Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Đưa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Huế

Chủ Nhật 29/04/2018 | 22:56 GMT+7

(VH)- Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhà quản lý trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến đóng góp để đưa Ẩm thực cung đình và dân gian Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc cho vùng đất cố đô. Hội thảo khoa học quốc tế “Ẩm thực cung đình và dân gian Huế” diễn ra ngày 29.4 đã thu hút gần 200 đại biểu tham dự, trong đó có có 21 đại biểu đến từ các 9 nước quốc tế, gồm: Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Lào, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Thụy Sĩ, Pháp, Singapore.

TS. Nguyễn Nhã (trái) trao tặng các tư liệu quý về ẩm thực cho ông Vũ Hoài Phương- Trường Cao đẳng Du lịch Huế.

Quảng bá ẩm thực Huế ra thế giới

Trong số hơn 2.700 món ăn của cả nước, thì món ăn Huế đã chiếm hơn 65%, với hai dòng ẩm thực chủ đạo là Ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian Huế. Với ưu thế đó TS. Nguyễn Nhã- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam nói rằng, cần nhanh chóng đưa Huế trở thành một thủ phủ, kinh đô ẩm thực; và xây dựng một Bảo tàng ẩm thực Việt Nam tại thành phố này. Trước mắt, phải xây dựng một không gian của ẩm thực để phục vụ cho cộng đồng cư dân và thu hút du khách khi đến Huế.

Thực trạng thiếu điểm văn hóa ẩm thực Huế đã từng được nhiều chuyên gia cũng như các đơn vị du lịch đề cập. Trong khi nhu cầu thưởng thức văn hóa ẩm thực Huế của khách du lịch là rất lớn, nhưng hiện chỉ có ở một số nhà hàng riêng lẻ.

Toàn cảnh hội thảo khoa học quốc tế “Ẩm thực Cung đình và dân gian Huế” ngày 29.4.

Nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà (76 tuổi, TP.Huế) đã có hơn 60 năm với việc nấu ăn và là người đã đưa ẩm thực Cung đình và dân gian Huế đến quảng bá tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong hơn 20 năm qua, nhà hàng Tịnh Gia Viên của bà đã phục vụ rất nhiều  du khách quốc tế. Bà nói rằng: Muốn ẩm thực Huế gắn liền với phát triển du lịch bền vững thì cần tích cực bảo tồn và phát huy những yếu tố độc đáo mang đậm giá trị bản sắc vùng miền; không dễ dãi hoặc nấu ăn qua loa cho xong việc. Đặc biệt nếu cứ chạy theo lợi nhuận, mà không quan tâm đến chất lượng, giá trị đích thực thì món ăn Huế sẽ bị mai một sẽ là điều khó tránh khỏi.

Trong một thời gian dài, du lịch Huế chưa quan tâm đúng mức đến việc khai thác mạnh tiềm năng ẩm thực trong các chương trình xúc tiến điểm đến. Hiện nay, vẫn chưa tạo được hình ảnh sản phẩm du lịch ẩm thực nổi bật; và chưa hình thành được thông điệp sử dụng cho việc quảng bá ẩm thực ra thế giới…

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Sở đã xây dựng kế hoạch truyền thông “Huế- Kinh đô ẩm thực Việt – Sự tận hưởng kỳ thú” giai đoạn 2018-2020, chuẩn bị trình UBND tỉnh. Việc thực hiện kế hoạch này góp phần gìn giữ tinh hoa ẩm thực Huế; quảng bá ẩm thực Huế ra các nước trong khu vực và thế giới nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu “Huế- Kinh đô ẩm thực Việt”. Đồng thời vận động và thu hút cộng đồng xã hội và doanh nghiệp cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của ẩm thực Huế, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc và đưa lại hiệu quả kinh tế cho xã hội.

Nghệ nhân ẩm thực William Wongs đến từ Indonesia chia sẻ rằng: Chúng tôi không có hệ thống nhà hàng ẩm thực truyền thống như của Việt Nam tại các nước trên thế giới. Thế nên chúng tôi mong muốn mỗi người dân của đất nước Indonesia đều chung tay bảo tồn ẩm thực của mình. “Chúng tôi quảng bá phương pháp nấu ăn đến sinh viên quốc tế, đây là điều rất quan trọng góp phần đưa ẩm thực truyền thống ra với thế giới. Tại Indonesia, Bộ Giáo dục rất quan tâm tập trung vào việc bảo vệ giá trị truyền thống của ẩm thực đất nước, bằng cách đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy cho học sinh”- ông William Wongs nói.

