Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Di sản tư liệu: Những ký ức quý giá chung của nhân loại

Thứ Sáu 09/12/2022 | 12:19 GMT+7

VHO- Nhân kỷ niệm 30 năm Chương trình Ký ức thế giới, 16 năm Việt Nam tham gia Chương trình Ký ức thế giới, sáng 9.12 tại Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, cơ quan đầu mối của Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Tọa đàm “Hành trình ghi danh di sản tư liệu ở Việt Nam - hiện tại và tương lai”. Đồng thời, ra mắt cuốn sách Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ở Việt Nam của TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong bảo vệ di sản tư liệu

Phát biểu tại toạ đàm, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL), Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới Việt Nam Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, sự kiện nhằm thể hiện vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu Việt Nam tới đông đảo bạn bè, đồng nghiệp trong nước, khu vực và thế giới.

Toàn cảnh toạ đàm

Cũng theo bà Lê Thị Thu Hiền, năm 1992, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới (MOW). Chương trình ra đời nhằm ghi nhận những di sản tư liệu có giá trị, mang tầm quan trọng cấp quốc tế, khu vực và quốc gia;hướng cộng đồng vào việc gìn giữ các di sản từ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo tồn, tiếp cận những di sản tư liệu quý hiếm, có nguy cơ bị xâm hại ở nhiều nước và các khu vực khác nhau trên thế giới. Năm 2006, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. 

Từ khi tham gia Chương trình đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu theo tinh thần của Chương trình, thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý/sở hữu di sản tư liệu nói riêng. Từ đó, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và phát huy giá trị quan trọng của di sản mà họ đang nắm giữ. 

“Ngày 26.11.2022, 2 di sản tư liệu của Việt Nam đã được ghi vào Danh sách Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Thành phố An Đông (Hàn Quốc), nâng tổng số di sản được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh lên 09 di sản. Trong đó có 6 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản trường học Phúc Giang, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa), Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Văn bản Hán – Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) và 3 Di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và 82 văn bia thời Lê Mạc). Ngoài ra, còn có 2 hồ sơ di sản tư liệu đang nộp đề cử vào Danh sách Di sản tư liệu thế giới chu kỳ 2022 – 2023 là Cửu đỉnh hoàng cung Huế và Bộ sưu tập tài liệu của Nhạc sĩ Hoàng Vân”, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá nêu.

Ngoài ra trong nhiều năm gần đây, Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới đã có nhiều nỗ lực hướng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý Nhà nước về di sản tư liệu: xây dựng các quy định, TCVN thuật ngữ và định nghĩa, dự thảo Thông tư kiểm kê hay đề xuất các nội dung quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hoá (sửa đổi). Đây là vấn đề được các bộ, ban, ngành và địa phương trong cả nước ủng hộ, quan tâm. Sự ủng hộ được thể hiện qua các góp ý và thống nhất với các chủ trương và định hướng của Bộ VHTTDL về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu. Bên cạnh đó, việc tiếp cận, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về quản lý, quảng bá di sản cũng được Việt Nam được quan tâm, đầu tư bằng việc ban hành các Chương trình bảo tồn bền vững và số hoá di sản văn hoá Việt Nam của Chính phủ; đầu tư đào tạo các chuyên gia sâu về di sản tư liệu; tham gia các khoá tập huấn, khoá học, hội nghị, hội thảo trong nước, khu vực và thế giới… 

Các đại biểu tham dự toạ đàm

Bà Lê Thị Thu Hiền khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín và hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên. Từ năm 2018, do tích cực củng cố đầu mối hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động liên kết với Chương trình, hướng tới việc hoàn thiện các quy định hành lang pháp lý và tổ chức bộ máy, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức khu vực châu Á- Thái Bình Dương (MOWCAP) (2018 - nay).

Đây thực sự là những hoạt động thiết thực với sự nỗ lực và trách nhiệm cao của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam và những người tâm huyết với di sản tư liệu nói riêng, di sản văn hoá nói chung, với mong muốn những việc làm hiện tại sẽ là nền tảng vững chắc cho hoạt động quản lý, bảo vệ di sản tư liệu trong nước và lan toả các giá trị Việt Nam còn đang tiềm ẩn đối với bạn bè, đồng nghiệp khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian tới, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; tăng cường hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới và khu vực của UNESCO, các quốc gia thành viên về bảo vệ và quảng bá di sản tư liệu thông qua các hội thảo khoa học, trao đổi chuyên gia và ấn phẩm liên quan…

Tiếp tục nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản tư liệu

Trao đổi tại toạ đàm, bà Phạm Thị Thanh Bình, Tổng Thư ký Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam cho rằng để một hồ sơ được ghi danh vào Danh mục Ký ức Thế giới, dù ở cấp nào đều đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ các phía. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm thế nào để bảo vệ, phát huy các giá trị của mỗi danh hiệu đem lại không phải là điều đơn giản. Cũng như các Chương trình khác của UNESCO, Chương trình Ký ức Thế giới khuyến khích bảo quản an toàn, nguyên vẹn các di sản tư liệu dưới nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi, lâu dài, vĩnh viễn của di sản tư liệu. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản tư liệu trong đời sống con người. Những mục tiêu này đang ngày càng đặt ra cấp thiết hơn trước sự biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu. Nó đòi hỏi khá nhiều công lực, vật lực và trên hết là sự nhiệt tâm và quyết tâm của mỗi cá nhân.

