Bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa Lễ mừng thọ của người M’nông

VHO - Ngày 19.11, Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ mừng thọ của người M’nông”.

Bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa Lễ mừng thọ của người M’nông - Anh 1

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo một số Sở, ban, ngành của tỉnh; các nhà khoa học, giảng viên chuyên ngành đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng; đại diện lãnh đạo Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện: Lắk, Krông Bông và Buôn Đôn; các nghệ nhân, già làng dân tộc M’nông trên địa bàn tỉnh...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó giám đốc Sở VHTTDL Lại Đức Đại cho biết, tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em từ các vùng miền về sinh cơ lập nghiệp, có thể ví như một Việt Nam thu nhỏ, đã đoàn kết một lòng chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, tạo nên những nét đẹp văn hóa cao nguyên độc đáo, phong phú, đa dạng, thống nhất và giàu bản sắc. Trong những năm qua, song song với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn được Đảng bộ quan tâm đặc biệt. Đến nay, tỉnh đã cấp 169 bộ chiêng, 723 bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào; tổ chức được 128 lớp truyền dạy đánh chiêng; phục dựng được trên 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại trung tâm văn hóa tỉnh và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Hội thảo nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của trên 20 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ nhân... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, địa phương. Theo các đại biểu, việc nghiên cứu, phát triển Lễ mừng thọ thành một sản phẩm du lịch cộng đồng là điều cần được quan tâm. Trong chương trình tour du lịch cộng đồng cần có nội dung trải nghiệm văn hóa truyền thống người M’nông. Phần đầu phục dựng trình diễn giới thiệu nguyên bản của lễ mừng thọ, phần sau có thể phát triển thêm nghi thức cầu chức sức khỏe cho du khách. Đưa Lễ mừng thọ thành một sản phẩm du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ mừng thọ mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa khác của người M’nông như ẩm thực, cồng chiêng, cải thiện cuộc sống của người dân.

Bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa Lễ mừng thọ của người M’nông - Anh 2

Lễ mừng thọ của người M’nông tại buôn Đung (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk)

Theo Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai, bản sắc văn hóa của người M’nông rất độc đáo, sinh động như: văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà dài, văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa sử thi, văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực, đặc biệt là văn hóa lễ hội hay còn gọi là văn hóa nghi lễ. Việc nghiên cứu, phục dựng Lễ mừng thọ của người M’nông cần được thực hiện trong bối cảnh gắn liền với cộng đồng và do cộng đồng làm chủ thể. Chủ thể là dân làng và cộng đồng dân tộc M’nông - những người thực hiện các nghi thức của Lễ, cũng như tự nguyện cùng gia

Hội thảo đưa ra các giải pháp hữu ích để duy trì, bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông; khai thác hiệu quả di sản gắn với phát triển du lịch, góp phần tạo thu nhập bền vững; nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Đắk Lắk. Nội dung, giải pháp trong tham luận tại Hội thảo được sử dụng, tham khảo trong quá trình xây dựng các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông trong thời gian tới.

Năm 2022, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk” (Lễ mừng thọ) đã được Bộ VHTTDL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ mừng thọ là phong tục tập quán tốt đẹp của người M’nông nói chung và người M’nông ở huyện Lắk nói riêng, thường tổ chức vào tháng 1 - 2 dương lịch hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương rẫy. Theo phong tục truyền thống của người M’nông, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức Lễ mừng thọ nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Theo thời gian, tuổi càng cao, lễ mừng càng lớn. Lớn nhất là lễ mừng thọ khi cha mẹ được 70 tuổi. Qua lễ mừng thọ, các thế hệ người M’nông muốn truyền dạy cho con cháu biết yêu thương, giúp đỡ nhau, sinh sống và làm ăn lương thiện.

Bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa Lễ mừng thọ của người M’nông - Anh 3

Trước đó, tối 18.11, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk với chủ đề "Hội tụ sắc màu"

Trước đó, tối 18.11, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk với chủ đề "Hội tụ sắc màu". Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, Đắk Lắk, nơi 49 dân tộc anh em cùng hội tụ tự hào là mảnh đất giàu tiềm năng, lợi thế về văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tiết mục múa "Sắc màu cao nguyên"

Các hoạt động tại Ngày hội góp phần cổ vũ nhân dân 49 dân tộc tiếp tục kề vai sát cánh, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, cùng giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; nỗ lực giữ gìn, giới thiệu các giá trị văn hóa tốt đẹp đến nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và trao truyền cho thế hệ trẻ, cùng chung tay xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.

PHƯƠNG THANH

Ý kiến bạn đọc