Các doanh nghiệp ký kết hợp tác, cùng chung tay xây dựng ẩm thực Huế thành sản phẩm du lịch đặc sắc.

 Món nem công – món ăn cung đình Huế do nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà thực hiện được triển lãm, giới thiệu tại Phủ Nội vụ.

“Cơm sen” món ăn đặc sản của do các nghệ nhân xứ Huế chế biến.

 Chè nhãn bọc hạt sen đặc trưng của Huế, với vị ngọt thanh mát dịu.

Xây dựng “Trung tâm diễn giải ẩm thực Huế”

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã cho rằng: đã đến lúc chính quyền địa phương và ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế tính đến những cần nhanh chóng xây dựng hồ sơ di sản cho ẩm thực Huế.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói rằng: phải xác định nội dung, chủ đề của hồ sơ ẩm thực (ẩm thực Cung đình Huế; ẩm thực dân gian hay ẩm thực truyền thống Huế…) thì mới có quy trình cho việc xây dựng hồ sơ, bởi nó liên quan đến các tiêu chí cụ, mà nổi bật nhất là tính xác thực. Từ đó, ông Hải kiến nghị UBND tỉnh cần giao cụ thể cho một đơn vị thực hiện hồ sơ, cùng với việc mời thêm hội đồng tư vấn. “Ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian Huế có một khoảng cách khá lớn nên việc thực hiện hồ sơ cho ẩm thực cung đình không hề đơn giản”- ông Hải nói.

Cuối năm 2017 một nhóm nghiên cứu của ĐH La Rochelle và Trường Cao đẳng Du lịch Huế đã có một cuộc nghiên cứu thị trường, đưa ra con số: có 57% khách du lịch quốc tế đã tìm hiểu về ẩm thực Việt trước khi đến Việt Nam. Trong đó, tại Huế, có 51% khách du lịch có mong muốn được tham quan một điểm đến diễn giải về ẩm thực Huế và 36% có thể tham quan điểm diễn giải này nếu như bảo tàng, trung tâm diễn giải có tính hấp dẫn cao. Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế cho biết: trong quá trình hợp tác với Pháp về đào tạo nhân lực ngành du lịch, nhà trường đã xây dựng đề án về “Trung tâm diễn giải ẩm thực Cung đình và dân gian Huế”. Đây là mô hình mới lạ, táo bạo và hướng đến phục vụ cư dân địa phương cùng du khách trong nước lẫn quốc tế. Trong đó, du khách đóng vai trò là trung tâm của hành trình tham quan, khám phá, trải nghiệm độc đáo về ẩm thực cung đình và dân gian Huế.

“Đề án này sẽ góp phần đa dạng hóa và kiện toàn các sản phẩm du lịch cho tỉnh Thừa Thiên- Huế; xây dựng và định vị hình ảnh Huế là kinh đô ẩm thực của VN; tham gia vào tiến trình xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận văn hóa ẩm thực Huế là di sản văn hóa cấp quốc gia, sau đó là di sản thế giới”- ông Phương nhấn mạnh.

Ủng hộ ý tưởng của đề án này, ngay tại hội thảo, TS. Nguyễn Nhã đã trao nhiều tư liệu quý về ẩm thực mà ông đã dày công nghiên cứu cho ông Vũ Hoài Phương nhằm góp phần vào việc triển khai xây dựng “Trung tâm diễn giải ẩm thực Cung đình và dân gian Huế” trong thời gian sớm nhất.

Tại hội thảo, 6 đơn vị đã cùng “bắt tay” ký kết để chung sức phát triển cho ẩm thực Cung đinh đình và dân gian Huế thành sản phẩm du lịch đặc sắc, gồm: Trường Cao đẳng Du lịch Huế; Công ty Acecook Việt Nam; Công ty K.I; Công ty Phú Đạt Gia; Công ty Tin học Lạc Việt; chuỗi nhà hàng Thế giới Hải sản.

Song song với chương trình hội thảo, từ ngày 28.4 đến 2.5, tại di tích Phủ Nội vụ (khu di sản Hoàng cung Huế), BTC cũng đã tổ chức triển lãm, quảng diễn  và trải nghiệm 100 món ăn Cung đình và dân gian xứ Huế.

                                                                      Bài và ảnh: THÙY AN

 

 

 

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top