“Khuyến nghị UNESCO 2015 về bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu, bao gồm cả di sản tư liệu ở dạng kỹ thuật số đã cung cấp các nguyên tắc hướng dẫn cho công việc của Tổ chức về vận động và phát triển chính sách. Vì vậy, các địa phương, cơ quan có di sản tư liệu đã và đang được ghi danh cần chủ động xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động tập trung vào 5 lĩnh vực như xác định rõ các di sản tư liệu hiện có; xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo tồn di sản tư liệu; xây dựng các phương pháp tiếp cận di sản tư liệu rộng rãi, phục vụ các tầng lớp nhân dân, xã hội đều có thể tham khảo và nghiên cứu một cách thuận tiện; xây dựng các chính sách quản lý, bảo tồn và khai thác di sản tư liệu; thúc đẩy hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và quốc tế”, bà Phạm Thị Thanh Bình đề xuất.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hoá, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhận định UNESCO đã thiết lập Chương trình Ký ức Thế giới vào năm 1992 nhằm bảo vệ Di sản tư liệu của thế giới thuộc về tất cả mọi người. Di sản tư liệu thế giới là những ký ức quý giá chung của nhân loại, cần được bảo tồn và bảo vệ đầy đủ cho tất cả mọi người. Di sản tư liệu với sự công nhận thích đáng về các tập tục và thực tiễn văn hóa cần phải luôn luôn được tiếp cận mà không gặp trở ngại nào đối với tất cả mọi người.

Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) vừa thông qua 2 hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Bà Phạm Thị Thanh Hường tiếp tục khẳng định: “Việc bảo vệ và chia sẻ di sản tư liệu đa dạng theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp cận và bảo vệ những thông tin, tri thức đa dạng mà con người đã tạo ra; để hiểu biết về quá khứ; sử dụng những tri thức đó để nhận diện đầy đủ hơn hiện tại. Di sản tư liệu còn có giá trị trong phục vụ dự báo tương lai. Hiện nay, Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là bằng chứng cho sự tham gia tích cực của Việt Nam và cam kết mở rộng tiếp cận cho công chúng nói chung với các tư liệu độc bản có giá trị”.

Dẫn chứng cụ thể về những nỗ lực của Việt Nam trong bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản tư liệu, ông Nguyễn Văn Tú, PGĐ Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, di sản tư liệu Bia đá các khoa thi tiến sĩ tại Văn Miếu  - Quốc Tử Giám được ghi danh vào danh mục Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 3.2010, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (Hà Nội). Sau khi được ghi danh, Trung tâm đã tăng cường việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản bia tiến sĩ. Trong đó, Trung tâm đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị bia tiến sĩ nhằm từng bước thực hiện yêu cầu của UNESCO đối với di sản. Hơn nữa, Trung tâm luôn coi trọng và thường xuyên thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ, chỉnh trang khung cảnh, môi trường vệ sinh. Khu vực bia được bảo vệ bằng hàng rào; không cho du khách đi vào, đụng hay sờ vào bia.

“Đặc biệt, chúng tôi liên tục quảng bá đồng bộ, mọi lúc, mọi nơi danh hiệu Ký ức thế giới của 82 bia tiến sĩ đến mọi tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Ngoài những ấn phẩm xuất bản sẵn như tờ rơi, sách về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bia tiến sĩ, đội ngũ thuyết minh viên của Trung tâm cũng giới thiệu trực tiếp về di sản cho du khách, đoàn khách Chính phủ…”, ông Nguyễn Văn Tú thông tin.

Cũng trong khuôn khổ toạ đàm, cuốn sách “Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ở Việt Nam” của TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ra mắt độc giả

TS. Vũ Thị Minh Hương cho biết với mong muốn hệ thống lại quá trình tham gia của Việt Nam vào Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, cung cấp một cách đầy đủ thông tin về Chương trình này đến các nhà quản lý các di sản tư liệu, các nhà khoa học và đặc biệt là các cơ quan, tổ chức và cá nhân, gia đình, dòng họ đang bảo quản những sưu tập tư liệu, tài liệu quý hiếm, có giá trị, cuốn sách được biên tập với 3 tầng nội dung.

Giới thiệu về sự ra đời của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ở Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ở Việt Nam.

Giới thiệu tóm tắt giá trị của các di sản tư liệu của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh và hoạt động phát huy giá trị các di sản đó.

Giới thiệu các sách công cụ hướng dẫn của UNESCO và của Khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Chương trình Ký ức thế giới, đặc biệt là giới thiệu cụ thể các tiêu chí đánh giá một hồ sơ, cách xây dựng hồ sơ và hướng dẫn khai từng mục cụ thể trên Tờ khai hồ sơ trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới cấp quốc tế và khu vực. Ngoài ra còn có bản Khuyến nghị năm 2015 của UNESCO liên quan đến chế độ bảo quản và tiếp cận Di snr tư liệu bao gồm cả dạng số.

Cuốn sách cũng tập hợp một số bài viết, bài tham luận của các tác giả tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới và về di sản tư liệu.

Được biết, đây là ấn phẩm đầu tiên viết về Chương trình Ký ức thế giới và về một loại hình di sản còn chưa được nhiều người biết đến ở Việt Nam, đó là di sản tư liệu. Nó như một món quà nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (1977 – 2022), kỷ niệm 30 năm Chương trình Ký ức thế giới và 10 năm thành lập Ủy ban quốc gia Ký ức thế giới của Việt Nam (Ủy ban quốc gia MOW của Việt Nam”.

 

ĐÌNH TOÁN

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top