò thường chuẩn bị những đôi bò tốt. Người huấn luyện những đôi bò đua là người có nhiều kinh nghiệm trong việc điều khiển những con bò tuân theo mệnh lệnh của mình. Tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, nơi có nghề trồng lúa nước truyền thống, may mắn có nguồn gen bò khỏe mạnh đúng theo tiêu chuẩn của cuộc thi.

Phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở An Giang gắn với phát triển du lịch - Anh 3

Hội đua bò diễn ra tại sân đua bò chùa Rô, xã An Cư, Thị xã Tịnh Biên

Người điều khiển bò bằng sự khéo léo, dũng cảm, họ biết phải đứng thế nào cho vững và phân phối sức lực cho bò trong từng vòng đua để giành đựợc chiến thắng. Đua bò còn cần đến roi (xalul) để điều khiển; roi được làm bằng cây tầm vông già, dài 70-80cm, đầu được gắn một vật nhọn từ 3-8cm tùy ý.

Khi đến chặng nước rút, người huấn luyện sẽ chích cây xalul vào mông bò làm cho chúng đau và phóng nhanh về phía trước. Người điều khiển bò chỉ đứng một chân trên giàn bừa, còn chân kia đứng trên thanh gỗ, nối ách cổ bò với bừa, trong tư thế lao về phía trước, tay thoăn thoắt vung xalul liên tục vào mông con bò.

Phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở An Giang gắn với phát triển du lịch - Anh 4

Các nài bò tranh tài sôi nổi

Các đôi bò tranh tài theo thể thức 1 vòng hô và 1 vòng thả (vòng đua tăng tốc về đích). Các nài bò thi đấu sôi nổi, với sự cổ vũ nhiệt tình của hàng ngàn khán giả, tạo nên không khí hào hứng, vui tươi trong ngày hội Sene Dolta. Hoạt động được duy trì thường xuyên nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống Khmer, vừa thu hút khách du lịch đến với Tri Tôn.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đào Sĩ Tuấn, hằng năm, chỉ tính riêng Lễ hội đua bò Bảy Núi đã đón hàng chục ngàn du khách. Do tính chất hào hứng, hấp dẫn, ngoạn mục và đầy bất ngờ, Lễ hội đua bò Bảy Núi đã vượt ra khỏi giới hạn môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi, trở thành nét độc đáo, hấp dẫn cho sản phẩm du lịch Bảy Núi nói riêng và tỉnh An Giang nói chung.

Phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở An Giang gắn với phát triển du lịch - Anh 5

Lễ hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội văn hóa - nông nghiệp độc đáo

Có thể nói, Lễ hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội văn hóa - nông nghiệp độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi - An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hội đua bò không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Búi An Giang, mà còn là một sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho bà con nông dân người dân tộc Khmer Nam Bộ sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng.

Phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở An Giang gắn với phát triển du lịch - Anh 6

Năm 2016, Hội đua bò Bảy núi được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là một trong những sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật của tỉnh An Giang từ nhiều năm nay. Lễ hội đua bò không chỉ là di sản văn hóa vùng đất miền núi biên giới, đây còn là sân chơi, nơi hưởng thụ văn hóa và tìm về truyền thống dân tộc. Sự kiện có giá trị đặc biệt trong sự kết nối tính cộng đồng DTTS Khmer với cộng đồng các dân tộc anh em. Lễ hội đua bò Bảy Núi trở thành niềm tự hào, hãnh diện của đồng bào DTTS ở huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên nói riêng, tỉnh An Giang nói chung.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc